Thông thường bệnh nhân sẽ nghĩ mình bị nhức răng hay viêm tai và tự mua thuốc uống, nhưng uống mãi không bớt, khi đến bệnh viện khám mới biết mình bị rối loạn thái dương hàm.
Cứ ngỡ… viêm tai hay đau răng
Anh Nguyễn Quốc B., 31 tuổi, ở Q.3, được vợ đưa đến Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM với gương mặt nhăn nhó vì đau nhức, ù tai.
Vợ anh kể, tám ngày trước bỗng dưng anh bị đau và ù tai dữ dội, cứ tưởng bị viêm tai giữa do trước đó tắm biển bị nước vào tai, nên ra hiệu thuốc mua thuốc về uống hai ngày.
Không thấy bớt mà còn đau nhức nhiều hơn, anh đến Bệnh viện T. khám. Bác sĩ soi tai không thấy tổn thương nên chỉ cho thuốc giảm đau và dặn theo dõi.
Uống thuốc được hai hôm, anh lại phải tái khám, bác sĩ vẫn thấy tai bình thường nên hướng dẫn đến Bệnh viện Răng Hàm Mặt.
Tại Bệnh viện, anh được xác định bị rối loạn thái dương hàm, nguyên do là từ áp lực công việc và stress.
Chị Trần Minh H., 26 tuổi, nhân viên một công ty truyền thông cũng rất hoang mang vì chỉ đau đầu nhẹ hôm trước, hôm sau đã thấy cơn đau lan khắp đầu, trán. Chị mua thuốc giảm đau uống, nhưng thuốc hết tác dụng lại đau tiếp.
Đến một phòng khám gần nhà, bác sĩ cho biết chị bị đau dây thần kinh số 5, cho thuốc uống, nhưng cũng không hiệu quả. Mỗi khi ăn cả vùng hàm - mặt của chị cứ nhói đau, lại nghe như có tiếng lụp cụp.
Trước đó một năm, chị từng bị đau khi ăn và nghe âm thanh lạ này, nhưng chỉ thoáng qua rồi biến mất, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Nhưng lần này, cơn đau càng lúc càng tăng, âm thanh cũng nhiều và lớn hơn.
Đến Bệnh viện Đại học Y Dược khám, chị được xác định mắc bệnh rối loạn thái dương hàm do lệch khớp cắn. Sau khi được uống thuốc và đeo máng điều chỉnh khớp cắn, chị hết đau, sinh hoạt trở lại bình thường.
Rối loạn thái dương hàm có nguy hiểm không?
Rối loạn thái dương hàm là bệnh thường gặp, chỉ những rối loạn liên quan đến các cơ nhai, khớp thái dương hàm hoặc cả hai. Triệu chứng của bệnh rối loạn thái dương hàm là đau ở cơ nhai, đau cơ hàm gần tai, vùng trước tai, ở khớp thái dương hàm, hoặc cả hai.
Cơn đau tăng lên khi ăn, nhai, nhất là nhai vật cứng hoặc khi vận động hàm như ngáp, há miệng, nói chuyện… Cơn đau có khi âm ỉ hoặc kịch phát dữ dội.
Tuy được gọi là rối loạn thái dương hàm, nhưng cơn đau không chỉ xuất hiện ở vùng thái dương hàm, mà còn có thể đau đầu; mỏi vùng cổ, vai, cánh tay; đau trong tai, ù tai, giảm thính lực và rối loạn thăng bằng… nên dễ bị nhầm lẫn với những bệnh lý khác như: nhức răng, viêm động mạch thái dương, viêm tai, viêm tuyến nước bọt mang tai, viêm xương hàm, hội chứng Eagle, đau dây thần kinh V…
Tuy nhiên, do biểu hiện ban đầu của bệnh thường chỉ thoáng qua rồi tự khỏi nên nhiều người không quan tâm.
Theo bác sĩ Nguyễn Đức Tuấn, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.HCM, có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh, nhưng nguyên nhân chính là do áp lực, stress trong công việc, gia đình, học hành... vì khi lo lắng, căng thẳng, giận dữ thường gây ra tình trạng nghiến chặt răng, làm co cứng cơ vùng mặt trong khoảng thời gian dài, gây ra tình trạng đau vùng thái dương hàm; từ đó lại sinh ra những lo lắng khác, gây thêm co thắt cơ kéo dài.Tác động này tạo thành vòng luẩn quẩn "lo lắng - đau - lo lắng".
Các nguyên nhân khác gây rối loạn thái dương hàm cụ thể là:
- Mất răng, răng hư lâu ngày không điều trị gây ra tình trạng mất ổn định khớp cắn, làm quá tải hệ thống cơ khớp thái dương hàm và có thể ảnh hưởng lên sự nhận cảm tín hiệu của hệ thống cơ nhai.
- Răng mọc lệch, răng giả không phù hợp làm mất sự ổn định của khớp cắn, hệ thống cơ hoạt động không trơn tru, gây ra tình trạng bệnh rối loạn thái dương hàm.
Do đó, nhiều trường hợp phải kết hợp cùng lúc những phương pháp điều trị như dùng thuốc, nhổ răng, phục hình và chỉnh hình…
- Nghiến răng làm quá tải lực, gây tổn thương bề mặt các diện khớp trong khớp thái dương hàm.
- Viêm đa khớp, viêm khớp dạng thấp gây ảnh hưởng lên hệ thống khớp nói chung và khớp thái dương hàm nói riêng.
Tuy đây là căn bệnh không đe dọa tính mạng, nhưng nếu phát hiện trễ việc điều trị sẽ trở nên khó khăn, tốn kém, ảnh hưởng đến chất lượng sống và khả năng lao động.
Do đó, khi phát hiện các triệu chứng kể trên, bệnh nhân có thể chườm nóng tại chỗ để giảm đau và bác sĩ chuyên khoa thăm khám, không nên tự điều trị, sẽ khiến tình trạng bệnh nặng thêm.