13 ngày không có ca mắc trong cộng đồng: Chuyên gia nhắc đừng chủ quan coi chừng "vỡ trận"

Ngọc Anh |

Đến nay, sau 13 ngày, Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Các chuyên gia y tế cho biết người dân vẫn cần chủ động phòng bệnh, không được lơ là khi nghỉ lễ.

Tâm lý "quên"

Chị Lê Huyền Anh – quê Nho Quan, Ninh Bình tâm sự đã 3 tháng nay chị chưa về thăm bố mẹ ở quê và con nhỏ vì dịch Covid-19. Sắp nghỉ lễ 4 ngày, vợ chồng chị đã lên dự định về thăm nhà.

Tuy nhiên, chị Huyền Anh sợ không thuê được xe nên hai vợ chồng dự tính đi xe máy về cho tiện. Chị Huyền Anh kể, đến nay dịch đã không còn lo sợ như trước nhưng chị ngại nhất là hạn chế xe khách đi lại.

Cũng giống chị Huyền Anh, nhiều gia đình cũng sắp sẵn kế hoạch cho kỳ nghỉ lễ 30/4. Dù từ sau Tết nhiều người đã là ngày nghỉ nhưng dịp nghỉ lễ tâm lý ai cũng muốn về thăm nhà. Chị Hà Thị Tuyết, Long Biên, Hà Nội tâm sự, chị cũng muốn về thăm nhà vì cả tháng nay bà nội chị ốm nặng nhưng sợ dịch bệnh nên không dám về.

Mỗi ngày chị Tuyết đều vào xem tin tức về dịch bệnh và thấy ca bệnh ngoài cộng đồng không còn nên vợ chồng chị cũng lên kế hoạch về quê ở Thái Bình.

13 ngày không có ca mắc trong cộng đồng: Chuyên gia nhắc đừng chủ quan coi chừng vỡ trận - Ảnh 1.

Chủ quan với dịch bệnh sẽ trả giá đắt

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay dịch ở Việt Nam đã tạm ổn định hơn nhưng nguy cơ vẫn còn nhiều. Thực tế, bác sĩ Khanh cho rằng người dân đang có tâm lý quên dịch và bắt tay vào công việc thường nhật như trước, nhất là kỳ nghỉ tới mọi người vẫn muốn đi chơi, về quê.

Bác sĩ Khanh cho biết, bản thân ông cũng muốn đi chơi, cũng muốn về thăm mẹ già nhưng vì dịch bệnh hiện nay nên cũng không dám, sợ nhất là mang bệnh về cho người già trong gia đình.

Tuy nhiên, trước thực tế dịch vẫn chưa thể buông xuôi vì các nước xung quanh vẫn có số ca mắc Covid-19 và người Việt vẫn từ nhiều nơi về.

13 ngày không có ca mắc trong cộng đồng: Chuyên gia nhắc đừng chủ quan coi chừng vỡ trận - Ảnh 2.

BS Trương Hữu Khanh

Như vậy câu trả lời trong cộng đồng đã an toàn chưa, Bác sĩ Khanh nhấn mạnh chưa bao giờ hết nguy cơ.

Nghỉ lễ nên làm gì?

Việc đi lại trong kỳ nghỉ sắp tới sẽ có khả năng lây nhiễm bởi không ai biết mình có phải người mang virus hay không nên BS Khanh khuyến cáo người dân trước khi quyết định đi hay ở cần hết sức cẩn trọng.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng của Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, hiện nay dịch Covid-19 ở Việt Nam đã được đẩy lùi nhưng chưa thể tránh hết các nguy cơ lây nhiễm. 

PGS Phu cho rằng người dân không nên chủ quan lơ là về dịch. Mỗi ngày không có ca mắc nào mới thêm đó là tín hiệu vui nhưng không phải mừng quá vội mà bỏ qua các khuyến cáo phòng chống dịch.

Mặt khác, Việt Nam tiếp tục ghi nhận lại những ca tái dương tính khi công bố khỏi bệnh. Mặc dù chưa có bằng chứng cho thấy sự lây nhiễm của những người này nhưng cũng không được chủ quan – PGS Phu cho biết.

Kỳ nghỉ lễ này, PGS Phu nếu người dân không tuân thủ, dịch sẽ bùng lên như các nước khác điển hình như Singapore, số mắc rất cao từ một nước từng được đánh giá cao về chống dịch.

Sigapore vỡ trận, bác sĩ Khanh cho rằng vì nước này người dân cũng chủ quan và đi lại tự do nên dịch khó kiểm soát hơn.

Chính vì thế, cả BS Khanh và PGS Phu đều nhấn mạnh chưa thể an tâm với số ca mắc không được ghi nhận mà người dân tiếp tục nâng cao ý thức phòng bệnh. Thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang. Khi đi xe khách, taxi, tiếp xúc ngoài cộng đồng đều mang khẩu trang và không đưa tay lên mắt vuốt mặt, sờ tay lên khẩu trang.

Đi ô tô cũng cần phòng chống dịch tốt như không trò chuyện, không tiếp xúc với những vật dụng trên xe như sờ lên ghế, tay vịn…

Những người già, người có bệnh mãn tính không nên ra ngoài, hạn chế tiếp xúc cộng đồng, giãn cách khoảng cách an toàn 2 mét.

Với những người phải đi lại, bác sĩ Khanh cho biết nếu bắt buộc phải về quê, đi lại bằng phương tiện công cộng bạn vẫn cần giữ khoảng cách cho mình. Xe khách ngồi gần nhau thì nên mang theo giấy ăn, nước sát khuẩn để vệ sinh cá nhân thường xuyên hơn.

Những người trẻ cần luôn luôn giữ ý thức mình không có nguy cơ mắc thì có thể là nguồn lây cho người nhiều tuổi hơn nên vẫn kiên trì phòng bệnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại