Viêm hoặc tổn thương thận sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Điều quan trọng là nhận biết được các dấu hiệu tổn thương thận để được khám và điều trị kịp thời. 5 triệu chứng dễ nhận biết sau cảnh báo tổn thương thận cần lưu ý:
Nước tiểu có bọt
Thận có chức năng lọc máu để sản xuất nước tiểu, sau đó được đào thải khỏi cơ thể. Bất kỳ bệnh hoặc vấn đề nào ảnh hưởng đến thận như nhiễm trùng thận, suy thận, tăng huyết áp, hay sỏi thận… cũng có thể gây ra tình trạng có bọt trong nước tiểu. Nếu bạn gặp phải tình trạng nước tiểu có bọt cảnh báo vấn đề bất thường về thận, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa thận để làm xét nghiệm, xác định nguyên nhân và bắt đầu điều trị thích hợp nhất.
Nước tiểu đổi màu
Màu của nước tiểu có thể thay đổi từ màu vàng nhạt sang vàng đậm, phụ thuộc vào lượng chất lỏng tiêu thụ, nhiệt độ môi trường… Thực phẩm màu như củ cải hay một số thuốc điều trị cũng có thể tạm thời thay đổi màu sắc của nước tiểu. Nhưng trong trường hợp không có các điều kiện trên, sự thay đổi màu của nước tiểu thành màu đỏ, hồng với bọt và mùi hăng cho thấy sức khỏe của thận bị suy yếu.
Khi thận khỏe sẽ làm tốt chức năng lọc các chất thải từ máu mà không để rò rỉ máu ra ngoài. Khi thận bị rối loạn, các tế bào máu này bắt đầu thoát ra và đi vào dòng nước tiểu, gây nên hiện tượng nước tiểu có màu đỏ…
Đau lưng
Đau lưng có thể là dấu hiệu của nhiều căn bệnh như nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi thận hay chấn thương. Tuy nhiên, nếu liên tục bị đau lưng dưới, ở cả hai bên, hãy cẩn trọng vì có thể thận đang bị đau.
Đau quặn thận còn được gọi là “cơn đau bão thận” vì đây là cơn đau dữ dội, xuất hiện đột ngột khi sỏi di chuyển từ thận xuống niệu quản gây tắc làm tăng áp lực trong thận. Đau quặn thận thường bắt đầu một cách đột ngột, có thể sau một hoạt động gắng sức nào đó hoặc được báo trước bằng triệu chứng đau thắt lưng, bí tiểu…
Cơn đau thường từ một bên hông, vùng hố thắt lưng sau đó lan rộng ra khu vực hạ sườn, kéo dài xuống tới vùng bẹn... Khi đau quặn thận, người bệnh có cảm giác đau như ai bóp chặt vùng đau, như bị dao đâm xoáy vào chỗ đau, đau toát mồ hôi.
Người bệnh đau quặn thận thường bị chướng bụng, tiểu khó, tiểu buốt, tiểu ra máu, thậm chí không tiểu được dù buồn tiểu. Ngoài ra, người bệnh còn có những biểu hiện như buồn nôn, có thể nôn hoặc không… Nếu không cấp cứu và điều trị kịp thời có thể gây những biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong cho người bệnh. Một số biến chứng nguy hiểm có thể kể đến như: Giãn, ứ nước thận - niệu quản, vỡ đáy đài thận, ứ mủ thận, suy thận cấp…
Khó chịu nói chung, yếu và đau đầu
Triệu chứng trên có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh, trong đó có bệnh về thận. Cơ quan này có liên quan đến việc sản xuất các tế bào hồng cầu, tiết ra erythropoietin, một loại hormone kích thích tủy xương hình thành các tế bào mới. Khi thận bị tổn thương, làm giảm sự giải phóng hormone, gây ra cảm giác mệt mỏi, xanh xao, khó chịu nói chung, suy nhược.
Bên cạnh đó, thận có chức năng lọc các chất cặn bã, các hợp chất độc hại để cho ra ngoài cơ thể. Suy giảm chức năng thận có thể dẫn đến sự tích tụ chất độc và tạp chất trong máu, tạo cảm giác mệt mỏi, sức khỏe suy kiệt và khó tập trung. Thậm chí, suy thận cũng có thể dẫn đến tích tụ độc tố trong não, gây độc cho hệ thần kinh… làm xuất hiện các triệu chứng đau đầu, chóng mặt... và có thể hủy hoại chức năng não.
Theo một nghiên cứu do Đại học Temple (Mỹ) thực hiện, nếu bị giảm khả năng nhận thức hoặc gặp khó khăn trong việc ghi nhớ, thì đó có thể là dấu hiệu của việc giảm chức năng thận.
Sưng, phù tay chân
Thận là cơ quan có nhiệm vụ loại bỏ chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Chức năng này sẽ bị thất bại nếu thận không khỏe. Rối loạn chức năng thận có thể dẫn đến tích tụ natri trong cơ thể, mà lẽ ra lượng natri này phải được đào thải ra ngoài thông qua đường tiết niệu. Từ đó gây sưng phù ở tay và chân. Phù hàng ngày vào buổi sáng cho thấy bạn cần đi khám bác sĩ.