Có rất nhiều lựa chọn có thể đưa vào chế độ ăn uống khi bị phổi tắc nghẽn mạn tính . Nếu bạn gặp khó khăn trong việc lên một kế hoạch dinh dưỡng, chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn. Dưới đây là những thực phẩm người bệnh nên dùng:
1. Trái cây và rau quả
Trái cây và rau tươi hoặc nấu chín là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết. Đây là nguồn thực phẩm chứa chất chống ôxy hóa tự nhiên giúp thúc đẩy quá trình chữa lành và chống viêm nhiễm.
Các loại rau giàu tinh bột như củ cải đường, cà rốt, ngô và bí là thực phẩm tốt cho người bệnh COPD. Có thể chế biến thành các món súp sẽ cung cấp dinh dưỡng lành mạnh cho những người bệnh COPD.
2. Carbohydrate giàu năng lượng
Khi mắc bệnh COPD, người bệnh cần một nguồn cung cấp năng lượng hàng ngày, hầu hết trong số đó đến từ calo carbohydrate. Carbohydrate phức hợp như ngũ cốc nguyên hạt có thể cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng lâu dài. Carbohydrate đơn giản như kẹo, bánh ngọt có thể cung cấp năng lượng nhanh chóng, nhưng sau đó lượng calo dư thừa sẽ được lưu trữ dưới dạng chất béo, dễ gây tăng cân.
Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, người bệnh COPD có thể cần gấp 10 lần lượng calo so với của người không mắc bệnh.
Tiêu thụ quá nhiều calo carbohydrate có thể dẫn đến béo phì, làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Nhưng nếu tiêu thụ không đủ có thể khiến cơ thể thiếu năng lượng và suy dinh dưỡng.
Vì vậy, cần đảm bảo rằng người bệnh sẽ nhận được lương calo tối ưu qua những thực phẩm trong các món ăn hàng ngày. Lượng calo được tính toán dựa trên tuổi và chiều cao, cân nặng.
Ngũ cốc nguyên hạt cung cấp nhiều năng lượng cho người bệnh COPD.
3. Protein và chất béo
Protein rất quan trọng đối với quá trình điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và chúng cũng giúp cơ thể tạo ra các tế bào miễn dịch. Những thực phẩm như hải sản, thịt bò, thịt gia cầm, thịt lợn, sữa, trứng và đậu có chứa nhiều protein.
Đặc biệt, các loại cá có chứa nhiều chất béo như: cá thu, cá hồi, cá mòi… cũng là nguồn thực phẩm giàu protein có lợi cho sức khỏe của người bệnh COPD.
Chất béo giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn và tạo ra vitamin. Thực phẩm như thịt, sữa, trứng, các loại hạt và dầu có chứa chất béo cung cấp nguồn chất béo dồi dào cho cơ thể.
Người bệnh COPD có thể theo chế độ ăn chay hoặc thuần chay nếu muốn, nhưng cần đảm bảo rằng cơ thể được cung cấp đầy đủ chất béo và protein qua những thực phẩm như bơ và các loại dầu lành mạnh.
4. Chất xơ
Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần bổ sung đủ chất xơ trong chế độ ăn uống. Chất xơ có vai trò quan trọng giữ cho nhu động ruột của bạn đều đặn và giúp bảo vệ chống lại ung thư ruột kết. Chế độ ăn nhiều chất xơ cũng có liên quan đến chức năng phổi tốt hơn và giảm các triệu chứng hô hấp ở những người bị COPD.
Thực phẩm giàu chất xơ bao gồm rau, các loại đậu (đậu và đậu lăng), cám, ngũ cốc nguyên hạt, gạo, ngũ cốc, mì ống làm từ lúa mì và trái cây tươi. Những thực phẩm này cũng có khả năng chống viêm.
Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần tiêu thụ từ khoảng 21 - 38g chất xơ mỗi ngày, tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính.
5. Uống đủ nước
Những người bị phổi tắc nghẽn mạn tính cần đảm bảo uống đủ nước để chất nhầy trong đường thở luôn loãng, tránh chất nhầy đặc có xu hướng làm tắc nghẽn đường đi của không khí. Tuy nhiên, không nên uống nước trong bữa ăn. Tốt hơn là nên ăn trước và uống nước sau bữa ăn để tránh cảm giác no trước khi kết thúc bữa ăn.
Với người bệnh phổi tắc nghẽn cần tăng cân, nên sử dụng sữa thay nước trong ngày. Điều này giúp tăng cân và cung cấp protein, canxi và vitamin D để duy trì xương khỏe mạnh.
Nên tránh cà phê và các thức uống khác có chứa caffeine (trà, nước tăng lực, sôcla…) vì caffeine trong các sản phẩm này có thể làm tăng cảm giác bồn chồn và khiến nhiều người bồn chồn hoặc lo lắng. Những tác động này có thể khiến các triệu chứng của bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Rượu và các đồ uống có cồn có thể khiến người bệnh mệt mỏi. Vì vậy nên tránh hoặc hạn chế tiêu thụ đồ uống có cồn.
Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên ăn uống điều ffooj theo chỉ định của bác sĩ.
6. Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
6.1 Chia nhỏ bữa ăn
Người bệnh COPD không nên ăn quá no, mà nên chia nhỏ thành nhiều bữa (5 - 6 bữa nhỏ) trong một ngày. Điều này hạn chế làm đầy dạ dày một cách quá mức, giúp phổi có đủ chỗ để mở rộng, từ đó việc thở sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, khi chế biến thức ăn cho người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thực phẩm nên được nấu nhừ để dễ nhai, tránh tình trạng phải gắng sức khi ăn. Khi ăn, nên ăn từng miếng nhỏ, nhai chậm và kỹ.
6.2 Ăn chính vào bữa sáng
Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên ăn bữa chính sớm nhất có thể với đầy đủ dinh dưỡng vào bữa sáng để cung cấp năng lượng cho các hoạt động trong ngày. Người bệnh sẽ không phải tốn quá nhiều năng lượng để ăn bữa tối mà chỉ cần ăn đơn giản để tránh mệt mỏi.
6.3 Tư thế ngồi ăn
Tư thế khi ăn cũng là một điều mà người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD cũng cần lưu ý. Khi ăn, nên ngồi trên một chiếc ghế cao, thẳng lưng để hạn chế áp lực từ ổ bụng ép lên cơ hoành gây ra tình trạng khó thở . Khi ăn, người bệnh COPD nên ngồi trên một chiếc ghế cao, thoải mái để tránh gây quá nhiều áp lực lên phổi.
6.4 Sử dụng muối điều độ
Nếu bạn bị tăng huyết áp hoặc phù nề (một biến chứng giai đoạn cuối của COPD) thì nên hạn chế và giảm lượng muối cung cấp cho cơ thể hàng ngày.
6.5 Sử dụng các loại thảo mộc tươi
Việc sử dụng thêm các loại gia vị, thảo mộc tươi góp phần làm tăng thêm hương vị tự nhiên, có thể làm giảm sự phụ thuộc của người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vào muối.
6.6 Sử dụng chất làm ngọt tự nhiên
Các thực phẩm có chứa chất ngọt tự nhiên như mật ong, gừng hoặc quế có thể được sử dụng để thay thế đường. Ăn quá nhiều đường, lượng đường dư thừa có thể làm tăng nguy cơ bị phù nề.
Một kế hoạch ăn kiêng COPD khá linh hoạt và có thể bao gồm nhiều loại thực phẩm mà người bệnh thích ăn. Các nguyên tắc chung bao gồm:
- Tránh các tác nhân gây dị ứng và hen suyễn.
- Loại bỏ (hoặc giảm thiểu) thực phẩm đã qua chế biến.
- Tăng cường trái cây, rau, đậu, các loại hạt, sữa, thịt nạc và hải sản…