4 cách uống cà phê khiến tuổi thọ bị "rút ngắn", sức khỏe suy giảm

Kim Phụng |

Với người thường xuyên uống cà phê, có một số thói quen cần được loại bỏ để không gây hại tới sức khỏe và tuổi thọ.

Uống cà phê được xem là một trong nhiều cách giúp tăng cường năng lượng, cải thiện sức khỏe não bộ và tâm trạng. Tuy nhiên, uống cà phê không đúng cách cũng sẽ khiến sức khỏe bị ảnh hưởng. Theo Eat This, Not That thì dưới đây là 4 thói quen có hại khi uống cà phê khiến tuổi thọ bị "rút ngắn" và ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe:

1. Uống quá nhiều cà phê

Một nghiên cứu của các giáo sư y khoa tại Viện Tim mạch và Mạch máu John Ochsner ở New Orleans (Mỹ) đánh giá 40.000 người trưởng thành nhận thấy rằng uống hơn 4 tách cà phê mỗi ngày có thể có tác động tiêu cực đến tuổi thọ của một người.

4 cách uống cà phê khiến tuổi thọ bị "rút ngắn", sức khỏe suy giảm- Ảnh 1.

Ảnh: Salon.com

Vậy uống bao nhiêu cà phê được coi là quá nhiều? Theo khuyến nghị của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), lượng caffeine an toàn để tiêu thụ hàng ngày không nên vượt quá 400 mg. Một tách hoặc gói cà phê thông thường có khoảng 70-100 mg caffeine, tương đương với khoảng 3 - 4 tách cà phê. Nhiều hơn con số này có thể gây hại cho sức khỏe.

Tiêu thụ quá nhiều caffeine còn có thể gây ra các triệu chứng cả về thể chất và tâm thần như: Khó thở, nôn nao, bồn chồn, nhịp tim không đều, co giật cơ bắp, chóng mặt, đau đầu, thậm chí là ảo giác.

2. Thêm quá nhiều đường bổ sung

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tiêu thụ quá nhiều đường bổ sung có thể dẫn tới tử vong sớm cũng như các bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp, đột quỵ, động mạch vành - các bệnh này cũng là một trong những yếu tố khiến chất lượng cuộc sống bị giảm, dẫn tới giảm tuổi thọ. 

Đồng thời các chất làm ngọt cũng có thể làm tăng nguy cơ rối loạn vi khuẩn đường ruột có ảnh hưởng tới toàn bộ chức năng cơ thể.

4 cách uống cà phê khiến tuổi thọ bị "rút ngắn", sức khỏe suy giảm- Ảnh 2.

Ảnh: Eat This, Not That

Mỗi 30 gam sirô hương liệu bổ sung chứa khoảng 19 gam đường. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị rằng nam giới không nên tiêu thụ quá 9 thìa cà phê (38 gram) đường mỗi ngày, trong khi phụ nữ không nên vượt quá 6 thìa cà phê (25 gram).

Thay vì uống một cốc cà phê thêm đường hoặc các hương vị nhân tạo, hãy thử các lựa chọn lành mạnh hơn để tăng hương vị cho cốc cà phê của mình như: Bột quế, bột protein, bột ca cao,...

3. Cốc cà phê quá nhiều kem nhân tạo

Tương tự như đường bổ sung hoặc sữa thì kem cũng là một thành phần cần thận trọng khi thêm vào cà phê.

Kem nhân tạo, đặc biệt là kem không được làm từ sữa mà làm từ sirô ngô và dầu thực vật được hydro hóa một phần chỉ chứa calo rỗng cùng các chất béo trans (axit béo chuyển hóa) làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và tiểu đường. Kem nhân tạo cũng khiến cốc cà phê bị giảm lợi ích vốn có của nó.

4 cách uống cà phê khiến tuổi thọ bị "rút ngắn", sức khỏe suy giảm- Ảnh 3.

Ảnh: Eat This, Not That

Nếu vẫn muốn thêm kem vào cà phê, chỉ nên thêm một chút ít và ưu tiên loại có nguồn gốc từ sữa hoặc thực vật như sữa hạnh nhân, sữa yến mạch hoặc sữa đậu nành.

4. Uống cà phê thêm nhiều hương vị bổ sung

Các hương vị nhân tạo như caramen, bột vani, bạc hà, bột bí ngô,... không chứa gì ngoài đường, calo rỗng và màu nhân tạo khiến cốc cà phê thêm bắt mắt và hấp dẫn hơn. Nếu thường xuyên uống cà phê thêm hương vị nhân tạo có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về rối loạn chuyển hóa như tiểu đường và về lâu dài có thể dẫn tới suy giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng tới tuổi thọ.

4 cách uống cà phê khiến tuổi thọ bị "rút ngắn", sức khỏe suy giảm- Ảnh 4.

Ảnh: Olive Magazine

Vậy có phải không uống cà phê sẽ giúp sống lâu hơn?

Cà phê được định nghĩa lành mạnh hay không phụ thuộc vào cách mà bạn uống nó, bao gồm: Uống bao nhiêu, thêm gì vào hay không,...

Theo AARP, những người uống cà phê có nguy cơ tử vong thấp hơn 10 đến 15% so với nhóm không uống cà phê bao giờ. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Longevity & Healthspan cho biết caffeine thực sự có thể giúp kéo dài tuổi thọ, cải thiện sức khỏe và giúp làm chậm các bệnh liên quan đến tuổi tác như Alzheimer. Đó là vì caffeine có thể giúp hạn chế chế độ ăn uống và giảm tín hiệu insulin. 

Do vậy, thay vì việc kiêng cà phê hoàn toàn vì lo ngại những tác động của cà phê với sức khỏe và tuổi thọ thì bạn chỉ cần lưu ý uống cà phê đúng lượng khuyến nghị, lựa chọn những thành phần lành mạnh để thêm vào thức uống này. 

Tất nhiên, điều này không có nghĩa rằng bạn phải uống cà phê nếu như đây không phải là một đồ uống yêu thích mà bạn có thể bổ sung các thực phẩm và đồ uống khác tốt cho sức khỏe và tuổi thọ vào chế độ ăn hàng ngày như: Các loại hạt, cá béo, các loại rau họ cải, quả mọng, dầu ô liu,...

Nếu đang sẵn có các bệnh lý điều trị và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi quyết định thêm một cốc cà phê vào chế độ ăn uống hàng ngày của mình, để tránh những tương tác thuốc không mong muốn.

Nguồn: Eat This, Not That; HuffPost; AHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại