WHO ước tính, rối loạn mỡ máu có liên quan đến 48% trường hợp tai biến mạch máu não, 56% ca thiếu máu cơ tim trên toàn thế giới. Riêng tại Việt Nam, có 200.000 người Việt đột quỵ mỗi năm do rối loạn mỡ máu.
Mỡ máu cao đã và đang trở thành vấn đề báo động, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Theo thống kê về Gánh nặng bệnh tật toàn cầu vào năm 2019, rối loạn lipid máu, thường được biết tới với tên gọi mỡ máu cao gây ra gần 4,4 triệu ca tử vong, tương đương 7,78% số ca tử vong trên toàn cầu và được xác định là một trong các yếu tố nguy cơ chính của nhiều bệnh mạn tính không lây.
Tại Việt Nam, cứ 10 người trưởng thành thì có 3 người cholesterol máu cao (chiếm tỷ lệ 30%), ở thành thị là 44,3%. Hơn 50% phụ nữ 50 - 65 tuổi bị thừa cholesterol máu. Trong đó, thừa cholesterol do chế độ dinh dưỡng và vận động không hợp lý là nguyên nhân chính gây nên tình trạng này.
Thạc sĩ Lưu Liên Hương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu VIAM - Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, bệnh có nhiều nguyên nhân, chủ yếu do lối sống sinh hoạt và ăn uống không phù hợp gây tổn hại đến sức khoẻ và làm giảm hiệu quả chuyển hoá lipid trong máu. Trong đó nguyên nhân phổ biến là do lối sống như: lười vận động, thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn nhiều thức ăn chứa nhiều chất béo, nhất là mỡ động vật. Thứ 2 là do di truyền - đây là một nguyên nhân liên quan đến vấn đề gen và đột biến. Nguyên nhân này gây nên các vấn đề trong chuyển hoá cholesterol, nhất là nhóm cholesterol xấu (LDL).