Mới đây, cộng đồng mạng không khỏi bức xúc trước đoạn clip ghi lại cảnh 3 đứa trẻ nghịch ngợm đang chơi pháo tại trước cổng của một nhà kho tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Mọi thứ sẽ chẳng có gì đáng nói cho đến khi quả pháo không may lọt qua khe hở ở cửa nhà kho, sau đó phát nổ và làm lửa bùng cháy bên trong. Dẫu biết sự tình mười mươi, nhưng những đứa trẻ vẫn coi như không có chuyện gì xảy ra và tiếp tục chơi đùa cùng nhau.
Ngay sau đó, một người đàn ông lớn tuổi hoảng loạn chạy tới, vừa lấy chìa khóa trong túi ra vừa hỏi đám trẻ có phải chúng vừa vứt pháo vào trong kho không, một đứa trẻ trong đám lập tức chối bay: "Không, bọn cháu không ném" . Người đàn ông vừa mở cửa liền giật mình, vì lửa đã bùng lên từ bao giờ. Người này vội vàng tìm cách dập lửa, đồng thời báo cảnh sát. Một lúc sau, cảnh sát cứu hỏa đến hiện trường và khống chế hoàn toàn được đám cháy.
Câu chuyện tạm thời dừng lại ở đây, chủ nhà kho bị thiệt hại thế nào hay việc xử lý những đứa trẻ này ra sao vẫn chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, sau khi vụ việc này được lan truyền, không ít netizen bày tỏ sự bức xúc trước hành động của đám trẻ nhỏ vì những trò "nghịch dại" của chúng. Hậu quả mà chúng để lại là tổn thất nặng nề về mặt kinh tế mà chủ nhà kho phải gánh chịu. Thậm chí, nhiều cư dân mạng nói thẳng, cha mẹ của đứa trẻ phải bù đắp những tổn thất mà chủ của nhà kho, đừng có viện cớ "nó chỉ là một đứa trẻ", "trẻ con thì có biết gì đâu" nhằm phủi bỏ trách nhiệm nhẹ như lông hồng.
- Bằng chứng đã rõ mười mươi, phụ huynh của chúng phải bù đắp tổn thất cho chủ nhà kho.
- Điều khiến mình bức xúc nhất đó chính là 1 đứa trẻ trong đám đấy còn phủi phui trách nhiệm của mình, coi như mình không làm gì sai.
- Nếu không có camera thì không biết câu chuyện sẽ đi theo hướng nào?
- Bố mẹ mà nói câu "trẻ con có biết gì đâu" thì không còn gì để nói.
Có thật sự là trẻ em có biết gì đâu?
"Trẻ con có biết gì đâu", "nó còn nhỏ xíu ấy mà"... là câu bênh con quen thuộc của rất nhiều phụ huynh mỗi khi con mắc lỗi. Chính vì câu nói này mà nhiều người đành bỏ qua lỗi lầm của những đứa trẻ. Còn nếu không bỏ qua thì từ "nạn nhân", người bị quấy rối lại bị kết tội là "kẻ chấp nhặt" với trẻ con.
Sở dĩ có tư duy đó là nhiều người cho rằng trẻ con chứ không phải người lớn thu nhỏ. Chúng còn quá non nớt để hiểu chuyện và người lớn nên bao dung với chúng. Chính vì thế mà ở những nơi công cộng, không khó để bắt gặp những đứa trẻ hiếu động chạy nhảy, la hét ồn ào, nghịch ngợm làm ảnh hưởng đến người khác, mè nheo khóc lóc để vòi vĩnh đồ chơi… mà không hề có bất cứ người lớn nào nhắc nhở.
Song, có thật sự là "trẻ con có biết gì đâu"? Nếu để ý quan sát, bạn sẽ thấy trẻ rất thông minh. Cảm xúc và hành động của chúng phần nhiều được phản ánh thông qua quá trình quan sát từ môi trường xung quanh. Tư duy "nó còn nhỏ, nó biết gì đâu" cùng sự bảo bọc quá kỹ lưỡng của cha mẹ có thể tước đi quyền quyết định của trẻ trong mọi vấn đề cũng như ảnh hưởng đến khả năng phân định đúng - sai của trẻ. Từ đó, chúng chẳng còn biết phải ứng xử ra sao khi gặp người lạ mặt, hay thoải mái đùa nghịch, gào thét gây nên rắc rối giữa chốn đông người chỉ vì nghĩ rằng sẽ có người lớn bảo vệ.
Vậy nên, trong quá trình dạy con, bố mẹ không bao giờ được bao che cho những hành động lệch chuẩn của chúng bởi như thế chẳng khác gì "tiếp tay" cho những hành động sai trái của con. Trẻ con có thể sai lầm nhưng tuyệt đối không phải "không biết gì", việc của người lớn là phải uốn nắn cho chúng hiểu chuyện và dần học được cách sống hài hòa trong xã hội, tôn trọng người khác, chứ không phải nấp sau váy mẹ để mẹ chiến đấu với cả thế giới.
Cách phê bình khi con mắc lỗi?
Phê bình là một phương pháp giáo dục được các bậc cha mẹ áp dụng khi con mắc lỗi. Nhưng phê bình thế nào để con không tự ti lại là điều không phải vị phụ huynh nào cũng biết.
1. Đừng la mắng trẻ khi đang tức giận
Những sai lầm của con cái khiến cha mẹ vô cùng tức giận. Khi đó, phụ huynh có thể sẽ dễ mất kiểm soát và nói ra những lời nặng nề. Điều này có tác động tiêu cực đến các con. Lúc này tốt nhất cha mẹ nên gạt vấn đề sang một bên, cố gắng thả lỏng bản thân rồi chọn cách phê bình, giáo dục phù hợp đối với trẻ sau khi cơn giận đã được nguôi ngoai.
2. Lưu ý về cách giao tiếp
Cha mẹ trước tiên hãy giải thích rạch ròi xem con sai ở đâu. Sau đó hãy bày tỏ cảm nhận của chúng ta như thế nào, tại sao cha mẹ lại cảm thấy nó không đúng và cuối cùng mới đưa ra yêu cầu đối với trẻ.
3. Không nhắc đến các lỗi trước đó
Khi một số bậc cha mẹ phê bình con cái, họ thường nói: "Nhìn xem, mẹ đã nói với con mấy lần rồi, nhưng con vẫn không nghe và không chịu thay đổi". Điều này có thể làm tổn thương lòng tự trọng của đứa trẻ. Cách tiếp cận đúng nên là chỉ sửa hành vi hiện tại của trẻ và tập trung vào tình huống thay vì bám vào những thiếu sót trước đó.
4. Không la mắng khi đang ở nơi công cộng
Mỗi một đứa trẻ đều là một cá thể độc lập và có lòng tự trọng, cá tính riêng. Nếu như cha mẹ phê bình con ở nơi công cộng có khả năng sẽ dễ khiến trẻ nảy sinh sự phản kháng. Ngay cả khi đứa trẻ đã biết rằng mình đã làm điều gì đó sai nhưng chúng sẽ không thừa nhận lỗi lầm của mình, thậm chí là chống trả bằng cách khóc và cãi lại.
Tổng hợp