10 năm - 1,2 tỷ và “trái ngọt” muộn mằn

Huyền Anh |

10 năm “tìm con” của anh chị đã tiêu tốn khoảng 1,2 tỷ đồng nhưng với anh chẳng có tiền nào quý hơn “báu vật” mà vợ chồng anh đang được nuôi nấng, bế bồng.

Đây là những tâm sự được cất kỹ từ bao lâu nay được anh Phạm Văn Thuỵ (Hải Dương) chia sẻ tại lễ kỷ niệm 6 năm thành lập khoa Hỗ trợ sinh sản (2012 – 2018) Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội diễn ra ngày 18/8.

38 tuổi, bé con trên tay, người đàn ông đã trải qua hành trình dài kiếm tìm con không giấu nổi niềm hạnh phúc.

Anh bảo “nhiều lúc vẫn không tin dù là sự thật” bởi theo như anh kể, hành trình “tìm con” của hai anh chị đằng đẵng tới 10 năm trời. Đó là những tháng ngày vui, buồn với không ít những lần rơi nước mắt đau khổ, bế tắc.

Tại đây, các bác sĩ cho vợ chồng anh làm tất cả các xét nghiệm. Nhận kết quả hoàn toàn bình thường, vợ chồng “yên tâm” “sản xuất” tiếp.

Một tháng, hai tháng sau, càng chờ càng…chẳng thấy. “Lấy nhau từ năm 2008, giống như bao cặp vợ chồng khác họ cũng mong muốn trong nhà có tiếng cười trẻ thơ.

6 tháng không có tin vui, vợ chồng tôi lên Hà Nội khám ngay”, anh Thụy kể lại.

“Tôi cũng không ngờ sau đó là những tháng ngày đằng đẵng. Bắt đầu từ uống thuốc nam rồi đến thuốc bắc.

Thôi thì đủ cả, ai mách ở đâu có thầy giỏi là vợ chồng lại dắt díu nhau đi từ Bắc tới Nam. Cơm có thể không nấu chứ thuốc thì không thể quên. Hai ấm sắc thuốc với những chồng thuốc cao ngất lúc nào cũng sẵn sàng”, anh Thụy chia sẻ.

Đông Tây y kết hợp, anh chị không chỉ uống thuốc nam mà còn kết hợp cả Tây y vì thế anh bảo “cũng không nhớ mình vợ chồng anh đến khám bao nhiêu bác sĩ, đi đến bao nhiêu phòng khám, bệnh viện. Chuyện 2- 3h sáng vợ chồng chở nhau đi bằng xe máy lên Hà Nội như cơm bữa. Những ngày ấy, vợ chồng không may một bộ quần áo suốt 3 năm để có tiền đi chữa bệnh”.

Sau hành trình dài, anh chị cũng có thai. Nhưng cả hai lần mang thai chị đều bị chửa ngoài dạ con. Một lần phải cắt một bên vòi trứng. Khả năng có con tự nhiên cứ thu hẹp dần.

“Tuổi hai vợ chồng không còn trẻ nữa, chúng tôi quyết định dùng đến phương pháp “nhân tạo”.

Theo đó chúng tôi thực hiện hai lần lần bơm tinh trùng vào tử cung, hai lần kích kích trứng làm thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng 6 lần chuyển phôi đều thất bại. Thất vọng đến tột cùng”, anh Thụy rơm rớm nước mắt nhớ lại.

Trước thực tế phũ phàng, vợ anh Thụy đề nghị li hôn. Khi ấy là năm 2015. “Cô ấy đề nghị chia tay chỉ vì mong muốn tôi có con chứ không vì hết thương nhau.

Tôi buồn một thì xót cô ấy mười. Chúng tôi đã thảo luận rất nhiều và quyết định … thôi không có con cũng được, cứ ở vậy với nhau. Âu cũng là cái số” anh Thụy nói. ,

Tự an ủi là vậy, nhưng nhìn thấy gia đình khác con bồng cháu bé, tràn đầy tiếng cười, vợ chồng anh lại quyết tâm đi chữa để tìm con tiếp.

Tháng 8/2016, theo lời giới thiệu vợ chồng anh đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Bác sĩ tiếp tục chỉ định hai vợ chồng làm thụ tinh trong ống nghiệm.

7 phôi khi giã đông chỉ còn được một phôi, bác sĩ vẫn quyết định chuyển vào tử cung người mẹ dù biết khó. Lúc đó, chị Hà (vợ anh Thụy) muốn khóc mà không khóc được.

Từ viện về nhà 70 km nhưng chị không về và xin đăng ký ở lại đợi 12 ngày đi xét nghiệm máu.

Chị vẫn nhớ như in sáng sáng ngày hôm đó đã mua que thử thai trước không thấy lên vạch, trong lòng chị đã nghĩ lần nay lại thất bại tiếp.

“Lúc đó, mọi người thường sẽ đi thang máy từ tầng 4 xuống tầng 1 để lấy máu xét nghiệm. Tôi nghĩ mình lại thất bại rồi nên đi bộ, vừa đi vừa dơ chân bước mạnh cho khuây khỏa”, chị Hà kể lại.

10h có kết quả, chị nhờ mẹ xuống lấy còn bản thân chuẩn bị sẵn quần áo để ra về.

Thế nhưng điều chờ đợi chị không phải ánh mắt buồn thiu hay lời an ủi từ mẹ mà nụ cười, bà la lên “Con ơi, con có thai rồi”. Hai mẹ con nhìn nhau khóc vì mừng.

Có thai rồi, chị không dám về nhà mà xin ở lại viện phòng khi có sự cố. Sau 4 tháng thai ổn định, chị được ra viện. Hành trình mang bầu của chị cũng không hề suôn sẻ như những phụ nữ khác.

Đến tuần thai thứ 29 chị xin chuyển sang Bệnh viện Phụ Sản Trung ương theo dõi. Từ tuần 28 siêu âm chị luôn trong tình trạng ít ối, ra máu, dọa sinh non.

Các bác sĩ cố gắng giữ cho bé đến tuần 35 thì chị vỡ ối, phải mổ sớm. Nghe được tiếng khóc của con, nhìn thấy con, nước mắt chị cứ thế rơi. Sau bao căng thẳng, áp lưc hai bên, cuối cùng vợ chồng chị cũng đã có con.

Bé được chăm sóc đặc biệt 20 ngày sau đó được về với bố mẹ. Giờ đây cô bé đã được 10 tháng tuổi. Anh Thụy cũng chia sẻ, “10 năm “tìm con” của anh chị đã tiêu tốn khoảng 1,2 tỷ đồng nhưng với anh chẳng có tiền nào quý hơn “báu vật” mà vợ chồng anh đang được nuôi nấng, bế bồng”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại