12 loại thực phẩm phổ biến gây dị ứng ngứa

Kim Ngân |

Khi bị dị ứng thực phẩm, một phản ứng dị ứng điển hình là phát ban, ngứa da và có thể dẫn đến những biểu hiện nghiêm trọng. Chúng ta nên tìm hiểu cách nhận biết một số loại dị ứng thực phẩm phổ biến gây ngứa để phòng tránh.

1. Dị ứng thực phẩm gây ngứa

Dị ứng thực phẩm là một tình trạng rất phổ biến, xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng nhầm với một loại thực phẩm cụ thể và coi nó như một chất lạ nguy hiểm.

Khi bị dị ứng thực phẩm, một phản ứng dị ứng điển hình là phát ban, ngứa da . Đó là bởi vì khi hệ thống miễn dịch phản ứng với chất gây dị ứng, nó sẽ giải phóng một chất hóa học gọi là histamin , thường gây ngứa. Đôi khi, chỉ cần chạm vào thực phẩm cụ thể cũng có thể dẫn đến ngứa.

Trên thực tế có một số thực phẩm đã được xác định dễ gây phản ứng dị ứng hơn những thực phẩm khác. Chúng ta cần nhận biết để phòng tránh.

BS. Nguyễn Thị Ngọc Hường: Dị ứng thực phẩm là tình trạng hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với một loại protein đặc biệt có trong thức ăn. Các triệu chứng có thể xảy ra khi tiếp xúc với chỉ một lượng nhỏ thức ăn.

2. Một số thực phẩm phổ biến gây dị ứng ngứa

2.1. Dị ứng đậu nành

Đậu nành là một loại cây thuộc họ đậu. Đậu nành thường được sử dụng làm nguyên liệu chế biến sữa đậu nành, đậu phụ…

Dị ứng đậu nành thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhưng có một số người sẽ bị ảnh hưởng cả đời.

Dị ứng đậu nành có thể gây ra nhiều phản ứng khác nhau, bao gồm phát ban ( mày đay ), phát ban da đặc trưng bởi rất nhiều mụn nhỏ, nổi lên, màu đỏ. Loại phát ban này điển hình là rất ngứa.

2.2. Dị ứng đậu phộng

Dị ứng đậu phộng rất phổ biến ở trẻ em. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chất gây dị ứng đậu phộng có thể tồn tại trên bề mặt bàn trong 110 ngày.

Trẻ em bị chàm nặng hoặc dị ứng trứng có nhiều nguy cơ bị dị ứng đậu phộng.

Dị ứng đậu phộng có một loạt các triệu chứng, bao gồm cả phát ban ngứa. Do khả năng xảy ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng, vì vậy tránh sử dụng đậu phộng là rất quan trọng đối với người có tiền sử bị dị ứng.

12 loại thực phẩm phổ biến gây dị ứng ngứa - Ảnh 1.

Dị ứng đậu phộng có thể xảy ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng

2.3. Dị ứng với cà chua

Dị ứng cà chua thường gây ngứa và nổi mề đay. Tuy nhiên, đôi khi, một hiện tượng lạ được gọi là hội chứng dị ứng miệng có thể là nguyên nhân khiến nhiều người bị ngứa miệng và da sau khi ăn cà chua.

Hội chứng dị ứng miệng là các chất gây dị ứng phản ứng chéo được tìm thấy trong phấn hoa và một số thực phẩm. Trong trường hợp của cà chua, hệ thống miễn dịch của chúng ta có thể xác định phấn hoa cỏ tương tác trong các protein cà chua tương tự và phản ứng với nó.

2.4. Trái cây có múi

Dị ứng với trái cây có múi như cam quýt thường dẫn đến ngứa da, miệng, lưỡi và môi. Cam quýt, giống như cà chua, có liên quan đến hội chứng dị ứng miệng và đặc biệt là phấn hoa cỏ. Chúng cũng có thể gây ra phản ứng da tiếp xúc ở một số người.

2.5. Dị ứng hạt cây

Hạt cây là một trong loại thực phẩm phổ biến gây dị ứng thường liên quan đến sốc phản vệ , một phản ứng dị ứng có thể gây tử vong.

Khi bị dị ứng hạt cây, người bệnh thường có biểu hiện ngứa trong miệng, cổ họng, da và mắt.

Các loại hạt cây dễ gây dị ứng bao gồm:

Quả hạnh Hạt điều Hạt macadamia Hồ đào Hạt thông Hạt hồ trăn Quả óc chó…

Thông thường, mọi người hay nhầm lẫn đậu phộng với các loại hạt cây, nhưng đậu phộng thực sự thuộc cây họ đậu.

12 loại thực phẩm phổ biến gây dị ứng ngứa - Ảnh 2.

Hạt cây là một trong loại thực phẩm phổ biến gây dị ứng.

2.6. Dị ứng lúa mì

Dị ứng lúa mì đôi khi bị nhầm lẫn với bệnh celiac , là một bệnh tự miễn dịch ảnh hưởng đến ruột non. Trong bệnh dị ứng lúa mì, nạn nhân bị dị ứng với protein có trong lúa mì.

Những người bị bệnh hen suyễn hoặc bệnh chàm dễ bị dị ứng với lúa mì hơn.

Cũng như các trường hợp dị ứng thực phẩm khác, nổi mày đay là một triệu chứng phổ biến khi bị dị ứng lúa mì.

Thực phẩm có lúa mì bao gồm:

Đồ nướng Bánh mỳ Mỳ ống Thực phẩm chế biến

2.7. Dị ứng sữa bò

Sữa cũng là một trong những thực phẩm gây dị ứng phổ biến nhất ở trẻ em.

Dị ứng sữa không giống như chứng không dung nạp lactose . Dị ứng sữa là người bệnh bị dị ứng với protein trong sữa. Ngược lại không dung nạp lactose là cơ thể không thể xử lý được đường lactose.

Sữa có trong các sản phẩm bao gồm:

Sữa bò Bơ Phô mai Kem Sữa chua

2.8. Dị ứng trứng

Dị ứng trứng phát triển trong thời thơ ấu, đôi khi tự khỏi khi trưởng thành.

Protein trong trứng là nguyên nhân gây ra dị ứng trứng. Mọi người có thể chỉ bị dị ứng với các bộ phận cụ thể của trứng như lòng trắng hoặc lòng đỏ.

Giống như các dị ứng thực phẩm khác, dị ứng trứng có thể dẫn đến phát ban và một số các phản ứng dị ứng khác. Dị ứng trứng cũng có thể nghiêm trọng.

12 loại thực phẩm phổ biến gây dị ứng ngứa - Ảnh 3.

Protein trong trứng là nguyên nhân gây ra dị ứng.

2.9. Dị ứng động vật có vỏ

Động vật có vỏ bao gồm các loài giáp xác như cua, tôm hùm và tôm. Chúng cũng bao gồm các loài nhuyễn thể như trai, sò, sò điệp.

Phản ứng của da với động vật có vỏ có thể bao gồm phát ban. Dị ứng động vật có vỏ cũng có xu hướng nghiêm trọng và có thể dẫn đến các phản ứng đe dọa tính mạng.

2.10. Dị ứng với cá có vây

Dị ứng cá có vây bao gồm các loài cá:

Cá tuyết Cá chình Cá chim lớn Cá minh thái Cá hồi Cá hồng Cá ngừ

2.11. Thực phẩm có niken

Phát ban trên da tay có liên quan đến dị ứng niken trong chế độ ăn uống. Chúng ta có thể tìm thấy niken trong một số loại thực phẩm. Thực phẩm có hàm lượng niken cao bao gồm:

Đậu Đồ hộp Sô cô la Hạt Đậu lăng Quả hạch Cháo bột yến mạch Đậu Hà Lan Động vật có vỏ Đậu nành Bánh mì nguyên cám

2.12. Dị ứng với các loại gia vị

Có một số phản ứng sinh lý bình thường có thể xảy ra ở bất kỳ ai ăn một số loại gia vị. Ví dụ, ớt hoặc mù tạt có thể gây chảy nước mắt ngay lập tức và bỏng trong miệng.

Phản ứng này không phải do phản ứng dị ứng mà là do các hợp chất hóa học mà chúng chứa (tương ứng là capsaicin và allyl isothiocyanate). Những chất này gây kích ứng màng nhầy của mũi và miệng.

Điều này có thể bị nhầm lẫn với phản ứng dị ứng với một loại gia vị. Vì các món ăn thường bao gồm sự kết hợp của các loại gia vị khác nhau. Do đó, rất khó để biết liệu một loại gia vị hoặc thực phẩm nào đó có trong đó là nguyên nhân gây ra phản ứng hay không.

Dị ứng với các loại gia vị có thể dẫn đến ngứa và phát ban trên da. Một số có thể gây phát ban khi chúng tiếp xúc với da. Chúng cũng có thể dẫn đến ngứa miệng, chủ yếu do hội chứng dị ứng miệng.

12 loại thực phẩm phổ biến gây dị ứng ngứa - Ảnh 4.

Dị ứng với các loại gia vị có thể dẫn đến ngứa và phát ban trên da.

3. Phòng tránh dị ứng thực phẩm như thế nào?

Một bữa ăn thường kết hợp nhiều loại thực phẩm khác nhau. Vì vậy việc xác định thành phần hoặc thực phẩm cụ thể nào có thể gây dị ứng với một người không dễ dàng.

Nếu bạn bị ngứa sau khi ăn có thể bạn đang phản ứng với loại thực phẩm bạn đã ăn. Cần theo dõi và ghi nhật ký thực phẩm để xác định nguyên nhân gây ngứa.

Khi xác định bạn đã có biểu hiện dị ứng với một loại thực phẩm cụ thể nào, việc quan trọng đầu tiên là luôn ghi nhớ để tránh thực phẩm gây dị ứng đó.

Tránh các chất gây dị ứng là đặc biệt quan trọng đối với dị ứng thực phẩm vì một số loại thực phẩm có thể gây các triệu chứng nghiêm trọng.

- Nếu bị dị ứng hạt cây, bạn cần tránh ăn các loại hạt. Ngoài ra, bạn nên xem xét cẩn thận các loại hạt như một thành phần trong thực phẩm chế biến hoặc chế biến sẵn, bơ và dầu.

- Đối với lúa mì, vì lúa mì là một thành phần phổ biến trong thực phẩm chế biến và chế biến sẵn, cần nhớ đọc nhãn cẩn thận.

- Giống như lúa mì, sữa bò có trong nhiều loại thực phẩm chế biến và chế biến sẵn, vì vậy hãy đọc kỹ nhãn sản phẩm.

- Nếu bị dị ứng trứng, tốt nhất là chúng ta nên tránh ăn trứng hoàn toàn. Cần đề phòng trứng trong các món nướng và thực phẩm chế biến sẵn.

- Những người bị dị ứng động vật có vỏ, ngoài việc tránh những loại thực phẩm này cần cẩn thận với việc lây nhiễm chéo, đặc biệt là khi ăn ở ngoài.

- Trong trường hợp dị ứng với cá có vây, ngoài việc tránh cá, bạn cũng nên cẩn thận với các loại thực phẩm có nguồn gốc từ cá. Chúng bao gồm những thực phẩm như: trứng cá muối, thực phẩm bổ sung omega-3 và gelatin…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại