Mới đây, anh N.Đ.T (23 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) đã trải qua những ngày nhớ đời khi trong 10 ngày phải 3 lần chịu đau đớn vì phẫu thuật để giữ lại mạng sống.
Cắt bỏ chân, tay vì thuốc lá
Dù còn trẻ, N.Đ.T đã có 6 năm hút thuốc lá , với số lượng 1 gói/ngày. Khoảng 2 tháng nay, T. thường xuyên bị tức ngực, khó thở, các bác sĩ chẩn đoán T. bị tràn dịch màng phổi mức độ nghiêm trọng.
Còn tại Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM, không ít lần các bác sĩ phải đoạn chi cho bệnh nhân do ảnh hưởng của việc hút thuốc lá gây ra. Ca đáng nhớ nhất là bệnh nhân T.T.P (42 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk), nghiện thuốc lá 30 năm.
Khi nhập viện, chân trái của ông P. bị hoại tử, các ngón chân tím đen nên dù rất cố gắng, các bác sĩ vẫn không giữ được, buộc cắt bỏ. Những tưởng ông P. sẽ từ bỏ thuốc lá nhưng ông vẫn mỗi ngày đốt gần 2 gói thuốc. Mới đây, ông P. vào bệnh viện lần thứ hai, sau khi siêu âm mạch máu, các bác sĩ lắc đầu. Chân phải của ông P. phải cắt bỏ do hoại tử vì thiếu máu nuôi.
Hút thuốc lá ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bản thân và gây những tác hại khác (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)
Ở nhiều bệnh viện tại TP HCM, số bệnh nhân nhập viện vì viêm tắc mạch máu ngoại biên liên quan đến hút thuốc lá ngày càng nhiều. Hầu hết các bệnh nhân đều nghiện thuốc lá lâu năm. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, không ít ca bệnh nhân bị cắt bỏ chân, tay hoặc cả 2 tay, 2 chân do tắc mạch máu ngoại biên.
Hủy hoại giống nòi
PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá Việt Nam - cho biết trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất.
Trong đó có hàng trăm loại có hại cho sức khỏe, 70 chất gây ung thư, bao gồm chất gây nghiện và các chất gây độc. Các hóa chất này tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp gây nên tình trạng viêm mạn tính, phá hủy tổ chức, biến đổi tế bào dẫn đến dị sản, loạn sản rồi ác tính hóa.
TS-BS Trần Ngọc Phương Thảo (Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP HCM) cho biết thuốc lá không chỉ là nguy cơ gây bệnh cao mà còn làm chậm quá trình hồi phục các bệnh răng miệng. Thuốc lá nhai gây các tổn thương ung thư biểu mô nhiều hơn thuốc lá hút. Có khoảng 90% người bị ung thư miệng, môi, lưỡi và cổ họng do hút thuốc, rủi ro mắc bệnh tăng tỉ lệ thuận với mức độ hút hoặc nhai thuốc.
Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 6 lần so với người không hút. Khoảng 37% các bệnh nhân vẫn tiếp tục hút thuốc sau liệu trình điều trị ung thư, có dấu hiệu khối u di căn sang vị trí khác như miệng, môi, lưỡi, cổ họng.
BS Nguyễn Duy Tiên (Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM) cũng cảnh báo thuốc lá gây ra hơn 20 căn bệnh khác nhau cho người hút thuốc, trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch, bệnh hô hấp, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản…
Đáng nói là trẻ em sống trong môi trường có khói thuốc cũng sẽ có những bệnh lý như vậy. Nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho thấy trẻ hen suyễn mà có người thân hút thuốc lá thường khó hết bệnh, thời gian điều trị kéo dài, số lần tái phát nhiều.
Hút thuốc còn gây tổn thương trực tiếp, thậm chí phá hủy noãn bào của buồng trứng dẫn đến vô sinh. Tần suất thai ngoài tử cung ở những người hút thuốc cao gấp 2,2 - 4 lần so với người không hút.
Thuốc lá còn gây sẩy thai tự phát, ở những phụ nữ hút thuốc lá nguy cơ sẩy thai cao gấp 1,5 - 3,2 lần so với những người không hút thuốc. Đặc biệt ở những phụ nữ hút thuốc lá, thụ tinh trong ống nghiệm ít thành công hơn và nếu có thai bằng thụ tinh trong ống nghiệm thì hay bị sẩy thai hơn. Bản thân nhau thai cũng bị ảnh hưởng xấu bởi thuốc lá.
Việt Nam có khoảng 15 triệu người hút thuốc, ước tính trung bình mỗi năm đã bỏ ra khoảng 31.000 tỉ đồng để mua thuốc lá.