Vào mùa hè, dương khí trong cơ thể sẽ tăng cao, âm khí hạ thấp. Nếu khí huyết không đủ, rất dễ phát sinh các bệnh, đặc biệt là các cơ quan nội tạng bị nóng, hay còn gọi là nhiệt, nóng trong.
Ngũ tạng nóng là một khái niệm bệnh quan trọng và phổ biến trong đông y, nhưng nhiều người không coi đây là sự nguy hiểm, bởi nó không hoàn toàn là bệnh lý cần phải chữa trị ngay tức thì.
Khi ngũ tạng bị nóng, các triệu chứng khác nhau sẽ có cách điều trị khác nhau. Tạp chí Thời báo sức khỏe Trung Quốc đã mời các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này để hướng dẫn độc giả cách khắc phục hiện tượng nội tạng bị nóng, là nguồn cơn gây ra nhiều bệnh khác.
Các chuyên gia:
1. Giáo sư Dương Lực, Viện nghiên cứu, Học viện y khoa Trung y Trung Quốc.
2. Giáo sư Châu Nghênh Xuân, Khoa Trung y, Bệnh viện Nam Phương, Đại học Y khoa Nam Phương.
3. Thầy thuốc chính Lý Văn, Khoa Dược học, Bệnh viện Trung y Thành phố Nam Kinh.
4. Bác sĩ trưởng Trương Trung Ái, danh y vàng Bệnh viện Trung y Thành phố Nam Kinh.
5. Bác sĩ Giang Hải Đào, Trưởng khoa tim, bệnh viện số 2, Đại học Trung y dược Thiên Tân. Trung Quốc
Ngũ tạng bị nóng, bệnh nào phải thuốc đó
Ngũ tạng thường xuyên xảy ra hiện tượng nóng, nhiều người quen gọi là tạng nóng hay nóng trong. Bao gồm tim, phổi, gan, dạ dày, thận. Trong trường hợp này, Đông y đều có những gợi ý giúp bạn nhận ra mình mắc bệnh gì để điều trị phù hợp. Đồng thời tư vấn thực phẩm liên quan cho bạn.
1. Dạ dày nóng
Dạ dày bị nóng liên quan đến vấn đề ăn uống. Nếu như ăn quá nhiều chất béo, ngọt, ăn quá no hoặc gia vị quá đậm làm cho chức năng chuyển hóa của các cơ quan tì vị giảm xuống. Biểu hiện rõ nhất là dạ dày đau, đầy hơi, trướng bụng.
Trong trường hợp này phải giải nhiệt cho dạ dày thì bụng mới hết đau. Uống thuốc không đúng, bệnh sẽ kéo dài âm ỉ.
2. Phổi nóng
Có 2 dạng phổi nóng là nóng hư và nóng thực.
Nóng hư là khi phổi bị nóng xuất hiện các triệu chứng như ho có ít đờm hoặc có đờm nhưng rất nhầy dính, người có cảm giác bốc hỏa, ra mồ hôi đêm, lòng bàn tay bàn chân đều nóng, mất ngủ.
Nóng thực có biểu hiện như đờm nhiều, có màu vàng, dính, cảm giác khô họng, đau họng, mặt đỏ, miệng khô, ngực đầy khó thở, tâm trạng khó chịu, khát nước.
3. Gan nóng
Gan bị nóng thường liên quan đến nguyên nhân do áp lực công việc, môi trường sống căng thẳng và nội tiết tố trong cơ thể thay đổi. Thường biểu hiện như chóng mặt, mắt đỏ, mặt đỏ, miệng đắng họng khô, tâm trạng khó chịu, dễ nổi nóng, viền lưỡi đỏ.
Thỉnh thoảng cảm thấy ngủ không ngon, bồn chồn bất an. Trường hợp này nên đi khám để uống thuốc theo đơn của bác sĩ. Chế độ ăn uống nên điều chỉnh theo hướng hạn chế ăn chua, thêm món ngọt để dưỡng gan, kiện tì, điều hòa dạ dày.
4. Tim nóng
Các triệu chứng rõ rệt nhất khi tim bị nóng là mất ngủ, đánh trống ngực, đau đầu lưỡi. Nguyên nhân dẫn đến tim bị nóng thực tế khá phức tạp, kiến nghị người bệnh nên đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân chính xác.
Khi ăn uống cố gắng điều chỉnh, ăn thêm táo chua và hoa bách hợp, thực phẩm có tính mát.
5. Thận nóng
Thận nóng có biểu hiện thay đổi chức năng bài tiết, cụ thể nhất là tiểu tiện bất thường, màu nước tiểu thay đổi. Cơ thể mệt mỏi, chức năng sinh lý suy giảm.
