10 nghìn bước chân mỗi ngày: Những ai không nên thực hiện ?

Ngọc Anh |

Nghe thông tin về hành trình đi bộ 10 nghìn bước chân mỗi ngày, nhiều người nghĩ rằng điều đó là tốt nên cố gắng đi đủ. Tuy nhiên, không ít người "gặp hoạ" từ cố gắng này.

Tràn dịch khớp gối vì chăm đi bộ

Bà Phạm Thị Y., 53 tuổi, Hà Nội hai tuần nay không thể đi ra khỏi nhà vì đau khớp gối. Bà Y. kể có tiền sử thoái hoá đốt sống cổ nên bà vẫn chăm chỉ luyện tập nhẹ ở nhà. Thời gian gần đây, nghe nhiều người nói về cố gắng đi đủ 10 nghìn bước chân mỗi ngày cải thiện sức khoẻ. 

Bà Y. về nhà nhờ con cái cài app để xem số lượng bước đi mỗi ngày của mình. Ngày nào, đi chưa đủ 10 nghìn bước chân là bà Y. cả tối loanh quanh nhiều vòng khu đô thị bà đang ở.

Tuy nhiên, hành trình đi bộ của bà Y. chưa kéo dài được 2 tuần, bà thấy đầu gối bắt đâu tê đau. Ban đầu chỉ là ngồi xuống không đứng lên được mỗi lần đứng lên phải vịn vào bàn ghế. Việc đi lại rất khó khăn. Bà Y. nghĩ chắc do mới vận động nên như thế. Không ngờ, về nhà tình trạng đau ngày càng tăng. Bà Y. tới bệnh viện khám, bác sĩ siêu âm khớp gối và chẩn đoán tràn dịch khớp gối nặng và phải kiêng vận động đi lại.

10 nghìn bước chân mỗi ngày: Những ai không nên thực hiện ? - Ảnh 1.

Đi bộ gây tràn dịch khớp gối

Sau hơn 2 tuần chỉ ăn, ngồi một chỗ nhưng chân bà Y. vẫn rất đau. Bà Y đã được nẹp gối và uống 1 phần thuốc giảm đau.

Trường hợp ông Hoàng Văn Mâu – 76 tuổi, Long Biên, Hà Nội cũng tương tự. Ông Mâu sau chuyến di lịch Singapore và Malaixia về nhà ông Mâu bị tràn dịch khớp gối phải treo chân ở nhà. Ông Mâu cũng được bác sĩ cho biết rằng ông đi bộ nhiều quá dẫn tới tràn dịch khớp gối. Sau hai tuần nghỉ ngơi không tiêu hết dịch, ông Mâu phải vào viện hút dịch.

Đi bộ ảnh hưởng tới gối không?

TS Tăng Hà Nam Anh – Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chia sẻ đi bộ được coi là một hoạt động thể dục thể thao an toàn và ít ảnh hưởng đến sức khỏe người tập, mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên đi bộ lại không phải dành cho tất cả mọi người.

TS Nam Anh cho rằng bình thường tế bào sụn khớp được nuôi dưỡng bằng chính dịch khớp được tiết ra từ màng bao khớp. Khi cơ thể vận động, dịch khớp được lớp sụn hút vào hay đẩy ra khỏi chất sụn.

10 nghìn bước chân mỗi ngày: Những ai không nên thực hiện ? - Ảnh 2.

Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh

Dịch khớp chứa chất dinh dưỡng để nuôi sụn khớp đồng thời có tác dụng bôi trơn khớp. Về sinh lý, dịch khớp không thể khô như người ta vẫn quảng cáo "khô dịch khớp" mà đôi khi dịch khớp được tiết nhiều hơn bình thường gây ra tràn dịch khớp gối như chúng ta hay thấy trong các trường hợp thoái hoá khớp nặng.

Khi vận động dịch khớp luân chuyển và đem theo chất dinh dưỡng nuôi tế bào sụn khớp. Trường hợp dịch khớp không được luân chuyển thì lớp tế bào sụn không được nuôi dưỡng và lâu dầu chúng chết nhanh hơn.

Tuy nhiên nếu vận động quá mức của khớp làm tăng áp lực lên các tế bào sụn khớp và khiến nó chết nhanh hơn. Có một nghiên cứu họ đo áp suất tác động lên các tế bào sụn khớp gối của các vận động viên chạy đua maratong và sau khi thực hiện cuộc chạy kết quả có sự tăng áp lực lên các tế bào sụn khớp gối.

Chính vì thế, việc đi bộ nhiều sẽ làm cho lớp sụn mau bị hư.

Dấu hiệu cảnh báo lớp sụn bị quá tải là tình trạng đau và mỏi gối khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi. Chính vì thế, TS Nam Anh cho rằng không nên giới hạn khoảng thời gian nhất định đi bộ là điều khó có thể áp dụng cho tất cả mọi người vì nó còn liên quan đến nhiều yếu tố như đi nhanh hay chậm, người đi bộ nặng hay nhẹ cân, tình trạng sụn khớp trước khi đi bộ hư nhiều ít hay còn tốt, mặt sân đi bộ như thế nào (đi trên cát, đi trên sân xi măng hay vỉa hè, đi trên sân tổng hợp sẽ khác nhau vì phản lực dội lên gối sẽ không như nhau khi đi bộ), các cơ vùng gối và háng ra sao...

Đi bộ được coi là một hoạt động thể dục thể thao an toàn và ít ảnh hưởng đến sức khỏe người tập, mang lại nhiều lợi ích. Nhưng người bị đau gối thì có thể đổi phương pháp tập khác thay cho đi bộ hoặc đôi khi phải nghỉ tập một thời gian cho khỏi chấn thương.

Nếu tình trạng không nghiêm trọng thì cần tuân thủ hướng dẫn đi bộ an toàn từ giày dép hay tất chân, làm mạnh các cơ quanh đầu gối và làm tăng tính mềm dẻo linh hoạt có thể giúp bạn bỏ được sức ép và giảm đau ở khớp. Khi đi bộ nên bắt đầu bằng đi chậm, khởi động tăng dần và nên đi vào ban ngày khi cảm giác đau ở gối ít hơn và đi đoạn đường ngắn trước thay vì vội vàng đi cho đủ số bước chân, thời gian. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại