Sốt cao: Sốt cao là triệu chứng rõ rệt nhất của bệnh sốt xuất huyết. Những người bị nhiễm virus thường lên cơn sốt cao từ 38.5 đến 40 độ C sau khi nhiễm virus từ 3 đến 15 ngày. Nhiều bệnh nhân còn cảm thấy ớn lạnh và run rẩy khắp người. Nếu phát hiện triệu chứng này, bạn tuyệt đối không nên cố điều trị tại nhà vì một số loại thuốc hạ sốt có thể gây các biến chứng chảy máu ở người mắc sốt xuất huyết. Thay vào đó, hãy đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
Đau nhức khắp người: Hầu hết những bệnh nhân sốt xuất huyết có xu hướng bị đau nhức khắp các cơ, xương và thậm chí các khớp. Nguyên nhân là do các virus gây thiếu vitamin và khoáng chất trong cơ thể, gây tình trạng đau nhức; do đó, việc tiếp nạp vào cơ thể các dịch dinh dưỡng là vô cùng quan trọng. Trên thực tế, những người có hệ miễn dịch yếu hoặc những người không ăn uống lành mạnh trong và sau khi hồi phục có thể phải chịu cơn đau tới hàng tuần sau khi đã được chữa khỏi bệnh sốt xuất huyết.
Buồn nôn và nôn mửa: Trong một số ca sốt xuất huyết nặng, bệnh nhân có thể cảm thấy buồn nôn và sau đó nôn mửa. Đó là bởi nếu virus mạnh mà hệ miễn dịch của bệnh nhân lại yếu, virus sẽ lây lan nhanh hơn và ảnh hưởng đến ống tiêu hóa. Triệu chứng nôn mửa thường không kéo dài hơn vài ngày và không xuất hiện thường xuyên. Nếu triệu chứng này kéo dài với tần suất liên tục, chứng tỏ bệnh nhân đó mắc sốt xuất huyết nặng, có thể đe dọa đến tính mạng.
Phát ban trên da: Một triệu chứng thường thấy khác của sốt xuất huyết dạng nhẹ là nổi ban đỏ trên da. Triệu chứng này thường xuất hiện 3 đến 4 ngày sau khi lên cơn sốt. Các vết ban đỏ ban đầu xuất hiện trên mặt, sau đó lan dần xuống cổ rồi lan ra khắp vùng ngực, cánh tay và thậm chí xuống cả chân. Một dạng phát ban khác của sốt xuất huyết là các cụm đỏ xuất hiện ở bất kì đâu trên cơ thể khi cơn sốt bắt đầu. Các vết ban thường không gây ngứa. Tuy nhiên, ở một số ca ít gặp, bệnh nhân có thể nổi mẩn ngứa ở bàn tay hoặc bàn chân. Các vết ban đỏ thường tự biến mất sau đó lại đột ngột xuất hiện.
Chán ăn: Những người mắc sốt xuất huyết thường cảm thấy chán ăn. Điều này dễ lí giải bởi bệnh nhân bị mất nước nhiều hơn bình thường. Sự mất nước này cần được bù đắp kịp thời để tránh làm tăng nặng các triệu chứng khác. Nếu ca bệnh thuộc dạng nhẹ hoặc trung bình, các triệu chứng sẽ giảm bớt sau 3 đến 4 ngày điều trị.
Đau đầu: Bệnh nhân chỉ nên sử dụng các loại thuốc giảm đau được kê đơn bởi bác sĩ. Một số loại thuốc tại quầy thuốc có thể làm tăng nặng các triệu chứng và tăng nguy cơ xảy ra biến chứng. Đau đầu, đau vùng lưng dưới và đau vùng phía sau mắt là những triệu chứng phổ biến nhất ở bệnh nhân sốt xuất huyết.
Đau bụng: Đau bụng nghiêm trọng là một triệu chứng phổ biến khác của sốt xuất huyết. Cảm giác đau đớn ở vùng bụng có mức độ trải từ đau vừa đến đau dữ dội. Cơn đau thường xuất hiện ở vùng bụng phải phía trên. Cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn nếu đi kèm với triệu chứng nôn mửa, vì nôn mửa gây co thắt các cơ bụng.
Chảy máu mũi và lợi: Một số bệnh nhân sốt xuất huyết còn bị chảy máu mũi và lợi. Trong hầu hết các ca bệnh, tình trạng chảy máu mũi thường lành tính, nhưng có thể tái diễn. Tuy nhiên trong một số ca hiếm, chảy máu cam có thể nghiêm trọng đến mức cần truyền máu. Chảy máu mũi ồ ạt là một dấu hiệu cho thấy bạn cần đến gặp bác sĩ ngay.
Đi ngoài ra máu: Sau 3 đến 5 ngày mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đi ngoài ra máu. Người bệnh có thể đi ngoài ra phân đen như hắc ín. Tình trạng này được gọi là đại tiện máu đen, có nguyên nhân chủ yếu do chảy máu trong ống tiêu hóa. Nếu phát hiện triệu chứng này, hãy đến gặp bác sĩ.
Các dấu hiệu biến chứng: Trong một số ca hiếm, bệnh sốt xuất huyết có thể trở nặng và đe dọa tính mạng của bệnh nhân. Khi đó, các mạch máu có thể bị vỡ và rò rỉ, số lượng tiểu cầu trong máu có thể sụt giảm nghiêm trọng.
Bệnh nhân có thể liên tục nôn ra máu. Các mảng giống như vết bầm tím có thể xuất hiện trên da, báo hiệu sự chảy máu dưới biểu bì. Khi đó, bệnh nhân cần tới cơ sở y tế ngay lập tức để điều trị./.