Trong đó, viêm não là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm ở trẻ nhỏ. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể để lại di chứng, thậm chí có thể tử vong.
Trường hợp bệnh nhi V.T.K (nam, 10 tuổi) mắc viêm não Nhật Bản nguyên nhân là do không được tiêm chủng đủ mũi. Dù tính mạng của bệnh nhi đã được cứu sống, nhưng đã gặp biến chứng liệt 1 bên người.
Theo gia đình bệnh nhi trước khi nhập viện, ở nhà bé K có biểu hiện sốt cao và đau đầu, nôn trớ… Nghĩ trẻ bị viêm họng gia đình đã tự mua thuốc điều trị tại nhà. Tới ngày thứ 3, bé K uống thuốc không đỡ các triệu chứng nặng tăng. Gia đình đã đưa bé tới bệnh viện khám và ngay lập tức bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.
Bệnh nhi K gặp di chứng liệt 1 bên người do mắc viêm não Nhật Bản.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương bệnh nhân được chẩn đoán mắc viêm não Nhật Bản đã ở tình trạng rất nặng. Các bác sĩ đã phải đặt nội khí quản, thở máy và điều trị tăng áp lực sọ để có thể cứu sống bé.
Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi đã được rút ống nội khí quản, tính mạng không còn nguy hiểm, tuy nhiên cháu bé đã bị biến chứng không đi lại được.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Y học Lâm sàng Các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, từ đầu năm tới nay Trung tâm đã tiếp nhận 99 trường hợp mắc viêm não các loại tới điều trị, trong đó có 2 ca viêm não Nhật Bản.
Số lượng bệnh nhân viêm não năm nay không tăng. Tuy nhiên, thời điểm này bắt đầu vào mùa viêm não nên cha mẹ cần phải hết sức cẩn trọng.
Riêng về căn bệnh viêm não Nhật Bản bác sĩ Lâm khuyến cáo, những năm gần đây bệnh thường hay gặp ở trẻ lớn tuổi và có biến chứng nặng. Nguyên nhân là trẻ tiêm phòng vắc xin không đầy đủ, không tiêm nhắc lại sau 3 đến 5 năm kể từ mũi tiêm cuối.
Trường hợp của bé K là một ví dụ. Bệnh nhi 10 tuổi đã tiêm 3 mũi đầu sau đó gia đình đã quên lịch tiêm, khiến cho bé bị mắc bệnh và để lại di chứng đáng tiếc.
Triệu chứng điển hình của viêm não Nhật Bản là: sốt, nôn, đau đầu… Kèm theo các biểu hiện trên là tình trạng rối loạn ý thức có thể là ngủ gà, li bì, hôn mê…
"Trẻ mắc viêm não nói chung và viêm não Nhật Bản nói riêng di chứng hay gặp nhất là chức năng vận động và ngôn ngữ. Các di chứng nhẹ khác có thể gặp là động kinh, điếc, kém giao tiếp… với di chứng nhẹ sau này có thể phục hồi", TS. Lâm nói.
Để phòng viêm não Nhật Bản đối với trẻ nhỏ tiêm phòng vắc xin là cách hiệu quả nhất. Tuổi tiêm viêm não Nhật Bản được khuyến cáo là tiêm khi trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên gồm 3 mũi cơ bản: Mũi 1: trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên; Mũi 2: sau mũi tiêm thứ nhất 1-2 tuần; Mũi 3: sau mũi thứ nhất 1 năm.
Liều tiêm nhắc lại: Sau 3 năm tiêm nhắc lại một liều để duy trì miễn dịch.