Đối với phong trào phản đối vắc-xin gần đây, dựa trên nỗi sợ hãi tiêm vắc-xin góp phần gây bệnh tự kỷ, nhiều chuyên gia khẳng định, hiểu như vậy là hoàn toàn sai lầm. Ahamad Garrett-Price, bac sĩ tại Dallas, lý giải: "Hãy nhớ đến mục đích trước hết của vắc-xin, đó là bảo vệ dân số chúng ta khỏi nguy cơ thiệt mạng vì những căn bệnh truyền nhiễm.
Bất kể bạn cảm nhận thế nào về vắc-xin, đừng đưa ra quyết định chỉ dựa trên những lầm tưởng. Cũng nên nhớ rằng, vắc-xin không chỉ bảo vệ bạn, sự có mặt chủ yếu của chúng là bảo vệ những đối tượng dễ nhiễm bệnh là người già và trẻ em".
Susan Besser, bác sĩ ở Baltimore (Mỹ) cũng cho biết: "Mọi người thường nghĩ rằng, tiêm vắc-xin đầy đủ khi còn nhỏ là đủ. Nhưng điều này không đúng. Sự thật là không chỉ một số loại vắc-xin giảm hiệu quả miễn dịch theo thời gian mà còn xuất hiện những khuyến nghị mới, thậm chí, vắc-xin mới, mà bạn thậm chí không hay biết".
Bởi vậy, việc tiêm vắc-xin thôi chưa đủ, một điều quan trọng khác nữa mà bạn cần chú ý là đừng quên những mũi tiêm vắc-xin nhắc lại.
Sau đây là 6 mũi vắc-xin nhắc lại bạn nên tìm hiểu kỹ và thực hiện lịch tiêm đầy đủ:
1. Ho gà
Ho gà nghe có vẻ như một căn bệnh từ thời tiền sử. Nhưng Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) mới đây thông báo rằng, số ca mắc ho gà đang tăng trở lại, lên tới 50.000 trường hợp/năm.
Tiến sĩ Besser cho biết, người trưởng thành cần tiêm 1 mũi vắc-xin ho gà 10 năm/lần. Mặc dù bản thân căn bệnh này không còn gây quá nhiều lo lắng với một người trưởng thành khỏe mạnh, nó vẫn có thể "khiến bạn vô cùng khó chịu, như thể một trận ho kéo dài mãi".
Với trẻ sơ sinh, ho gà có thể rất nghiêm trọng hoặc thậm chí gây tử vong. Đó là lý do tại sao những người sắp làm cha mẹ hoặc người sẽ giữ trách nhiệm chăm sóc trẻ được khuyên tiêm vắc-xin ho gà. Việc này càng quan trọng với phụ nữ mang thai bởi họ có thể truyền sự bảo vệ ngắn hạn cho con mình.
2. Uốn ván
Uốn ván gây ra bởi tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn thâm nhập vào da qua một vết xước/cắt, sau đó ảnh hưởng tới hệ thần kinh. Do bạn có thể bị bệnh bởi những yếu tố rất nhỏ như một vết cào của thú nuôi. Chuyên gia gợi ý bạn nên tiêm vắc-xin uốn ván 10 năm/lần.
Hãy nhớ rằng, vắc-xin ngừa uốn ván còn bảo vệ bạn khỏi bệnh ho gà. Tiến sĩ Besser giải thích: "Mọi người không nhận ra rằng, mũi vắc-xin uốn ván có tác dụng ngừa cả bệnh ho gà".
3. Cúm
Theo CDC, có tới 186 ca tử vong của bệnh nhi do cúm trong mùa cúm 2017-2018 và trung bình 8/10 trẻ thiệt mạng do không tiêm vắc-xin. Tiến sĩ Garrett-Price nhấn mạnh: "Bạn có thể trực tiếp nhìn thấy sự liên quan tích cực giữa vắc-xin và khả năng phòng ngừa bệnh".
Nhưng không chỉ trẻ nhỏ mới nên tiêm vắc-xin ngừa cúm hàng năm. Những người cao tuổi, bất cứ ai có hệ miễn dịch kém hoặc sẽ tiếp xúc thường xuyên với hai nhóm đối tượng trên cũng cần tiêm vắc-xin cúm.
Do chủng cúm thay đổi theo từng năm, khuyến nghị hiện tại là mỗi năm đều nên tiêm vắc-xin cúm. Theo Tiến sĩ Besser: "Mất 6 tuần để phát triển miễn dịch. Do đó, hãy tiêm vắc-xin cúm sớm trước khi mùa cúm bắt đầu".
4. HPV - Nếu bạn trong độ tuổi 27-45
FDA mới đây đã cập nhật khuyến nghị của mình về bệnh lây nhiễm qua đường tình dục HPV. Theo đó, độ tuổi tiêm vắc-xin HPV được mở rộng hơn, từ 27 tới 45. Mục tiêu là phòng ngừa nguy cơ 14 triệu người Mỹ hàng năm bị nhiễm HPV - vốn đã được phát hiện có liên quan tới ung thư cổ tử cung và một số loại ung thư khác.
Tiến sĩ Besser nhấn mạnh: "Vắc-xin HPV là loại vắc-xin đầu tiên có khả năng tiêu diệt ung thư. Nó có thể mở đường cho những loại vắc-xin có tác dụng tương tự trong tương lai".
5. Zona - Nếu bạn trên 60 tuổi
FDA đã phê duyệt vắc-xin Shingrix phòng bệnh zona thần kinh vào năm 2017. Theo CDC, loại vắc-xin này hiện được ưa thích hơn so với Zostavax vốn được phê duyệt từ năm 2006. Shingrix dành cho đối tượng trẻ nhất là 50 tuổi. Do đó, hãy tham vấn bác sĩ về việc bạn có cần tiêm vắc-xin ngừa zona không.
Những người từ 60 tuổi trở lên được khuyên tiêm vắc-xin ngừa zona 5 năm/lần để ngừa căn bệnh nhiễm trùng do virus có thể gây ra tình trạng phát ban đau đớn này.
6. Sởi - Nếu bạn sinh sau 1957
Tiến sĩ Garrett-Price lý giải: "Cho tới tận bây giờ, 'mặt trận' sởi có thể yên ắng nhờ trước đó, chúng ta đã làm rất tốt việc tiêm vắc-xin ngừa sởi".
Nhưng thực tế là thời gian qua, tại nhiều nước, dịch sởi đã quay trở lại. Những người sinh trước năm 1957 được cho là có miễn dịch tự nhiên với căn bệnh này (do các đợt bùng phát trước đó).
Nhưng những người khác có thể cần tiêm vắc-xin sởi tuỳ thuộc vào thời điểm bạn tiêm mũi đầu tiên do đã có thay đổi trong hướng dẫn tiêm chủng vào năm 1989. Cụ thể, cần tiêm 2 mũi vắc-xin sởi thay vì 1. Bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm miễn dịch để xác định xem bạn có cần tiêm mũi sởi nhắc lại không.
Theo RD