Chuyện bắt đầu vào một ngày nọ, khi đang làm việc, anh Lưu đột nhiên bị mờ mắt, không thể nhìn rõ, đầu óc choáng váng. Anh vội vàng gọi xe đến phòng cấp cứu quận Xiasha, Bệnh viện Shaw trực thuộc Đại học Trung y Dược Chiết Giang.
Kết quả xét nghiệm khiến cả gia đình anh khiếp sợ. Creatinine trong máu đã lên tới gần 500 μmol/L, cao hơn gấp 5 lần so với người bình thường. Huyết áp cao đến mức đáng sợ, lên tới 210/140mmHg. Anh được bác sĩ chỉ định truyền nước hạ huyết áp để huyết áp dần ổn định. Sau đó, bệnh nhân được đưa vào khoa thận khẩn cấp do suy thận cấp.
BS Hùng Linh (làm việc tại khoa Thận của bệnh viện) đã tiến hành tư vấn, khám bệnh chi tiết cho anh Lưu. Theo hồi ức của bệnh nhân, anh luôn cảm thấy mình có thể trạng tốt, ngoại trừ thỉnh thoảng chóng mặt. Anh cho rằng, điều này là do mình thường xuyên thức khuya, chịu áp lực cao trong công việc. Nghĩ vậy, vị giám đốc trẻ không quá bận tâm và cũng chưa bao giờ đi khám sức khỏe khi xuất hiện những hiện tượng này.
Nghe tin mình bị suy thận, anh Lưu nhất thời khó có thể chấp nhận. Cơ thể khỏe mạnh bình thường, chỉ thỉnh thoảng chóng mặt... Dấu hiệu vặt vãnh như vậy, tại sao lại bị suy thận?
Để làm rõ nguyên nhân gây suy thận, bác sĩ đã tiến hành sinh thiết thận cho anh. Kết quả cho thấy, anh bị suy thận cấp do tăng huyết áp ác tính. Dù được điều trị hạ huyết áp mạnh nhưng creatinine trong máu của anh vẫn tăng lên 800 µmol/L.
Điều này đồng nghĩa với việc 2 quả thận đã mất hoàn toàn khả năng đào thải chất độc ra khỏi cơ thể. Anh phải chạy thận suốt quãng đời còn lại. Giờ đây, nằm trên giường trong phòng chạy thận nhân tạo, anh cảm thấy vô cùng chán nản, mọi thứ trong tương lai đều bấp bênh.
Tăng huyết áp ác tính là gì?
Tăng huyết áp ác tính thường biểu hiện bằng huyết áp tăng mạnh và dẫn đến tổn thương cơ quan kéo dài.
Khác với tăng huyết áp thông thường, tăng huyết áp ác tính tương đối hiếm gặp trong thực hành lâm sàng, có xu hướng xảy ra ở người trẻ tuổi.
Huyết áp tâm trương thường vượt quá 130mmHg (huyết áp tâm trương ở người bình thường thường dưới 90mmHg). Do khởi phát đột ngột và tiến triển nhanh, tăng huyết áp ác tính thường có tiên lượng xấu, bệnh nhân có thể tử vong do tổn thương thận nặng, xuất huyết não hoặc suy tim.
Tăng huyết áp ác tính có thể dẫn đến những tình trạng gì?
1. Đối với thận
Bệnh nhân có thể bị tiểu ra máu, protein niệu, creatinine huyết thanh tăng cao và trong trường hợp nặng có thể bị suy thận cấp.
Một số bệnh nhân còn có thể bị biến chứng do bệnh lý vi mạch huyết khối, biểu hiện là thiếu máu, giảm tiểu cầu...
2. Đối với tim mạch
Bệnh nhân có thể có các triệu chứng suy tim như đánh trống ngực, khó thở. Ngoài ra còn có các triệu chứng của hội chứng mạch vành cấp tính như tức ngực và đau ngực.
3. Đối với não bộ
Bệnh nhân có thể bị bệnh não do tăng huyết áp như nhức đầu, lú lẫn, buồn nôn và nôn hoặc đột quỵ do xuất huyết.
4. Đối với mắt
Bệnh nhân thường bị mờ mắt đột ngột, xuất huyết võng mạc, tiết dịch và phù gai thị.
Làm thế nào để bảo vệ thận, giúp thận khỏe mạnh?
1. Phát hiện sớm bệnh thận
Hãy cảnh giác với các triệu chứng của bệnh thận: Phù mí mắt hoặc chi dưới, nước tiểu sủi bọt, nước tiểu sẫm màu, tiểu đêm, tiểu ra máu...
Ngay cả khi không có triệu chứng, bạn nên tiến hành xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu định kỳ hàng năm. Nguyên nhân bởi, bệnh thận khởi phát âm thầm và các triệu chứng ban đầu không rõ ràng.
2. Chú ý đến các yếu tố nguy cơ cao
Các rối loạn chuyển hóa như tăng huyết áp, tiểu đường, tăng axit uric máu, tăng lipid máu và béo phì đều có thể dẫn đến tổn thương thận, cần được kiểm soát tốt.
Hút thuốc, bệnh tim mạch vành, tuổi cao và tiền sử gia đình mắc bệnh thận cũng là những yếu tố nguy cơ của bệnh thận mãn tính.
3. Ăn uống hợp lý và không lạm dụng thuốc
Một chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục hợp lý có thể giúp chúng ta tránh xa bệnh thận.
Đối với những bệnh nhân bị huyết áp cao và chức năng thận suy giảm đáng kể, hãy cố gắng ăn chế độ ít muối, thực phẩm chất lượng cao.
Thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc kháng sinh, thuốc ức chế bơm proton, thuốc đông y... có thể gây hại thận, cần sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Việc sử dụng thực phẩm bổ sung không đúng cách cũng có thể gây hại cho thận nên không được lạm dụng.
4. Chú ý đến việc thay đổi lối sống
Người mắc bệnh thận nên bỏ hút thuốc và uống rượu, kiểm soát cân nặng, có lịch làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh xa đồ ăn vặt.
Tránh tiếp xúc với các hóa chất benzen và phenolic trong cuộc sống.
Không sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng có hàm lượng thủy ngân quá cao như sản phẩm dưỡng trắng da, thuốc nhuộm tóc...
Tăng cường tập luyện thể chất, tăng khả năng miễn dịch của bản thân và tránh nhiễm trùng.