19, 20 tuổi đã mắc ung thư: Giám đốc BV Ung bướu nhắc nam giới cần biết cách khám tinh hoàn

Tiểu Nhã |

Ung thư tinh hoàn chỉ chiếm 1% trong số các bệnh ung thư ở nam giới. Tuy nhiên, theo ghi nhận ở một số bệnh viện, ung thư tinh hoàn đang có xu hướng gia tăng và trẻ hoá.

19, 20 đã mắc ung thư

Đỗ Ngọc Q (21 tuổi, quê Sơn La) đến khám bệnh vì thường xuyên đau ở tinh hoàn. Trước đó, Q có đi khám ở bệnh viện huyện nơi cậu sinh sống, bác sĩ chẩn đoán viêm tinh hoàn. Q về uống thuốc điều trị nhưng tình trạng ngày càng đau hơn. Ở tinh hoàn có cục cứng đau.

Lần này, Q cùng em trai xuống bệnh viện huyện khám lại bác sĩ nghi ngờ u tinh hoàn nên khuyên Q đến Hà Nội khám.

Q đến Bệnh viện K (Hà Nội) khám, bác sĩ chẩn đoán anh bị ung thư tinh hoàn. Kết quả phẫu thuật ung thư tinh hoàn giai đoạn 2, anh Q được bác sĩ khuyên nên bảo lưu mẫu tinh trùng để điều trị ung thư tinh hoàn.

Hay trường hợp của Nguyễn Anh M (quê Quảng Ninh) bị ung thư tinh hoàn từ năm 19 tuổi. Khi đó, M vừa vào năm thứ nhất đại học. Lúc đầu M nghe tin ung thư tinh hoàn cậu rất hoang mang và sốc. M kể cậu phát hiện có cục ở tinh hoàn nhưng ngại không đi khám bệnh. Một lần, trên đường về quê nghe trên đài nói về ung thư tinh hoàn từ các khối cục lạ ở tinh hoàn.

19, 20 tuổi đã mắc ung thư: Giám đốc BV Ung bướu nhắc nam giới cần biết cách khám tinh hoàn - Ảnh 1.

Khối u ung thư tinh hoàn

M đã đến một phòng khám nam khoa ở Hà Nội khám, bác sĩ phát hiện vùng bìu phải có một khối cứng, to và nghi ngờ đó là ung thư tinh hoàn. Bác sĩ khuyên M vào Bệnh viện lớn hơn để kiểm tra và kết quả chẩn đoán sinh thiết lần 1 và lần 2 đều là ung thư tinh hoàn.

Ai có nguy cơ bị

Trao đổi với chúng tôi, TS BS Hoàng Đình Chân – GĐ BV ung bướu Hưng Việt cho biết ung thư tinh hoàn hiện nay theo các thống kê sơ bộ ghi nhận có gia tăng và ở người trẻ nhiều hơn. Trung bình ước tính tuổi mắc ung thư tinh hoàn là 30 tuổi.

Những người có nguy cơ mắc ung thư tinh hoàn cao nhất đó là người bệnh có tinh hoàn ẩn (tinh hoàn không nằm trong bìu mà nằm trong ổ bụng), tinh hoàn bị teo, tiền sử gia đình có cha, anh em trai bị ung thư tinh hoàn và người mẹ trong lúc mang thai sử dụng các thuốc nội tiết (DES, estrogen).

19, 20 tuổi đã mắc ung thư: Giám đốc BV Ung bướu nhắc nam giới cần biết cách khám tinh hoàn - Ảnh 2.

Tự khám tinh hoàn phát hiện sớm ung thư tinh hoàn

Bác sĩ Chân cho biết, nhiều nam giới khi nói tới ung thư tinh hoàn họ hoang mang và lo lắng. Tuy nhiên, đây là bệnh ung thư nếu phát hiện ở giai đoạn sớm thì bệnh có tỷ lệ chữa khỏi khá cao.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng ung thư tinh hoàn nếu được phát hiện và điều trị sớm tỷ lệ sống sau 5 năm của ung thư tinh hoàn lên tới 95%. Theo thống kê tại Mỹ năm 2018 có 8500 trường hợp ung thư tinh hoàn mới mắc, nhưng chỉ có 350 trường hợp tử vong.

Để phát hiện sớm ung thư tinh hoàn, bác sĩ Chân khuyến cáo nam giới, nhất là những người trong độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi, cần tự kiểm tra tinh hoàn bằng cách nắn nhẹ hai bên bìu ít nhất 1 lần/tháng.

Giống như ung thư vú ở phụ nữ, cách tự kiểm tra tinh hoàn được xem là cách tự khám ung thư tinh hoàn khá đơn giản, dễ áp dụng và tỷ lệ tự khám có u ở tinh hoàn cũng khá hơn. Khi phát hiện có một khối đặc bất thường trong bìu, cho dù không gây đau cũng cần đến bệnh có chuyên khoa về nam học gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Cách tự khám ung thư tinh hoàn được Hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo nam giới nên đứng trước gương. Kiểm tra da bìu để tìm dấu hiệu da bìu phù nề.

Sau đó dùng tay sờ khám từng bên tinh hoàn. Cách làm như sau: lấy ngón trỏ và ngón giữa dưới tinh hoàn, ngón cái trên tinh hoàn. Lăn các ngón tay nhẹ nhàng để tìm các u cục bất thường.

Tìm mào tinh hoàn, đó là phần mềm mại nằm sau tinh hoàn, nơi giúp tinh trùng trưởng thành. Những người thường xuyên khám mào tinh hoàn sẽ dễ dàng nhận biết nếu có khối u. Khối u ung thư thường nằm ở hai bên tinh hoàn nhưng cũng có thể phía trước hoặc dưới tinh hoàn. Phát hiện bất kỳ khối u nào, bạn nên đi gặp bác sĩ ngay.

Các triệu chứng ban đầu của ung thư tinh hoàn là cảm giác nặng bìu, tụ dịch trong bìu, đau hoặc khó chịu ở tinh hoàn hay bìu, sưng hoặc khối u không đau ở một trong hai tinh hoàn, đau âm ỉ vùng bụng hay bẹn hoặc đau lưng.

Ngoài ra, ung thư tinh hoàn còn có các triệu chứng khác có thể gặp là: đau tinh hoàn, vú to lên, đau lưng, đau hông khi ung thư đã di căn đến các cơ quan khác. Vậy nên nếu gặp triệu chứng này thì đi khám ngay, thay vì chần chừ, chủ quan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại