Ung thư dạ dày vì ăn bim bim, bánh ngọt
Theo nguồn tin từ Weixin, thời gian vừa qua, Trung Quốc tiến hành khảo sát 489 món ăn dành cho trẻ nhỏ để tìm ra thủ phạm gây nên ung thư dạ dày ở trẻ em.
Và kết quả khiến không ít các bậc phụ huynh hốt hoảng vì có đến 10 món ăn yêu thích, thông dụng cho trẻ là nguyên nhân gây bệnh ung thư dạ dày.
Bác sĩ Tiêu Mai (Khoa Nội Tiêu hóa, Phó Giám đốc Bệnh viện An Huy (Trung Quốc) cho biết, những món ăn vặt không chỉ khiến trẻ phát phì mà còn là nguyên nhân gây nên các bệnh dạ dày.
Đặc biệt, đối tượng mắc bệnh ung thư dạ dày theo thống kê tại bệnh viện đang ngày càng trẻ hóa, thậm chí có bệnh nhân chỉ mới 5 tuổi.
Bà cũng nhấn mạnh, hầu hết những trẻ trong độ tuổi này mắc bệnh ung thư dạ dày đều có một điểm chung là không chú trọng vào bữa ăn chính, ăn nhiều đồ ăn vặt, đặc biệt là thực phẩm chế biến, đồ ăn nhanh.
Những món ăn vặt không chỉ khiến trẻ phát phì mà còn là nguyên nhân gây nên các bệnh dạ dày. (Ảnh: Internet)
Theo đó, nguồn tin này khẳng định thực phẩm công nghiệp đều có chứa chất phụ gia. Trẻ nhỏ thường không ý thức được những mối nguy hại từ thực phẩm công nghiệp nên cứ thích là ăn.
Thậm chí, cha mẹ cũng không nắm hết được các món ăn vặt đều có chứa chất phụ gia, ăn nhiều sẽ vô cùng nguy hiểm.
Kết quả điều tra tại đây cho thấy, 10 món ăn vặt chứa nhiều chất phụ gia nhất, là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư dạ dày ở trẻ bao gồm bánh (Pie) gồm bánh trứng và sô cô la, mì ăn liền, xúc xích thịt nguội, hoa quả ngâm tẩm sấy khô, thạch, kem, bánh quy, trà sữa, kẹo cao su, bim bim.
Thông tin được nêu trên khiến không ít các bậc phụ huynh hoang mang tột độ, nhất là khi những món đồ ăn trên đều là những món ăn vặt yêu thích của hầu hết trẻ em.
Đặc biệt, thông tin đưa ra còn dấy lên những suy nghĩ cứ ăn những đồ ăn trên là khiến trẻ mắc bệnh ung thư dạ dày.
Những kiểu ăn uống khiến trẻ vô tình mang bệnh vào thân
Theo Tiến sĩ Từ Ngữ (Tổng thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam), thực tế thì những loại đồ ăn vặt như đã nêu ở trên không phải dành riêng cho trẻ con nên không thể quy kết đổ lỗi ung thư dạ dày ở trẻ nhỏ là do ăn những thực phẩm này.
“Đừng bao giờ có suy nghĩ vì một trường hợp bị ung thư dạ dày được phát hiện mà khái quát cho tất cả trẻ em và đổ lỗi cho những thực phẩm nêu trên gây bệnh.
Nếu thực sự muốn có bằng chứng rõ ràng thì chúng ta cần làm y học thực nghiệm cho tất cả những trẻ em trong độ tuổi đó.
Sau đó mới kết luận lại xem bao nhiêu phần trăm trẻ ăn thường xuyên những thực phẩm trên bị ung thư thì lúc đó mới có thể nói như trên được”, TS Từ Ngữ nói.
TS Từ Ngữ khẳng định thói quen ăn uống không hẳn đã khiến trẻ bị ung thư nhưng đúng là có những lỗi sai trong ăn uống khiến trẻ bị bệnh. (Ảnh: TN)
Ông khẳng định, trường hợp như trên chỉ là một trường hợp cá biệt.
“Đúng là ăn nhiều những thực phẩm như bánh kẹo ngọt, bim bim, kem thì không tốt nhưng không thể quy kết vì ăn uống những thực phẩm này mà trẻ bị ung thư dạ dày.
Điều này hoàn toàn không có căn cứ vì bị ung thư còn phụ thuộc rất nhiều vào những thứ khác như môi trường sống bị ô nhiễm, trẻ chẳng may uống nhầm một hóa chất tích tụ độc tố gây ung thư nào đó…”, chuyên gia dinh dưỡng cho hay.
Theo TS Từ Ngữ, thói quen ăn uống không hẳn đã khiến trẻ bị ung thư nhưng đúng là có những lỗi sai trong ăn uống khiến trẻ bị bệnh.
Dưới đây là 5 lỗi sai cơ bản của cha mẹ trong ăn uống vô tình gây bệnh cho con được chuyên gia này đưa ra:
1. Hiểu biết sai về thực phẩm
TS Từ Ngữ cho biết, nhóm phụ huynh này thường có suy nghĩ sai về giá trị dinh dưỡng, kỹ thuật nấu nướng, nhu cầu của trẻ, sự phát triển của trẻ cần những gì.
