3 nguy cơ lớn thách thức cả hệ thống y tế TP. Hồ Chí Minh

P.V |

Ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh đang đứng trước 3 nguy cơ lớn đó là nguy cơ dịch chồng dịch; nguy cơ thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế; nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực y tế công.

Nguy cơ dịch chồng dịch

Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đó là nguy cơ dịch sốt xuất huyết chồng dịch COVID-19. Hiện nay, chưa có quốc gia nào chính thức công bố đã chấm dứt được dịch COVID-19, theo Tổ chức Y tế Thế giới, số ca mắc mới trong tuần qua tăng 18% so với tuần trước, số tử vong mới trong tuần tăng 3% so với tuần trước, sự gia tăng số ca mắc và tử vong này tương ứng với các biến thể phụ BA.4 tăng từ 9% lên 12%, và BA.5 tăng từ 28% lên 43%.

Mới đây, Bộ Y tế đã công bố biến thể phụ BA.5 đã xuất hiện tại Việt Nam và ghi nhận số ca mắc mới bắt đầu có dấu hiệu tăng và số ca nặng cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ. Sau đó, vào ngày 4/7, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cũng đã công bố phát hiện 2 mẫu dương với biến thể phụ BA.4 (tại phường Thạnh Mỹ Lợi - TP. Thủ Đức) và 1 mẫu dương với biến thể BA.5 (tại xã Tân Phú Trung - Củ Chi), tất cả các mẫu dương này đều từ nguồn giám sát ngẫu nhiên qua hệ thống giám sát của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh.

Hệ thống giám sát dịch của ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh cũng cho thấy số ca mắc mới có xu hướng tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, có ngày có trên 50 ca mắc mới (trước đây số ca mắc mới đã giảm sâu dưới 30 ca mắc mới/ngày), mặc dù số ca nhập viện và số ca nặng chưa có dấu hiệu tăng rõ.

Như vậy, tuy đã được kiểm soát ổn định nhiều tháng qua, tuy nhiên do các biến thể phụ mới của biến chủng Omicron vẫn tiếp tục xuất hiện và lan nhanh trên phạm vi toàn thế giới nên nguy cơ dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại vẫn luôn là mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam.

Dịch bệnh lưu hành sốt xuất huyết tại các tỉnh phía Nam và tại TP. Hồ Chí Minh với type huyết thanh D1 như năm 2021 nhưng bắt đầu có sự gia tăng dần type huyết thanh D2 (theo công bố của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh), tương ứng với số ca mắc mới tăng cao, số ca nặng tăng, số tử vong tăng.

Tại các tỉnh khu vực phía Nam, số ca mắc đã lên đến 65.552 ca, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2019 (năm có dịch lớn). Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, số ca mắc đã là 21.993 ca, tăng 184% so với cùng kỳ, số tử vong đã 11 trường hợp, có cả người lớn, phụ nữ mang thai, trẻ em. Những địa phương có số mắc cao nhất là: Bình Tân, Bình Chánh, quận 12, Thủ Đức, Hóc môn, Củ Chi, Tân Phú, Tân Bình.

Với tình hình trên, nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay sẽ bùng phát mạnh với số ca mắc tăng, số ca nặng tăng và số tử vong tăng nếu không quyết liệt triển khai các giải pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng ngay từ bây giờ.

Nguy cơ thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế

Trước tình hình thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế tại một số địa phương và thiếu cục bộ tại một vài bệnh viện trên địa bàn, ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh đang đứng trước thách thức không nhỏ đó là phải có giải pháp chủ động và sớm khắc phục, không để tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế xảy ra.

Thiếu các thuốc và vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho các bệnh lý phổ biến là không thể chấp nhận được vì sẽ gây ảnh hưởng xấu đến kết quả và chất lượng điều trị, và nhất là ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân tham gia BHYT. Chủ động triển khai các giải pháp để ngăn chặn nguy cơ thiếu thuốc và vật tư y tế là trách nhiệm y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho các bệnh lý phổ biến là trách nhiệm của mỗi bệnh viện, của Ngành y tế Thành phố, của Trung tâm mua sắm tập trung Quốc gia.

