Chỉ trong 1 tuần, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) liên tục đưa ra thông tin cảnh báo, xử phạt 6 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ quảng cáo hỗ trợ giảm cân có chứa chất cấm.
Mới nhất, ngày 18/1, Cục thông tin về kết quả kiểm nghiệm mẫu giám sát phát hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên uống giảm cân SEVEN DAYS (Lô sản xuất 202021109; ngày sản xuất 9/11/2020) có chứa chất cấm Sibutramine. Cơ quan chức năng cũng phát hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe DIAMOND Power Slim (Lô sản xuất 0001; ngày sản xuất 25/9/2020) chứa chất cấm Sibutramine.
Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên uống giảm cân SEVEN DAYS (Lô sản xuất 202021109; ngày sản xuất 9/11/2020) bị phát hiện có chứa chất cấm Sibutramine.
Chất cấm này cũng được phát hiện trong hai mẫu giám sát sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Slim Phục Linh Plus; sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Slimming TIGI MAX 28. Hai sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Feo dứa và Viên uống thảo mộc Mộc slim đã bị phát hiện có chứa chất cấm Sibutramine và Phenolphtalein.
Điểm chung của các sản phẩm này là đều được quảng cáo giảm hấp thu chất béo, giảm mỡ dư thừa trong cơ thể; hỗ trợ giảm béo, tăng cường tiêu hao năng lượng...
Sibutramine - chất cấm phát hiện có trong các mẫu giám sát sản phẩm thực phẩm chức năng giảm cân này - là một hoạt chất làm giảm cảm giác thèm ăn, nhưng gây nguy hiểm đối với người có tiền sử bệnh tim mạch và huyết áp. Ngoài ra, một số nghiên cứu chỉ ra Sibutramine cũng tác động lên hệ thần kinh, với các triệu chứng như mất ngủ, chóng mặt, lo lắng...
Nhập viện vì giảm cân cấp tốc
Đánh trúng nhu cầu giảm cân, đặc biệt trong thời gian cận Tết, nhiều loại sản phẩm giúp giảm cân không tiếc lời quảng cáo "có cánh" để "dụ dỗ" chị em mua dùng.
Cách đây không lâu, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân nữ 43 tuổi (ở tỉnh Quảng Ninh) cấp cứu khi suy kiệt, nôn ra máu sau 1 tháng liên tục uống 2 lọ sản phẩm giảm cân có quảng cáo 100% từ thảo dược thiên nhiên với giá 500.000 đồng/hộp.
Trong 1 tháng sử dụng sản phẩm, chị giảm được 3kg nhưng cơ thể bị suy kiệt nghiêm trọng, được đưa đi cấp cứu trong tình trạng không thể ăn, không thể uống nước. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị teo hẹp toàn bộ dạ dày và thực quản do hóa chất. Chị phải phẫu thuật, cắt bỏ toàn bộ dạ dày và thực quản ngực; sau đó tạo hình đường tiêu hóa trên bằng hồi đại tràng phải. Lúc lên bàn mổ, chị suy kiệt tới mức giảm 35 kg so với thời điểm trước khi uống sản phẩm chị giảm cân (70 kg).
Ngoài dùng viên giảm cân, nhiều bệnh nhân còn uống trà giảm cân hoặc bột giảm cân không rõ nguồn gốc. Tình trạng suy thận đều diễn tiến rất nhanh chỉ sau khoảng hơn một tháng sử dụng. Người dùng thường đi tiểu nhiều hơn, mất khoảng 10% trọng lượng trong khoảng 1-2 tuần, sau đó rơi vào tình trạng suy đa cơ quan như suy thận cấp, suy gan cấp, cơ thể mệt mỏi, phù toàn thân...
Đơn cử như trường hợp ở Bình Dương, vì uống thuốc viên giảm cân trôi nổi nên chức năng thận của cô gái 22 tuổi không thể hồi phục do tổn thương quá nặng.
Thời gian đầu, cô giảm được 6kg nhưng sau đó thường xuyên mệt mỏi, không ngủ được, phải nghỉ việc. Dần dần cô bị phù hai mắt, lan ra cả mặt rồi đến tay chân. Cô được đưa đi cấp cứu đến Bệnh viện Bình Dân (TP HCM) khi đã xuất huyết tiêu hóa, khoang màng phổi có nhiều dịch, suy gan cấp, chức năng thận suy, rối loạn điện giải, đe dọa tính mạng.
Được cấp cứu, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, nhưng chức năng thận của cô không thể hồi phục, phải lọc máu định kỳ.
Thời điểm cô gái trẻ này nhập viện, các bác sĩ tại đây cho hay cô không phải là người duy nhất nhập viện cấp cứu với bệnh cảnh suy thận do dùng viên giảm cân và bị tổn thương thận không hồi phục, phải định kỳ chạy thận lọc máu.
Chỉ nên giảm 10% cân nặng trong 8 tuần
Theo các bác sĩ, giảm cân là một quá trình diễn ra lâu dài và liên quan đến chuyển hóa trong cơ thể. Nếu có nhu cầu giảm cân, chị em nên đến các trung tâm dinh dưỡng để được tư vấn, điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp kết hợp với tập luyện thể thao, đó là phương pháp giảm cân an toàn và hiệu quả.
Không nên lầm tưởng về những tác dụng “thần kỳ” mà thuốc giảm béo hay các sản phẩm quảng cáo giảm cân có thể đem lại. Ảnh minh hoạ
Các thuốc hay sản phẩm giảm béo không điều trị được bệnh béo phì. Khi ngừng uống thuốc, cân nặng sẽ tăng trở lại nếu không duy trì chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh và tập luyện thường xuyên. Bác sĩ cũng khuyến cáo không nên mua thuốc giảm cân trôi nổi trên thị trường, đề phòng hàng giả mạo, gây những hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe.
TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, khuyến cáo phương pháp giảm cân an toàn với hiệu quả giảm 10% cân nặng trong 8 tuần bao gồm 3 trụ cột chính: Chế độ dinh dưỡng hợp lý, chế độ vận động hợp lý và lối sống lành mạnh, tích cực. Nếu cân nặng giảm quá nhanh cũng ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.
Để giảm cân và có được vóc dáng như ý thay vì dùng các loại thuốc giảm cân không đúng chỉ định gây nguy hiểm, người dân cần tránh các thực phẩm cung cấp năng lượng nhiều như: bánh kẹo, nước ngọt đóng chai, bánh rán, thịt nhiều mỡ; cần đảm bảo đủ thành phần dinh dưỡng (chất bột - đường, đạm, chất béo); Ăn nhiều rau xanh, trái cây giàu chất xơ, vitamin.
Song song với việc kiểm soát năng lượng đưa vào cơ thể, việc tập luyện cần được duy trì hằng ngày để tiêu hao lượng calo dư thừa. Theo khuyến cáo, nên có chế độ luyện tập kiên trì, đều đặn và phù hợp với cơ thể. Tập tối thiểu 30 phút/lần và duy trì 5 lần tập/tuần. Chú trọng đến những bài tập với vòng eo, bụng, đùi và sẽ tốt hơn nếu có chuyên gia về thể dục hướng dẫn.
Lối sống lành mạnh, tích cực như ngủ đủ giấc; Ăn đủ bữa chính, không ăn vặt; Tập thói quen ăn chậm; Hạn chế giận dữ, buồn chán... cũng là yếu tố tác động đến quá trình tìm lại cân nặng lý tưởng.