Viêm ruột thừa cấp là một trong những cấp cứu phổ biến ngoại khoa. Ở giai đoạn sớm, việc chẩn đoán bệnh là không dễ vì triệu chứng không rõ ràng.
Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có nguy cơ tiến triển nặng, gây biến chứng vỡ ruột thừa, thậm chí là tử vong.
Ruột thừa nhưng không thừa
Tên gọi của ruột thừa không phản ánh đúng chức năng của nó bởi vì nó chứa các tổ chức hạch lympho có chức năng trong việc kiểm soát nhiễm khuẩn tại đường tiêu hóa.
Hơn nữa nhiều nghiên cứu chứng minh rằng ruột thừa có tác dụng điều hòa và bảo vệ hệ vi sinh vật có lợi trong đường tiêu hóa (Gut microbiota).
Các vi sinh vật này đóng vai trò cực kỳ quan trọng giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả và có liên quan đến giảm nguy cơ phát sinh ung thư đại trực tràng.
Ai có thể mắc bệnh viêm ruột thừa cấp?
Viêm ruột thừa có thể gặp ở bất kì ai và ở bất kì độ tuổi nào tuy nhiên độ tuổi hay gặp nhất là 10-19 tuổi với tần suất khoảng 200/100 nghìn người.
Theo ước tính, khoảng 8.6% nam giới và 6.7% nữ giới có nguy cơ mắc bệnh này trong suốt cuộc đời của họ.
Nguyên nhân gây ra viêm ruột thừa
Người ta vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân của viêm ruột thừa. Tuy nhiên có các giả thuyết được đưa ra như: Tương tự như tác dụng của amidan, ruột thừa là một tổ chức lympho có tác dụng kháng các vi sinh vật có hại trong đường tiêu hóa.
Trong trường hợp vi khuẩn gây bệnh phát triển quá mức hoặc có độc lực mạnh có thể dẫn đến phản ứng quá mức của các tổ chức lympho tại ruột thừa và gây viêm.
Ngoài ra người ta cũng cho rằng nguyên nhân có thể là do lỗ thông giữa ruột thừa và ruột già bị tắc nghẽn.
Dấu hiệu phổ biến và sớm để xác định viêm ruột thừa cấp
Đau bụng: Đây là triệu chứng quan trọng nhất. Nó thường xuất hiện đầu tiên và thường đi kèm với chướng bụng và chán ăn. Phần đuôi ruột thừa có thể nằm ở những vị trí khác nhau nên vị trí đau có thể thay đổi.
Trường hợp điển hình là đau bụng khởi phát xung quanh rốn, đau tăng lên theo thời gian, sau đó di chuyển dần xuống vùng hố chậu phải. Đau tăng khi di chuyển hoặc dùng tay ấn vào vùng hố chậu phải. Bệnh nhân hạn chế di chuyển và đi lại do đau.
Với những dấu hiệu đau bụng điển hình như trên thì hãy đến ngay cơ ở y tế để được theo dõi và chẩn đoán sớm.
Sốt: Sốt thường đến sau đau bụng nhưng là triệu chứng bao giờ cũng có. Ban đầu sốt nhẹ sau đó tăng dần.
Tính chất sốt trong viêm ruột thừa thường không quá cao 37.5-38.5oC và có cảm giác run lạnh. Nhiều trường hợp, sốt có thể lên đến 39-40oC, rét run nếu tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng.
Rối loạn tiêu hóa: Bênh nhân có cảm giác buôn, nôn và có thể đi ngoài phân lỏng. Các triệu chứng này thường ít và nhẹ hơn so với ở bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa do nhiễm độc thức ăn.
Không giống như viêm ruột thừa cấp, những bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa do ngộ độc thức ăn thường có liên quan đến vấn đề ăn uống trước đó.
Điều trị viêm ruột thừa
Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa được xem là phương pháp chuẩn trong điều trị viêm ruột thừa cấp. Bệnh nhân có thể phẫu thuật nội soi hay phẫu thuật mở tùy theo bện nhân có biến chứng hay không.
Nhiều nghiên cứu gần đây chứng minh rằng phương pháp điều trị nội khoa sử dụng kháng sinh sớm và hợp lý điều trị thành công cho phần lớn bệnh nhân bị viêm ruột thừa không có biến chứng.
Hơn nữa, phẫu thuật là một phương pháp tốn kém, gây đau đớn cho bệnh nhân và không phải là không có rủi ro, biến chứng.
Cùng với sự ra đời của nhiều loại kháng sinh có hiệu lực mạnh và phổ kháng khuẩn rộng, phương pháp can thiệp nội khoa có thể sẽ dần dần được áp dụng tại các cơ sở y tế tại Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. A. Kooij et al. The immunology of the vermiform appendix: a review of the literature. Clinical and experimental Immunology. 2016
2. Bollinger, R.R et al. Biofilms in the large bowel suggest an apparent function of the human vermiform appendix". Journal of Theoretical Biology. 2007
3. Gagnière J et al. Gut microbiota imbalance and colorectal cancer. World J Gastroenterol. 2016
4. (http://cdn.intechopen.com/pdfs-wm/25845.pdf).
5. http://bestpractice.bmj.com/best-practice/monograph/290/basics/epidemiology.html
6. https://en.wikipedia.org/wiki/Appendix_(anatomy)
7. Ville Sallinen et al. Antibiotic therapy versus appendectomy for treatment of non-perforated acute appendicitis: a systematic review and meta-analysis. Br J Surg, 17 March, 2016
8. Peter C. Minneci et al. Effectiveness of Patient Choice in Nonoperative versus Surgical Management of Pediatric Uncomplicated Acute Appendicitis. JAMA Surgery, 2015.