Trải qua nhiều nghiên cứu y khoa, Alice Lee (bác sĩ nha khoa phẫu thuật, đồng thời là trợ lý giáo sư tại Bộ Nha khoa của Hệ thống chăm sóc sức khỏe Montefiore) và Alison Newgard (bác sĩ nha khoa; trợ lý giáo sư tại phòng khám nha khoa ở Đại học Columbia – ngành Cao đẳng Nha khoa) đã kết luận đưa ra 14 điều bạn thường làm cho hàm răng bị tổn thương.
1. Vừa đánh răng vừa làm nhiều việc cùng lúc:
Có những trường hợp người ta vừa đánh răng vừa kết hợp làm những công việc khác như lướt web, chải tóc… Nhưng bác sĩ Newgard khuyên rằng nếu bạn tập trung vào công việc đánh răng, bạn sẽ có hàm răng chắc khỏe và sáng bóng hơn là khi bạn sao lãng và làm nhiều việc cùng lúc.
2. Vệ sinh quá kĩ bàn chải đánh răng:
Mặc dù chúng ta biết rằng mặt bàn chải là nơi chứa nhiều vi khuẩn nhưng cũng không đến nỗi khiến bạn phải cọ rửa nó quá kĩ càng. Các chuyên gia cho rằng không bao giờ có trường hợp một người mắc bệnh chỉ vì nhiễm vi khuẩn trên bàn chải đánh răng của mình.
Bàn chải sau mỗi lần sử dụng chỉ cần được rửa sạch bằng nước, để khô tự nhiên và tránh không để mặt bàn chải của mình chạm vào bàn chải của người khác là đủ. Nếu vệ sinh bàn chải quá kĩ sẽ làm biến chất mặt bàn chải và gây ra nhiều hậu quả khôn lường.
3. Tham khảo cách bảo vệ răng miệng qua các nguồn tin không uy tín trên internet:
Trên một số trang web, họ có đăng tải rất nhiều những mẹo vặt tự làm đơn giản trong cuộc sống hàng ngày, một trong số đó cũng bao gồm cả công việc chăm sóc răng miệng. Nhưng không phải tất cả những mẹo ấy đem lại sự an toàn cho sức khỏe răng miệng của bạn, chẳng hạn như việc sử dụng chất peroxide làm răng trắng nhanh chóng.
Tiến sĩ Newgard khuyên rằng để chăm sóc răng miệng tốt, nên sử dụng những sản phẩm có uy tín chất lượng rõ ràng, đặc biệt là những loại đã được Hiệp hội Nha khoa Mỹ (ADA) kiểm chứng.
(Ảnh minh họa)
4. Khám răng không chụp X-quang:
Năm 2012, đã từng có một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Ung thư cho rằng có một mối liên hệ giữa tia X trong chụp chiếu nha khoa với hiện tượng xuất hiện khối u não lành tính. Nhưng sau đó Hiệp hội Ung thư Mỹ đã phản bác lại rằng nghiên cứu trên không đưa ra chi tiết những bằng chứng về điều trên.
Thực ra, chụp X-quang trong nha khoa là rất quan trọng. Bởi có những tổn thương nhỏ trong bộ răng như viêm tủy hay sâu răng hoặc các bệnh lý khác xuất hiện ở những vùng mà mắt thường khó có thể thấy được thì thay vào đó, tia X sẽ giúp cho các bác sĩ phát hiện được chúng dễ dàng hơn, rút ngắn thời gian chẩn đoán và khám chữa bệnh đi nhiều lần.
5. Cất trữ bàn chải đánh răng ướt trong túi:
Nhiều người thường có thói quen mang bàn chải đánh răng của mình theo khi đi du lịch xa nhà. Nhưng đừng quên để cho bàn chải được khô ráo trước khi cất vào túi của mình. Bởi theo tiến sĩ Lee, vi khuẩn trên bàn chải đánh răng sẽ phát triển nhanh chóng trong môi trường ẩm ướt, gây hại cho người sử dụng.
6. Uống dấm táo:
Một số ngôi sao nổi tiếng và những chuyên gia nghiên cứu về sức khỏe cho rằng uống dấm táo sẽ giúp ích rất nhiều cho việc cải thiện sức khỏe cơ thể.
Nhưng các nha sĩ khẳng định một điều rằng chất axit có trong dấm làm tổn thương rất nhiều đến men răng, khiến ngay cả khi bạn súc miệng với nước sau đó cũng không giảm bớt được những ảnh hưởng mà dấm táo tác động đến răng của bạn.
