Là cha mẹ, bất kỳ ai cũng muốn con mình phát triển chiều cao một cách vượt trội. Chúng ta đều biết rằng, chiều cao của trẻ không chỉ phụ thuộc vào yếu tố di truyền bẩm sinh, mà còn phụ thuộc rất lớn vào cách mà chúng ta chăm nuôi trẻ sau khi sinh ra cũng như tác động của môi trường sống.
Theo các chuyên gia nhi khoa, khi thấy trẻ xuất hiện 3 tín hiệu sau đây, chứng tỏ trẻ đang bước vào giai đoạn phát triển chiều cao mạnh mẽ nhất. Bố mẹ nên biết để đón bắt giai đoạn này, không nên bỏ lỡ thời kỳ "vàng" phát triển chiều cao của trẻ. Nhất định phải nắm bắt để cải thiện vóc dáng trẻ ở thời kỳ quan trọng nhất.
3 tín hiệu nhận biết giai đoạn vàng tăng trưởng chiều cao ở trẻ
1. Trẻ thèm ăn uống nhiều hơn, thích ăn cơm
Nếu sự thèm ăn của trẻ bỗng nhiên gia tăng đột biến trong khi trước đó có phong cách ăn rất kén chọn, không thích ăn cơm. Nếu thấy trẻ có cảm giác thèm ăn đột ngột, ăn nhiều cơm hơn, chứng tỏ trẻ đang trong giai đoạn phát triển chiều cao mạnh nhất.
Sau thời kỳ thèm ăn, chiều cao của trẻ sẽ tăng vọt, vì vậy cha mẹ nên cho trẻ ăn với chế độ ăn ưu tiên hơn, dinh dưỡng đầy đủ, đa dạng, đừng khống chế sức ăn của trẻ, để trẻ tăng trưởng một cách tốt nhất.
Thời kỳ phát triển của mỗi đứa trẻ hoàn toàn khác nhau, vì thế, không có công thức nào để cho bạn dễ dàng nhận biết thời kỳ tăng trưởng của bé để bồi dưỡng cho trẻ.
Có một số trẻ phát triển vào thời kỳ học cấp 2, nhưng cũng có những trẻ đã phát triển ngay từ những năm tiểu học. Hãy ghi nhớ yếu tố này, nếu trẻ đi học, mẹ nên cho con mang theo sữa, mua cho trẻ ít đồ ăn thêm, đảm bảo trẻ ăn đủ no, đủ chất lượng, hỗ trợ phát triển chiều cao tối đa.
2. Trẻ có dấu hiệu kêu đau chân
Trong giai đoạn trẻ học cấp 2, nhiều trẻ sẽ phát triển vượt trội, có một số trẻ sẽ có cảm giác bị đau chân, cũng có trẻ không để ý đến dấu hiệu này, đó là vì trẻ đang trong thời kỳ tăng trưởng chiều cao nhanh nhất, các hormone tăng trưởng chiều cao tiết ra nhiều hơn, nên có khả năng sẽ xuất hiện các cơn đau ở vùng chân.
Khi trẻ ở trong giai đoạn phát triển chiều cao, xương chân sẽ phát triển mạnh nhất, vì thế sẽ kéo theo hiện tượng đau chân.
Trong trường hợp trẻ kêu đau nhiều, bạn có thể đưa trẻ đi khám, nếu không bị thiếu canxi, thì có thể cho trẻ ăn thêm nhiều hơn lượng chất đạm, các chế phẩm từ đậu, sữa. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ nên cho trẻ uống một cốc sữa, để bổ sung đủ lượng canxi mà cơ thể cần đến trong đêm để phát triển.
3. Trẻ hay đạp chân trong khi ngủ
Hầu hết mọi người đều đã từng trải qua cảm giác đạp chân mạnh khi ngủ, đặc biệt là trong lúc ngủ mơ, thường xuyên nhấc chân lên và thả mạnh xuống giường, hoặc đạp mạnh vào người ngủ bên cạnh.
Trẻ em trong giai đoạn phát triển thường xuyên rơi vào trạng thái này, trong giấc ngủ thường xuyên mơ và ngồi bật dầy, hoặc ngủ mơ đạp chân, mơ đang chạy. Có nhiều giai đoạn trong đời có những giấc mơ tương tự như vậy, bao gồm cả người lớn, nhưng không thường xuyên.
Nếu trẻ em nhà bạn thường xuyên đạp chân mạnh khi ngủ, bạn hãy chú ý và giúp đỡ trẻ trong việc phát triển chiều cao toàn diện ngay trong giai đoạn quan trọng nhất.
Khi trẻ ở trong thời kỳ phát triển chiều cao vượt trội nhất (trong đời trẻ chỉ diễn ra một vài lần) thì cha mẹ nên đặc biệt chú ý và chuẩn bị dinh dưỡng cho trẻ một cách tốt nhất, đặc biệt phải để tâm đến lối sống của trẻ, giúp đón đầu giai đoạn phát triển, cho trẻ cao lên hơn so với mức bình thường. Muốn được như vậy, đừng quên 4 việc sau đây.
1. Không nên lạm dụng cho trẻ ăn uống các sản phẩm dinh dưỡng
Nhiều người sợ rằng con mình sẽ "thua ngay từ vạch xuất phát" nên lại nhanh nhảu mua sắm những thực phẩm chức năng hay món ăn dinh dưỡng để "thúc" bé phát triển chiều cao. Tâm lý sợ con trẻ thấp còi nên đã lạm dụng thực phẩm bổ quá sớm.
Đây là điều đặc biệt cần chú ý, mặc dù bạn sợ con thấp còi, nhưng bản thân trẻ chưa chắc đã thiếu hụt dinh dưỡng, không cần phải bổ sung một cách đặc biệt. Khi quá dư thừa dinh dưỡng, thậm chí sẽ mang đến tác dụng ngược lại, dẫn đến thừa cân, béo phì.
2. Nên cho trẻ ăn uống cân bằng
Trong giai đoạn trẻ phát triển, nên cho trẻ ăn nhiều hơn một chút, nên ăn chất lượng hơn một chút, như vậy trẻ sẽ tăng trưởng chiều cao tốt hơn.
Nói là cho trẻ ăn nhiều, nhưng không phải là nhồi trẻ ăn, vì đây sẽ là cách khiến dạ dày của trẻ phát triển chứ không phải chiều cao. Bụng của trẻ sẽ no căng cả ngày nếu bạn không cho ăn đúng cách. Cho trẻ ăn đúng tức là cung cấp đủ dinh dưỡng mà cơ thể cần, thay vì cho ăn quá mức sẽ khiến trẻ béo phì, không thể tăng chiều cao.
Nên chú ý bổ sung cho trẻ thành phần dinh dưỡng đa dạng, ưu tiên cả thịt và rau quả, đảm bảo việc cung cấp protein, canxi, sắt và chất dinh dưỡng đa dạng khác. Không nhất thiết cứ phải ăn nhiều thịt là tốt, rau, trái cây và các loại đồ ăn khác cũng rất cần thiết và bổ dưỡng.
3. Cho trẻ chơi thể thao và vận động nhiều hơn
Do xu thế chung của xã hội, trẻ ngày nay phải đi học nhiều hơn, ngồi nhiều hơn, làm bài tập nhiều hơn nên thời gian vận động ngày càng thu hẹp lại.
Vì vậy, sau khi trẻ tan học, cha mẹ nên ưu tiên cho trẻ thời gian vận động, tập thể dục, chơi các trò chơi, giúp trẻ đủ thời gian vận động. Nếu không có đủ thời gian trong các ngày thường, cuối tuần bạn phải cho trẻ vận động nhiều hơn.
Những hoạt động hỗ trợ phát triển chiều cao như nhảy dây, xà đơn xà kép, bơi lội, đi xe đạp, chạy bộ, những động tác kéo giãn cơ thể như yoga đều rất tốt cho trẻ, từ đó giúp trẻ phát triển chiều cao tối ưu hơn.
4. Ưu tiên đảm bảo giấc ngủ đầy đủ, chất lượng
Khi nói đến việc đảm bảo giấc ngủ, nhiều người tỏ ý buồn cười vì nghĩ rằng trẻ rất dễ ngủ, không có chuyện bị thiếu ngủ.
Nhưng bạn cũng đã biết rằng, trẻ hiện nay phải học hành rất nhiều, không thể đi ngủ sớm, càng không được ngủ thỏa thích.
Mong muốn của cha mẹ đối với trẻ trong việc học tập là rất nhiều, nhưng hãy cố gắng cho trẻ học tập và nghỉ ngơi cân bằng, ưu tiên giấc ngủ đầy đủ, ngon giấc, sâu giấc để hỗ trợ trẻ phát triển chiều cao.
Trẻ nên được ngủ sớm, ngủ đủ và dậy sớm, tạo thành thói quen ngủ lành mạnh ngay từ khi còn nhỏ để duy trì sức khỏe tốt nhất.
*Theo Health/TT