Thiếu các thuốc và vật tư y tế thuộc danh mục thuốc hiếm không phải là vấn đề mới phát sinh đối với các bệnh viện trên địa bàn Thành phố và cả nước, tuy nhiên, do tác động của đại dịch COVID-19, danh sách thuốc hiếm có nguy cơ bị kéo dài thêm, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị các bệnh lý chuyên khoa. Triển khai giải pháp chủ động để ngăn chặn nguy cơ thiếu thuốc và vật tư y tế thuộc danh mục thuốc hiếm là trách nhiệm của mỗi bệnh viện, của ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh và nhất là của Bộ Y tế.

Theo Sở Y tế, các nguyên nhân ngoài khả năng của hệ thống y tế đó là một số thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm nay lại ngừng sản xuất hoặc chưa được sản xuất trong nước, như dung dịch cao phân tử Dextran, huyết thanh kháng nọc rắn,…; Một vài loại thuốc bị gián đoạn cung ứng do xung đột giữa Nga và Ukraina, như: Methotrexat (sản xuất tại Belarus); Một số thuốc do Trung tâm mua sắm tập trung Quốc gia chậm đấu thầu hoặc đàm phán; Một số thuốc mới phát sinh do triển khai kỹ thuật mới, hầu hết chưa có số đăng ký nên phải nhập khẩu chuyến và cần được Bộ Y tế cấp phép kịp thời; Một số thuốc hết thời hạn của số đăng ký nhưng chưa được Bộ Y tế gia hạn kịp thời.

Về các nguyên nhân nội tại thuộc hệ thống y tế, một số bệnh viện và trung tâm y tế tuyến quận, huyện không đủ năng lực đấu thầu theo quy định, thiếu kinh nghiệm trong xử lý tình huống khi chưa chọn lựa được thuốc khi đấu thầu tập trung.

Các giải pháp ứng phó với nguy cơ thiếu thuốc được đưa ra là cho phép thành lập Trung tâm mua sắm hàng hóa của ngành Y tế thành phố; hỗ trợ ngân sách trong việc mua sắm và dự trữ một vài thuốc hiếm trong công tác cấp cứu người bệnh; thành lập tổ công tác chuyên trách tư vấn, hỗ trợ và điều phối giải quyết tình trạng thiếu thuốc tại các đơn vị trực thuộc; hội đồng thuốc và điều trị tại các bệnh viện cập nhật phác đồ điều trị, danh mục thuốc cần mua sắm phục vụ cho hoạt động khám, chữa bệnh.

Nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực y tế công lập

Hiện tượng một bộ phận nhân viên y tế nghỉ việc sau thời gian dài chống dịch COVID-19 đã được ghi nhận tại nhiều hệ thống y tế nhiều quốc gia. Tại nước ta, cũng không ngoại lệ, theo Bộ Y tế tính đến nay đã có hơn 9.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau.

Tại TP. Hồ Chí Minh, năm 2021 đã có 1.154 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 274 bác sĩ, 610 điều dưỡng; 6 tháng đầu năm 2022 đã có 874 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 199 bác sĩ và 391 điều dưỡng. Tổng cộng đã có 2.028 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 473 bác sĩ và 1.001 điều dưỡng (chiếm khoảng 5% tổng số nguồn nhân lực y tế của thành phố).

Đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực y tế, TP. Hồ Chí Minh đang nghiên cứu, đề xuất triển khai thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm củng cố và nhân rộng mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, kiến nghị sớm có hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để củng cố hoạt động tự chủ của các bệnh viện theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Về lâu dài, cần có những cơ chế, chính sách để thu hút và giữ chân nhân viên y tế công lập.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại