3 thói quen buổi tối nghe “vô thưởng vô phạt” nhưng làm tăng thêm 50% nguy cơ mắc ung thư

Ngọc Ái |

Có một số thói quen nhỏ nhặt, thậm chí nhiều người tưởng vô hại nhưng hóa ra lại “bòn rút” sức khỏe, tăng nguy cơ ung thư.

Khi nhắc tới thói quen xấu gây ung thư, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới hút thuốc, uống rượu, ăn uống bừa bãi, lười vận động… Tuy nhiên, chuyên gia ung thư người Nhật Norihiro Sato cho biết, có những thói quen nhỏ bé, nghe có vẻ “vô thưởng vô phạt” nhưng duy trì trong thời gian dài có thể làm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư lên từ 10 tới 50%.

Trong số đó, có 3 thói quen rất nhiều người làm mỗi tối mà không nhận ra nó hại thế nào:

1. Chăm sóc răng miệng không kỹ: Tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng lên 50%

“Miệng là cửa ngõ vào cơ thể, nếu mọi người không chăm sóc răng miệng hoặc chỉ đánh răng một lần mỗi ngày, không đánh răng buổi tối thì vi khuẩn sẽ tha hồ hoành hành. Thứ bạn phải trả giá không chỉ là bệnh răng miệng đơn giản" - Norihiro Sato nói.

 - Ảnh 1.

Lười đánh răng buổi tối ngoài hại răng miệng còn có thể khiến ung thư, bệnh tim mạch rất nhanh tìm đến bạn (Ảnh minh họa)

Vào năm 2012, một loại vi khuẩn gây bệnh nha chu có tên Fusobacter nucleatum đã được tìm thấy trong khoang miệng, phân và mô ung thư của bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Vi khuẩn này sẽ di chuyển từ miệng đến ruột già và có liên quan tới nguy cơ hình thành bệnh ung thư đại trực tràng.

Một nghiên cứu của Mỹ trên 7.466 người ở Maryland, Minnesota, Mississippi và North Carolina cũng cho thấy những bệnh nhân mắc bệnh nha chu có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng tăng 50%. Nghiên cứu của Trường Nha khoa Đại học Tufts (Hoa Kỳ) thậm chí còn phát hiện ra rằng Fusobacteria nucleatum có thể gây viêm toàn thân và thậm chí có thể xâm lấn hệ thần kinh, làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh Alzheimer.

Norihiro Sato giải thích, bệnh nha chu sẽ tạo ra phản ứng viêm mãn tính trong khoang miệng và ngày càng lan rộng. Đồng thời khi ngủ bạn đêm tiết nước bọt ít đi, vi khuẩn dễ xâm nhập vào máu.  Ngoài tăng nguy cơ ung thư trực tràng còn có thể tác động xấu đến dạ dày, tăng nguy cơ mắc viêm - ung thư dạ dày, các bệnh lý về tim mạch. Vì vậy hãy đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày, đánh răng đúng cách, dùng nước súc miệng và chỉ nha khoa để bảo vệ sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.

2. Ăn muộn, sát giờ ngủ: Tăng nguy cơ ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt lên 20%

Một nghiên cứu của Tây Ban Nha đã kiểm tra thói quen ăn uống và giấc ngủ của 621 bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt và 1.205 bệnh nhân ung thư vú. Kết quả tìm thấy sự khác biệt rõ ràng giữa những người đi ngủ ngay sau bữa tối và những người đi ngủ sau bữa tối hơn 2 giờ.

Những người ăn tối sớm, đi ngủ sau bữa tối ít nhất 2 tiếng có nguy cơ mắc ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn 20% so với nhóm còn lại. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng “những người ăn tối sớm hơn" và "những người không ăn khuya" có khả năng kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn và giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư tốt hơn hẳn.

Norihiro Sato chia sẻ thêm rằng một cuộc khảo sát khác về thời gian nhịn ăn vào buổi tối cho thấy so với những phụ nữ nhịn ăn tới 13 giờ. Những phụ nữ nhịn ăn dưới 13 giờ có nguy cơ tái phát ung thư vú cao hơn đáng kể tới 36% và tỷ lệ tử vong là 21%. Ông giải thích: “Nếu lượng đường trong máu cao tiếp tục được duy trì vào ban đêm sẽ có tác động đến nguy cơ ung thư và sự phát triển của ung thư. Mọi người nên tránh ăn tối quá muộn, không chỉ để ngăn ngừa béo phì, tiểu đường mà còn chống lại bệnh ung thư”.

Ông cũng nhắc nhở: “Ăn tối muộn, ăn khuya còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về dạ dày, nhất là ung thư dạ dày lên đáng kể. Bởi thói quen này dễ gây tăng cân, béo phì, rối loạn nhịp sinh học, suy giảm hệ miễn dịch. Đó là các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Thời gian ăn tối tốt nhất là từ 17 - 20h hàng ngày. Nếu không thể ăn tối sớm, ít nhất cũng đừng ăn cách giờ đi ngủ dưới 1 giờ để giảm bớt nguy cơ bệnh tật”.

3. Ngủ trong phòng quá sáng: Tăng 14% nguy cơ ung thư vú

Nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy phụ nữ sống ở khu vực có ánh sáng mạnh vào ban đêm có thể tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú lên 14%. Ngoài ra, ánh sáng cũng có thể tác động đến ung thư tuyến tiền liệt, so với những người ngủ trong phòng tối, những người ngủ trong phòng sáng có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao gấp 2,8 lần.

 - Ảnh 2.

Ngủ với ánh sáng có thể gây khó ngủ, tiểu đường và làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư (Ảnh minh họa)

Norihiro Sato phân tích: “Con người vốn là sinh vật thức dậy cùng nắng, nghỉ ngơi và đi ngủ khi trời tối. Tuy nhiên, buổi tối hiện đại vẫn tràn ngập nhiều nguồn ánh sáng khác nhau, điều này sẽ tác động tiêu cực đến sự cân bằng bên trong cơ thể, ảnh hưởng đến sự cân bằng của các dây thần kinh tự trị và hormone và gây ra ung thư.

Ngủ ban đêm với ánh sáng cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường do làm tăng lượng insulin trong cơ thể và làm việc vận chuyển glucose đến các bộ phận trong cơ thể gặp khó khăn”.

Vì vậy, ông khuyến cáo chúng ta không chỉ tắt đèn khi ngủ vào ban đêm mà còn nên che ánh sáng bên ngoài cửa sổ bằng rèm cản sáng. Đồng thời cố gắng không sử dụng máy tính, điện thoại di động trước khi đi ngủ để tránh ánh sáng xanh ảnh hưởng đến giấc ngủ, cơ thể và tăng nguy cơ mắc bệnh.

Nguồn và ảnh: Good Morning Health, QQ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại