16 người chết vì sốt xuất huyết: Bỏ túi ngay những điều này để phòng bệnh

Bình Nguyễn |

Theo Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) dịch sốt xuất huyết vẫn đang trong những tháng cao điểm nhất là ở các tỉnh phía Nam.

Cao điểm của dịch

Theo ghi nhận của Bộ Y tế đến ngày 18/8, cả nước có 130 nghìn người mắc sốt xuất huyết và đến nay có 16 người tử vong do sốt xuất huyết. Bệnh đang lan rộng tại các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên.

Nhiều người trẻ bị sốt xuất huyết nhưng chủ quan đến khi vào viện bệnh đã nặng khiến người bệnh tử vong nhanh chóng. Ví dụ như trường hợp của chị Vũ Lê T.H. 36 tuổi, Trảng Bom, Đồng Nai bị sốt mấy ngày nhưng chị H. chủ quan không đi viện mà tự ở nhà uống thuốc. Đến khi sức khỏe bất ổn, chị H. mới nhập viện cấp cứu. Chị H. nhập viện trong tình trạng choáng không hồi phục do xuất huyết nội, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu, chẩn đoán bị sốt xuất huyết.

Sau khi được bác sĩ cấp cứu theo phác đồ điều trị biến chứng sốt xuất huyết, chị H. đã không qua khỏi sau 2 ngày vào viện cấp cứu.

Đây không phải là trường hợp duy nhất tử vong nhanh chóng khi vào viện. Trước đó, nam sinh 15 tuổi ở TP.HCM cũng vào viện trong tình trạng xuất huyết tạng do biến chứng của sốt xuất huyết và sau đó bệnh nhân tử vong.

16 người chết vì sốt xuất huyết: Bỏ túi ngay những điều này để phòng bệnh - Ảnh 1.

Bệnh nhân sốt xuất huyết nằm điều trị.

Các bác sĩ cho rằng tình trạng người trẻ chủ quan do sốt xuất huyết còn rất nhiều. Bệnh sốt xuất huyết diễn biến khó lường đặc biệt là sau khi bị sốt mới xuất hiện biến chứng.

Tại Hà Nội, theo ông Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành phố này chưa ghi nhận số ca tử vong do sốt xuất huyết. Tuy nhiên, theo diễn biến thời tiết nắng nhiều, mưa lớn thì nguy cơ thành dịch sốt xuất huyết rất khó tránh khỏi. Năm 2017, Hà Nội đã bước qua mùa dịch sốt xuất huyết với hàng trăm nghìn người mắc.

Ông Hạnh cho biết hiện tại thành phố vẫn tập trung tuyên truyền để người dân hiểu về cơ chế gây bệnh sốt xuất huyết, tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường, tránh các vũng nước đọng để giảm nguy cơ sinh sản muỗi vằn là tác nhân truyền sốt xuất huyết.

Hàng năm vào tháng 8, tháng 9 đều được coi là đỉnh dịch sốt xuất huyết vì thế nhà chức trách y tế thủ đô khuyến cáo người dân nên tập trung phòng bệnh, khi có dấu hiệu sốt xuất huyết cần tới các cơ sở y tế để khám sàng lọc, điều trị kịp thời tránh biến chứng đáng tiếc do sốt xuất huyết gây ra.

Bị sốt xuất huyết uống thuốc gì?

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Kính –Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới trung ương sốt xuất huyết là bệnh do vi rút Dengeu gây nên. Vi rút này có 4 chủng Den 1, Den 2, Den 3, Den 4, tức mỗi người có nguy cơ mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời và bệnh không trừ một ai. Nếu bị muỗi đốt đặc biệt loại muỗi này thường đốt vào ban ngày, trời nhập nhoạng tối, trời sáng.

16 người chết vì sốt xuất huyết: Bỏ túi ngay những điều này để phòng bệnh - Ảnh 2.

Giáo sư Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới trung ương

Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh thường bị ốt thường kéo dài từ 2 - 7 ngày, trong những ngày đầu thường sốt rất cao, đến ngày thứ 5, thứ 6 sẽ giảm dần và hết sốt. Những trường hợp nặng do sốt xuất huyết phần lớn là do chủ quan khi biến chứng xảy ra người bệnh mới vào viện thì bệnh đã nặng.

Giáo sư Kính cho biết khi bị sốt xuất huyết tuyệt đối không sử dụng kháng sinh. Nhiều người cho rằng sử dụng kháng sinh sẽ tiêu diệt vi rút sốt xuất huyết nhưng quan niệm này là sai lầm. Ngoài ra, khi bị sốt xuất huyết cần sử dụng thuốc hạ sốt chỉ sử dụng nhóm hạ sốt có chứa thành phần paracetamol. Tổng liều không quá 60 mg/kg cân nặng trong 24 giờ. Bên cạnh đó, số lần uống là 4-5 lần/ngày, 5-6 giờ/lần. Nếu lạm dụng hạ sốt có thể gây hại cho gan thậm chí ngộ độc paracetamol.

Giáo sư Kính khuyến cáo không nên sử dụng thuốc hạ sốt Ibuprofen asprin vì thành phần của nhóm thuốc này làm cho tình trạng chảy máu trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.

Khi bị sốt từ 3 ngày trở lên kèm theo người bệnh có các dấu hiệu vật vã, li bì, người lừ đừ kèm theo đau vùng gan, nôn nhiều, tiểu ít, mệt mỏi, ăn kém, chân tay lạnh, xuất huyết niêm mạc... thì cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế. Đặc biệt trường hợp nôn ra máu, rong kinh- rong huyết, đi ngoài phân đen... là bệnh sốt xuất huyết đã nặng.

Bệnh sốt xuất huyết biến chứng nặng thường ở những người có bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp, bệnh nhân suy giảm miễn dịch, người già, phụ nữ có thai, trẻ nhỏ. Những người trong nhóm này việc điều trị sốt xuất huyết hết sức cẩn trọng và phải phối hợp điều trị với các bệnh lý mãn tính đi kèm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại