Ảnh minh họa.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt (24 tuổi) lấy chồng từ năm 19 tuổi. Sau 5 năm, chị vẫn chưa một lần đậu thai, mặc dù cả 2 vẫn không sử dụng biện pháp tránh thai nào. Vì quá mong con, áp lực từ 2 bên gia đình, năm 2021, vợ chồng chị Nguyệt quyết định đi khám Nam khoa hiếm muộn. Chị Nguyệt được chẩn đoán rối loạn rụng trứng, còn người chồng thì tinh trùng yếu.
"Nhận kết quả, tôi khóc, chồng buồn, không nghĩ 2 đứa lại rơi vào tình trạng như vậy. Cũng chẳng biết nguyên nhân đến từ đâu. Cả 2 vô cùng tuyệt vọng vì nghĩ rằng con sẽ không bao giờ đến với vợ chồng mình", chị Nguyệt chia sẻ.
Sau khoảng thời gian suy sụp, chị được bác sĩ tư vấn làm IUI. Năm 2021, 2 vợ chồng chị Nguyệt cũng đã kích trứng làm IUI vài lần nhưng đều không có kết quả.
Hai vợ chồng cũng nản chí, nhưng quyết tâm đi khám một lần nữa. ThS.BS Phan Chí Thành, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, sau khi thăm khám cho 2 vợ chồng và đưa ra 2 phương án: 1 là tiếp tục kích trứng bơm IUI, 2 là làm thụ tinh ống nghiệm. "Tuy nhiên, do chất lượng tinh trùng của chồng khá yếu nên 2 vợ chồng lựa chọn làm thụ tinh ống nghiệm. Sau hành trình gần 1 năm điều trị tìm con, ngày 25/8, sau chuyển phôi 10 ngày, chị Nguyệt thử thai thấy 2 vạch mà vợ chồng vỡ òa sung sướng. Đợt nghỉ lễ 2/9, 2 vợ chồng đi kiểm tra, siêu âm đã thấy thai vào buồng tử cung và có tim thai", BS Thành chia sẻ.
Hạnh phúc sau 5 năm, ước mơ của 2 vợ chồng đã thành hiện thực, chị Nguyệt vô cùng xúc động: "Được nhìn thấy phôi vào tổ, em thật sự hạnh phúc".
Theo BS Thành, rối loạn rụng trứng là hoạt động nội tiết của buồng trứng trở nên bất thường (rối loạn, đảo lộn…) do nguyên nhân nào đó, biểu hiện bằng việc kinh nguyệt không đều, mất kinh… hay cơ thể có những biến đổi nhanh, chậm khác nhau, chẳng hạn như mặt "dày đặc" mụn trứng cá, mọc nhiều lông hơn các bạn nữ khác, "lun phun" ria mép trong khi ngực kém phát triển, thân hình không cân đối…; thậm chí xuất hiện những rối loạn không mang tính hệ thống như không rụng trứng…
Và một khi mắc chứng bệnh này, nếu không có biện pháp điều hòa trở lại hoạt động của buồng trứng, nguy cơ bị các chứng như ung thư nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư vú… hoặc hiếm muộn, vô sinh ở bạn sẽ rất cao.
Theo BS Thành, điều quan trọng nhất trong chữa trị bệnh lý vô sinh do rối loạn rụng trứng chính là giúp cho bệnh nhân rụng trứng đều, từ đó tăng khả năng thụ thai.
Những nguyên nhân có thể gây rối loạn buồng trứng
- Do nếp sống, sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng của bạn không khoa học, ảnh hưởng đến sức khỏe và hoạt động nội tiết bên trong cơ thể.
- Do mỡ bám ở buồng trứng, thường xảy ra ở những phụ nữ béo phì.
- Do nhiễm virus gây rối loạn phụ khoa như u nang buồng trứng, ung thư buồng trứng… Đây có thể nói là tác động song song bởi nếu vì lý do nào đó, buồng trứng bị rối loạn, bạn sẽ dễ mắc các chứng bệnh kể trên và ngược lại, nếu cơ thể bị nhiễm virus gây ung thư buồng trứng, u nang buồng trứng… thì đương nhiên, hoạt động của buồng trứng trong cơ thể bạn sẽ bị đảo lộn, mất sự cân bằng vốn có của nó.
Rối loạn rụng trứng ảnh hưởng đến sinh sản của chị em rất nghiêm trọng. Ảnh minh họa.
Phòng tránh rối loạn buồng trứng
- Trước hết phải xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh, "thiết kế" một chế độ ăn, ngủ nghỉ và vận động thật hợp lý để tăng cường sức đề kháng, giúp cho cơ thể và các hoạt động nội tiết luôn cân bằng, hài hòa.
- Vệ sinh thân thể hàng ngày sạch sẽ và thực hiện tình dục an toàn để tránh những viêm nhiễm, virus, vi khuẩn có hại gây bệnh liên quan đến buồng trứng.
- Luôn luôn kiểm soát vấn đề cân nặng, đặc biệt là trong thời kỳ mang thai, không để bị béo phì, dẫn đến những bất lợi cho hoạt động của buồng trứng.
- Có thể sử dụng thuốc điều kinh nhằm ổn định chu kỳ kinh nguyệt của bạn và hạn chế những "tiêu cực" có thể xảy ra khi hành kinh như đau bụng, nổi mụn trứng cá…