1 dấu hiệu nếu xuất hiện vào ban đêm có thể cảnh báo thận gặp vấn đề, cần đi khám ngay!

Ngọc Minh |

Thận có vai trò lọc máu, loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Do vậy, thói quen đi tiểu bất thường có thể cảnh báo thận đang có vấn đề.

Khoảng một tháng nay, anh Nguyễn Văn Tân (35 tuổi, Phú Thọ) thường thức dậy đi tiểu 3-4 lần vào ban đêm và có cảm giác đi tiểu chưa hết. Mỗi lần anh Tân đi tiểu, nước thường có màu trong, không vàng. Để giảm tình trạng tiểu đêm, anh Tân không uống nước 2 giờ trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, tình trạng tiểu đêm của anh Tân không được cải thiện. Anh rất lo lắng.

Với trường hợp của anh Tân, BSCKI Nguyễn Thị Viên, Trung tâm Thận - Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, khuyên nên tới các cơ sở chuyên khoa để được thăm khám và tìm nguyên nhân. Việc đi tiểu đêm nhiều lần có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề liên quan tới chức năng hoạt động của thận.

1 dấu hiệu nếu xuất hiện vào ban đêm có thể cảnh báo thận gặp vấn đề, cần đi khám ngay!- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tiểu đêm - khi nào cần đi khám?

Tiểu đêm là tình trạng người bệnh thường xuyên thức giấc nhiều hơn 1 lần để đi tiểu. Tỷ lệ mắc bệnh tăng dần theo độ tuổi, đặc biệt là ở người trên 50 tuổi. Tiểu đêm có thể mắc ở cả hai giới và mắc cao ở người lớn tuổi.

BSCKI Nguyễn Thị Viên cho hay vào bao đêm, thận có chức năng cô đặc nước tiểu để có thể chứa đủ trong bàng quang. Điều này giúp cho con người không phải thức dậy đi tiểu vào ban đêm.

Chức năng cô đặc nước tiểu cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, từ thần kinh, nội tiết, thận và bàng quang. Bất kỳ bất thường nào ở các cơ quan trên đều có thể gây ra chứng tiểu đêm.

Bác sĩ Viên lưu ý nếu thức dậy đi tiểu nhiều hơn 1 lần trong đêm, bạn nên nhanh chóng đi khám. Đây có thể là triệu chứng ban đầu của bệnh lý ở thận hoặc một số vấn đề về chức năng sinh lý.

Theo Hội niệu khoa của Châu Âu, nguyên nhân gây ra tiểu đêm gồm có 3 nhóm nguyên nhân:

- Mất ngủ: Rối loạn giấc ngủ được cho là nguyên nhân gây ra chứng tiểu đêm.

- Đa niệu về đêm: Bệnh nhân mắc phải chứng bệnh này sẽ đi tiểu về đêm nhiều hơn mức bình thường.

- Giảm dung tích, chức năng của bàng quang: Bàng quang tăng hoạt, u phì đại tuyến tiền liệt, bệnh lý bàng quang thần kinh, nhiễm khuẩn tiết niệu, u tiết niệu, u bàng quang, sỏi tiết niệu… cũng có thể là nguyên nhân gây tiểu nhiều về đêm.

Theo bác sĩ Viên, chứng tiểu đêm có tỷ lệ mắc cao trong dân số nhưng bệnh nhân lại thường ít đi khám. Nhiều người cho rằng tiểu đêm là do tuổi tác hoặc tin rằng chứng tiểu đêm không thể điều trị được hoặc điều trị tốn kém.

Người có chứng tiểu đêm nếu không được điều trị có thể gây ra mất ngủ, suy mòn sức khỏe, giảm sức đề kháng, rối loạn tâm thần cho người bệnh (do mất ngủ). Ở nhóm người cao tuổi có thể làm tăng nguy cơ trượt gã do bệnh nhân mất ngủ phải đi tiểu về ban đêm.

Theo bác sĩ Viên, một số nghiên cứu cũng chỉ ra chứng tiểu đêm có thể làm gia tăng nguy cơ đột quỵ cao hơn gấp 1,5 lần ở người không có chứng tiểu đêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại