Bệnh nhân không dùng morphine, vì sợ nhanh chết
Ths.Bs Thân Văn Thịnh, Khoa khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, hiện nay việc chăm sóc bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn có rất nhiều sai lầm gặp phải. Rất nhiều bệnh nhân phải chết rất đau đớn và thương tâm trong khi hoàn toàn có thể chăm sóc giảm nhẹ được.
Một trong những sai lầm phổ biến hay gặp ở bệnh nhân ung thư đó là, không dùng morphine để giảm đau. Đau là một tình trạng phổ biến của bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn, nguyên nhân đau là do khối u chèn ép. Nhưng nhiều bệnh nhân lại không dám dùng morphine vì cho rằng thuốc sẽ nghiện và chết sớm.
Bác sĩ Thịnh khẳng định mình là một người dùng morphine "không tiếc tay" đối với bệnh nhân ung thư. Vì bản thân móc phin sinh ra là giúp giảm đau cho bệnh nhân và giúp bệnh nhân sảng khoái về mặt tinh thần trong những ngày tháng cuối đời.
"Nhiều bệnh nhân suy nghĩ khi phải dùng tới thuốc morphine là cách điều trị cuối cùng nên sẽ chống đối không dùng, gồng mình chịu đau đớn. Một số người nghĩ dùng morphine sẽ nhanh chết hơn nhưng điều đó hoàn toàn sai lầm
Tôi có một trường hợp bệnh nhân ung thư màng phổi, sau điều trị bệnh nhân hình thành xơ hóa chèn ép rất đau, nên bệnh nhân đã dùng morphine. Hiện nay, bệnh nhân đã dùng morphine và sống khỏe mạnh được 8 năm. Điều này để chứng minh dùng morphine không hề khiến bệnh nhân ung thư chết sớm", bác sĩ Thịnh cho hay.
Bác sĩ Thịnh chia sẻ với bệnh nhân ung thư.
Bệnh nhân ung thư lười vận động sẽ tự giết chết mình trước khi ung thư bùng phát
Bác sĩ Thịnh khẳng định: "Nhiều người cho rằng bệnh nhân ung thư điều trị mệt mỏi thì phải được nghỉ ngơi, ít đi lại, đây là một quan niệm cực kỳ sai lầm.
Lười vận động sẽ khiến cho bệnh nhân ung thư sẽ nhanh chết sớm. Vận động phù hợp sẽ tăng cường sức cơ và giảm thiểu tác dụng phụ trong quá trình điều trị, vận động giúp bệnh nhân ăn uống tốt hơn cũng như giúp tình thần bệnh nhân phấn chấn hơn".
Bác sĩ Thịnh cũng cho biết thêm, với bệnh nhân ung thư nên tạo ra một môi trường sinh hoạt của những người đồng bệnh với nhau. Sinh hoạt cộng đồng, sẽ đem lại cảm giác sống vui vẻ và có ý nghĩa cho bệnh nhân.
"Điều trị cho bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn không chỉ dùng móc phin mà cần rất nhiều khâu khác. Trong đó, người trong gia đình cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối họ sẽ rất cần nâng niu về thể chất và tinh thần. Vì vậy cố gắng kéo dài thời gian sống nhẹ nhàng ý nghĩa cho bệnh nhân là điều quan trọng nhất. Làm sao để những khoảng khắc sống cuối cùng của bệnh nhân không còn đau đớn, không còn buồn thương!", bác sĩ Thịnh nói.
Bệnh nhân ung thư nhịn ăn sẽ chết nhanh trước khi ung thư bùng phát
Bác sĩ Thịnh cho hay, 70% bệnh nhân ung thư chết là do suy kiệt, vì khối u cạnh tranh dinh dưỡng với cơ thể. Bệnh nhân mệt mỏi không ăn được, kiêng không ăn uống, khi đó chính tế bào ung thư sẽ ăn thịt mình và chết trước ung thư bùng phát.
Quá trình chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư ở giai đoạn muộn cần phải tăng cường về dinh dưỡng, cho bệnh nhân các dùng được đạm, mỡ, đường nước, vitamin và khoáng chất… như người bình thường. Bệnh nhân không ăn được sẽ được bác sĩ hỗ trợ truyền dinh dưỡng.