7. Đeo niềng răng:
Có những trường hợp đeo niềng răng như một thói quen, sau khi bỏ niềng răng cố định thì vẫn tiếp tục sử dụng niềng răng ban đêm để giữ cho bộ răng mình ở vị trí hoàn hảo. Đừng quá lạm dụng niềng răng! Bởi có thể chúng là những cái bẫy tạo nên nhiều mảng bám gây hại cho men răng.
Đeo niềng răng tạo nhiều mảng bám
8. Đánh răng ngay sau khi thức dậy vào buổi sáng:
Đây là việc làm cực kì có hại. Tiến sĩ Lee cho biết: "Trong giai đoạn dễ bị tổn thương này, môi trường axit sẽ làm yếu răng và dễ gây nên sự xói mòn răng. Vì thế đừng nên đánh răng vội mà hãy uống một cốc sữa (hoặc nước) trước, hay súc miệng bằng dung dịch baking soda, hoặc đợi 30 phút sau khi ngủ dậy rồi sau đó mới đi đánh răng".
9. Không quan tâm đến hiện tượng nghiến răng vào ban đêm hàng ngày:
Nghiến răng dù chỉ là một vấn đề nhỏ nhưng nếu cứ tiếp tục nhiều thì sẽ dẫn đến hiện tượng răng sứt mẻ, gây đau đầu và biến dạng khuôn mặt. Nếu bạn không biết được liệu mình có hay nghiến răng vào ban đêm hay không, hãy kiểm tra các dấu hiệu đau nhức hàm, nhức đầu liên tục và mệt mỏi vào mỗi sáng sớm.
Nếu như gặp phải những biểu hiện trên, hãy lập tức đến hỏi ý kiến của nha sĩ để có thể nhận được những lời khuyên phù hợp nhất.
10. Hút thuốc:
Hút thuốc không chỉ làm hại đến sức khỏe tim mạch, gan phổi mà còn ảnh hưởng đến bộ hàm của bạn. Theo Viện nghiên cứu Nha khoa và Sọ não, hậu quả để lại đó là hơi thở hôi, răng ố vàng, viêm nướu răng, suy thoái nha chu, dễ mất răng.
Hút thuốc gây nướu răng, suy thoái nha chu
11. Bỏ qua các lời chỉ định của nha sĩ:
Làm thế nào để loại bớt mối lo âu mỗi lần phải đi khám? Thật bất ngờ đó vẫn là đi gặp bác sĩ. Dù có bận đến chừng nào, hãy cố gắng sắp xếp thời gian đi khám răng định kỳ 6 tháng/lần để đảm bảo hàm răng của bạn sáng bóng và khỏe mạnh.
12. Uống không đủ nước:
Lợi ích của việc uống đủ nước không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện răng miệng. Nhất là những loại nước khoáng chứa chất fluoride lại cực kì tốt cho răng chắc khỏe, giống như chất có trong kem đánh răng giúp cho hàm răng chắc khỏe.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể súc miệng bằng nước khoáng cũng rất tốt cho việc loại bớt mảng bám đường và axit ra khỏi răng của mình.
Uống đủ nước cải thiện răng miệng
13. Lười hấp thụ vitamin D và Canxi :
Chất khoáng và vitamin là hai nền tảng chính xây dựng nên kết cấu xương và răng, giúp duy trì sự chắc khỏe và độ đặc của kết cấu xương trong cơ thể. Theo Tổ chức thế giới nghiên cứu về sự loãng xương (NOF) thì người phụ nữ trưởng thành cần ít nhất 1000-1200mg canxi và 400-1000IU vitamin D hàng ngày từ thực phẩm và ánh nắng mặt trời để duy trì cho xương chắc khỏe.
14. Dùng sai loại nước súc miệng:
Hiện nay có rất nhiều phương pháp loại bỏ mảng bám và vi khuẩn khỏi răng miệng bằng cách súc miệng. Nhưng ví dụ như những loại nước súc miệng hóa học thì sẽ gây ra hơi thở bốc mùi và tạo vị khó chịu trong miệng bạn.
Hãy thử những loại nước súc miệng tự nhiên như nước súc miệng chứa chất kháng khuẩn và fluoride sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ sâu răng, viêm tủy, nha chu và cả hơi thở bốc mùi nữa.
*Theo Fox News