Đây là nhóm hoàn toàn thiếu hiểu biết. Ví dụ như người ta nói ăn nhiều thịt là tốt, uống nhiều sữa là tốt, trong bim bim có nhiều chất có lợi, nước giải khát có gas giúp tăng lực…
Quá nhiều cách nói về những thực phẩm này làm cho mẹ hoặc bất cứ ai không hiểu biết sẽ bị nhầm lẫn.
“Do đó, trong trường hợp này, phụ huynh cần có các nhà dinh dưỡng giải thích một cách chuẩn xác. Ở đây, khi giải thích, chuyên gia dinh dưỡng cần chú ý: Thực phẩm chế biến không tốt có nguyên nhân chủ yếu là do lượng chất phụ gia, phẩm màu ổn định vị, độ keo… còn bản thân thực phẩm chế biến không phải là không tốt”, TS Từ Ngữ khẳng định.
2. Thương con nên chiều theo sở thích ăn uống của con
TS Từ Ngữ cho hay: “Nhiều cha mẹ thương con, biết con ăn nhiều đồ ngọt là không tốt nhưng vì con rất thích nên cứ cho con ăn nhiều đồ ngọt như đường, bánh kẹo.
Khi ăn nhiều bánh kẹo, đồ ngọt, trẻ sẽ không ăn cơm được nữa dẫn đến con hoặc bị béo phì hoặc bị suy dinh dưỡng”.
3. Cho con ăn kiểu tư duy theo đám đông, quảng cáo hoặc học theo các mẹ khác
Chuyên gia lấy một ví dụ đơn giản: Khi thấy con mình nhỏ bé thì lo sốt vó, tẩm bổ bằng mọi cách cho con béo lên dù đang hoàn toàn khỏe mạnh chỉ vì cả lớp con đứa nào cũng béo.
Đó là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm.
4. Áp dụng một cách máy móc các kiến thức nuôi con tân tiến ở các nước khác
“Nhiều mẹ học tiếng Anh giỏi, đọc sách thấy ở những nước ngoài người ta nuôi con theo kiểu này kiểu kia rồi cũng về áp dụng để nuôi con.
Tuy nhiên, các mẹ lại không biết rằng áp dụng kiểu như vậy rất có thể không theo nhu cầu của đứa trẻ sống tại Việt Nam. Hiện tượng này đang rất phổ biến ở Việt Nam”, TS Từ Ngữ nói.
Nhiều mẹ áp dụng máy móc kiểu nuôi con ở những nước tiên tiến mà không biết có thể không phù hợp với thể trạng trẻ ở Việt Nam. (Ảnh: Internet)
5. Quan niệm sai về cách nuôi con
Nhiều người có quan niệm nuôi con kiểu cứ nuôi khắc lớn, không cần tới khoa học, nuôi theo kinh nghiệm của ông bà… đòi hỏi phải kiêng khem, không được ăn cái này cái kia, trẻ nhỏ bị bệnh không được bú mẹ…
“Rất nhiều lời khuyên từ ông bà được áp dụng cho trẻ nhỏ về cách ăn uống. Nhưng đây cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị bệnh”, TS Từ Ngữ khẳng định.
Chuyên gia cũng cho biết thêm, bản chất của việc nuôi con đúng hay sai, ngoài kiến thức thì tính cá thể của mỗi đứa trẻ khác nhau.
“Cái chuẩn nhất của một đứa trẻ được ăn uống đúng cách chính là khỏe mạnh, không mắc bệnh tật gì, chỉ số trí tuệ cao.
Và để có thể thường xuyên theo dõi được sự phát triển của trẻ cũng như thước đo cha mẹ đã cho con ăn uống đúng cách hay chưa, phụ huynh nên đưa con đi khám, cân đo, tư vấn dinh dưỡng định kỳ tại những cơ sở có uy tín”, TS Từ Ngữ khẳng định.
Thêm nữa, mẹ cần dành nhiều thời gian để chăm sóc con hơn, đừng phó thác con cho người giúp việc hay ông bà.
Trước khi làm mẹ, chị em cũng nên đi học các lớp học làm mẹ một cách nghiêm chỉnh để củng cố kiến thức nuôi dạy con...
Ngoài ra, nhân viên y tế cơ sở, cộng tác viên y tế cộng đồng không được trang bị kiến thức nghiêm chỉnh.
Theo TS Từ Ngữ, điều này thực sự rất nguy hiểm.
Sự thiếu hiểu biết hoặc hiểu chưa đến nơi đến chốn sẽ khiến các nhân viên chuyên dinh dưỡng truyền đạt thiếu chính xác, hoặc áp dụng từ kinh nghiệm cá nhân của mình vào người khác mà chưa chắc đã phù hợp với người cần tư vấn.
Từ đó kéo theo mẹ được truyền đạt cách dạy con ăn cũng bị sai lệch, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.