Thực đơn giảm nóng ngũ tạng của các chuyên gia
1. Món rau hạ nhiệt tốt nhất là cải thảo
Tục ngữ có câu "cá sinh hỏa, thịt sinh đờm, cải thảo đậu phụ cân bằng điều hòa". Điều này nghĩa là nếu ăn quá nhiều thịt cá có thể dẫn đến sưng đau cổ họng, mặt mũi mụn nhọt nhiều, đi kèm các chứng bệnh do nhiệt khác. Vì vậy, cách tốt nhất là nên ăn kèm thêm rau để hạ nhiệt tức thì.
Theo Đông y, cải thảo có tác dụng tốt cho dạ dày tiết dịch để co bóp và tiêu hóa, bổ âm nhuận phổi, nhuận tràng thông tiện, được xem là món rau đứng đầu trong nhóm thực phẩm có tác dụng làm hạ hỏa sau khi ăn.
Cải thảo có thể kết hợp ăn cùng với hoa bách hợp, khoai các loại, rất tốt cho việc giải nhiệt phổi, có ích cho hệ hô hấp trong trường hợp bộ phận này phát sinh bệnh tật.
2. Món thịt hạ nhiệt tốt nhất là thịt vịt
Nghiên cứu Đông y cho thấy, thịt vịt có tính lạnh, có thể dưỡng dạ dày và bổ thận, loại bỏ phù nề, dừng nhiệt lỵ, khử trùng nhiệt, giảm các triệu chứng ho và đờm, có tác dụng tốt và phù hợp với người mắc chứng cơ thể nóng, mất cảm giác ngon miệng, đi ngoài phân khô.
Nghiên cứu dinh dưỡng cho thấy, hàm lượng protein trong thịt vịt tương đương với các loại thịt thú (4 chân) nói chung, nhưng các axit béo chủ yếu là axit béo không bão hòa, thích hợp cho đa số người mắc bệnh "tam cao" (huyết áp, đường huyết, mỡ máu).
Điều cần lưu ý là nên hạn chế ăn vịt quay hay xào, vì cách chế biến này không thật sự tốt cho sức khỏe. Nên nấu vịt kết hợp với các loại rau quả như bí, lúa mạch, măng và các loại thực phẩm khác.
3. Món cháo/chè hạ hỏa tốt nhất là củ từ nấu nếp
Đông y cho rằng, cháo không chỉ là một món ăn, mà còn có vai trò của điều trị hỗ trợ chữa bệnh thông qua liệu pháp ăn uống.
Cách nấu cháo như bình thường, với nguyên liệu gồm một ít nếp, khoai lang hoặc khoai từ (khoai mỡ), gọt bỏ vỏ, cắt miếng vừa ăn. Cho vào nồi, đổ thêm nước, nấu lửa to đến khi sôi thì đun nhỏ lửa trong khoảng một tiếng là có thể thưởng thức.
Lưu ý: Người bình thường có thể thêm đường vào cháo, người mắc tiểu đường thì nên ăn suông hoặc thêm chút muối.
4. Món trà hạ nhiệt tốt nhất là trà tam hoa (kim ngân, cúc, nhài)
Trà tam hoa có tác dụng giải nhiệt, giải độc hiệu quả cho nội tạng. Công thức làm trà tam hoa gồm kim ngân hoa 10 gram, hoa cúc 10 gram, hoa nhài 3 gram, pha với nước sôi vừa uống.
Hoa cúc có vị ngọt và hơi đắng, có tác dụng làm sạch gan, sáng mắt, giảm nhiệt cho gan. Kim ngân hoa vị ngọt tính lạnh, hương vị thơm mát, cso thể thanh nhiệt giải độc.
Món trà này có hương thơm đậm đà, có tác dụng làm cho tinh thần sảng khoái, an nhiên tự tại, tán nhiệt.
5. Loại quả giải nhiệt tốt nhất trong nhóm trái cây là lê
Vào mùa hè, thời tiết nóng nực khiến việc ăn uống của nhiều người bị giảm sút.
Theo Đông y, lê có tác dụng giảm ho tiêu đờm, dưỡng âm sinh tân, dưỡng phổi, tốt cho dạ dày. Chủ yếu có thể điều trị chứng khô rát cổ họng, khàn giọng, đi ngoài phân khô.
Lê có thể ăn tươi hoặc nấu cùng với củ cải thành canh càng tăng thêm hiệu quả.
Lưu ý: Lê có tính hàn lạnh, những người mắc bệnh dạ dày lá lách âm hư, đại tiện phân lỏng hoặc ho đờm thì không nên ăn.
*Theo Health/HQ