Tại Đức không tiêm vắc xin phòng sởi bị phạt đến 2800 USD: Đây là lý do vì sao

Phạm Thanh |

Sởi là một căn bệnh có biến chứng vô cùng nguy hiểm nhưng không phải ai cũng ý thức được và đảm bảo việc tiêm phòng cho con cái.

Vì sao chúng ta cần ý thức về tầm quan trọng của việc tiêm phòng sởi?

Cha mẹ người Đức không tiêm phòng vắc xin phòng sởi cho con cái họ có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 2.500 euro (2.800 USD).

Bộ trưởng Bộ Y tế - Jens Spahn trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Bild am Sonntag của Đức nói rằng: "Tôi muốn diệt trừ bệnh sởi". "Bất cứ ai đến trường nên được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi".

Ông còn nói thêm rằng, phụ huynh phải đưa ra bằng chứng cho thấy con em của mình đã được tiêm vắc xin phòng sởi hoặc không sẽ phải đối mặt với án phạt và bị thôi học.

Đề xuất này được đưa ra khi Đức rơi vào một trong những nước mắc sởi cao nhất ở Châu Âu trong khoảng thời gian từ tháng 3 năm 2018 đến tháng 2 năm 2019, ở mức 651 trường hợp. Đứng đầu danh sách là Ý, với 2.498 trường hợp.

Đây là căn bệnh đáng ngại của toàn cầu và có chiều hướng hồi sinh trong những năm gần đây. Chứng bệnh này xuất hiện ở hầu hết các châu lục, từ các nước có thu nhập cao ở Châu Mỹ, Châu Âu đến các nước thu nhập thấp và trung bình ở Châu Á và Châu Phi. Nguyên nhân của chiều hướng gia tăng trên là do sự chủ quan, tự mãn hoặc thiếu điều kiện tiếp cận vắc-xin.

Một nghiên cứu của UNICEF được công bố gần đây cho thấy bệnh sởi đã giết chết 110.000 người trên toàn cầu vào năm 2017, chủ yếu là trẻ em, tăng 22% so với năm trước. Báo cáo kết luận rằng sự gia tăng là do 20 triệu trẻ em mỗi năm thiếu liều vắc-xin sởi đầu tiên.

Tại Đức không tiêm vắc xin phòng sởi bị phạt đến 2800 USD: Đây là lý do vì sao - Ảnh 1.

Đức không phải là nơi đầu tiên đề xuất tiền phạt cho trẻ em chưa được tiêm chủng. Cách đây vài tháng, thành phố New York cũng tuyên bố rằng những người sống trong các khu phố nơi có dịch bệnh đang diễn ra và chưa được tiêm phòng hoặc không có bằng chứng miễn dịch có thể bị phạt 1.000 đô la.

Trẻ em phải tiêm 2 liều vắc-xin để bảo vệ khỏi bệnh sởi. Trong khi tại Đức, 97% trẻ em có tiêm liều đầu tiên, nhưng liều thứ hai chỉ đạt 93% , Tổ chức Y tế Thế giới cho biết vào năm 2017. Các chuyên gia nói rằng phải đạt ít nhất 95% tỉ lệ tiêm phòng để cộng đồng miễn dịch với căn bệnh này.

Theo WHO, trong số các quốc gia có thu nhập cao, Hoa Kỳ đứng đầu danh sách trẻ em không được tiêm vắc-xin với liều đầu tiên và các trường hợp mắc sởi đạt con số cao nhất kể từ khi căn bệnh này được tuyên bố loại bỏ vào năm 2000.

Một số chuyên gia nói rằng, các thông tin sai lệch về virut và vắc-xin đã làm cho một số cha mẹ có cái nhìn sai lầm và từ chối tiêm vắc-xin cho con họ.

Matt Hancock, chuyên gia về sức khỏe của Anh nói rằng: "Các nhà vận động chống vắc-xin là đáng trách về mặt đạo đức và vô trách nhiệm".

Theo cnn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại