Trả bát bảo
Là nước chè giải khát có 8 vị thuốc quý. Thành phần của chè gồm lá tre 20g, hoa kim ngân, rễ cỏ tranh, rễ ngưu tất, thục địa, cam thảo bắc, ý dĩ, mỗi vị 5g; mía 50g.
Liều lượng mỗi thứ có thể gia giảm, nhưng không nên nấu đặc quá.
Có thể thay thế lá tre bằng nhân trần, rau má; kim ngân bằng bồ công anh, sài đất; rễ cỏ tranh bằng râu ngô, mã đề; ngưu tất bằng thổ phục linh, tỳ giải; thục địa bằng hoàng tinh, huyền sâm; cam thảo bắc bằng cam thảo dây, cam thảo đất; ý dĩ bằng hạt sen, hoài sơn.
Tám vị thuốc trong “trà bát bảo” có thể được chia thành hai nhóm là nhóm những vị thuốc “mát” như lá tre, rễ cỏ tranh, kim ngân, ngưu tất và nhóm những vị thuốc “bổ” như thục địa, ý dĩ, cam thảo, mía.
Do đó, nước “trà bát bảo” có tác dụng bồi bổ, giải nhiệt, chỉ khát, thông tiểu, lợi thấp, tiêu độc, lại ngọt thơm nên được coi là một nước giải khát rất tốt, dễ uống, thích hợp với những trường hợp “nhiệt”, nhất là trong những ngày hè nóng bức, cơ thể mất nước nhiều.
Cách pha chế: Cho các dược liệu với liều lượng như đã nêu ở trên (trừ mía chẻ thành thanh nhỏ) vào nồi hoặc ấm nhôm cùng với một lít nước.
Đun đến sôi rồi giữ âm ỉ trong 15-20 phút. Khi dùng, chắt nước uống nóng hoặc để nguội tùy sở thích của từng người. Dùng đến đâu, pha chế đến đó, không nấu nhiều và để nước lưu cữu qua ngày.
Trả bát bảo
Nước thạch găng
Được chế từ lá găng trắng mọc hoang nhiều ở vùng đồi, quanh làng bản. Lấy chừng 100g lá tươi hoặc 30g lá khô, loại bỏ lá non, lá sâu, rửa sạch (cần nhẹ tay, tránh làm rách lá).
Để ráo nước rồi cho vào chậu sạch, đổ 1-1,5 lít nước đun sôi để nguội, vò mạnh cho nát lá chừng 15-20 phút, lọc nhanh bằng vải màn, tốt nhất là bằng rây, hớt hết bọt nổi trên mặt rồi để yên cho đông đặc.
Thời gian đông đặc khoảng 4-6 giờ.
Thạch có màu xanh lá cây (nếu làm từ lá tươi) hoặc màu nâu nhạt (từ lá khô), không mùi, ăn thơm ngon và rất mát.
Khi ăn, lấy một phần thạch trộn với một phần nước đường (đường trắng 300g nấu với nửa lít nước đun sôi 5-10 phút cho tan hết đường, lọc, để nguội).
Thêm vài giọt tinh dầu chuối cho thơm, khuấy đều. Nếu có thêm ít nước đá thì càng tốt.
Còn đối với lá găng tía và lá tiết dê thì dịch ép của lá chỉ có độ sánh nhớt như dạng keo, pha đường uống.
Làm thạch găng
Bạch lương phấn
Là loại thạch được chế từ quả cây trâu cổ, một cây thuốc mọc bám vào bờ tường, gốc cây to.
Chọn những quả có màu tím sẫm, thịt mềm nhưng chưa bị nhũn, rửa sạch, lau khô, giã nát hoặc xay nhuyễn, rồi cho vào túi vải, ép lấy nước cốt. Để yên một thời gian, nước này sẽ đông đặc như thạch.
Thạch có màu nâu tím, mùi thơm nhẹ. Khi dùng, lấy thạch (lượng vừa đủ) dầm nát, cho vào một cốc nước đường, có thêm ít hương liệu cho thơm sẽ được món đồ uống ngon, bổ mát và lạ miệng.
Nước chanh leo
Là thịt của quả chanh leo (lạc tiên trứng) chà nhẹ rồi ép lọc loại bỏ hạt để lấy dịch quả. Thêm đường trắng và nước sôi để nguội. Có thể phối hợp với các loại quả khác như dứa, mãng cầu xiêm, sầu riêng... làm thành nước sinh tố hỗn hợp.
Hoặc làm sirô bằng cách lấy dịch ép từ 0,5-1kg quả chanh leo (bỏ hạt) trộn với sirô nấu từ 200-250g đường trắng. Đun cách thủy trong 15-20 phút để diệt khuẩn, rồi đóng chai giữ kín, dùng dần.
Nước chanh leo
Thạch hương đào
Được chế từ hạt cây lười ươi, có nhiều ở các tỉnh phía Nam. Đến mùa quả chín (tháng 6-8), người ta thu quả đem về, đập vỡ, lấy hạt, phơi hoặc sấy khô.
Khi dùng, lấy 4-5 hạt cho vào một lít nước nóng. Lúc đầu, hạt nổi, sau khi ngấm nước, hạt nở rất to gấp 8-10 lần thể tích của hạt thành một chất sền sệt trong như thạch hoặc trân trâu, màu nâu nhạt, vị hơi chát.
Nếu thêm đường vào dịch này sẽ được một thứ nước giải khát đặc biệt rất ngon, uống làm nhiều lần trong ngày.
Nước ngâm hạt trà tiên và húng giổi (cũng chế như hạt lười ươi) còn chữa dị ứng, mẩn ngứa, đầy bụng, táo bón.