1 bộ phận của lợn bị gắn mác oan là "độc": Vitamin A cao gấp 600 lần thịt lợn, chất đạm và sắt đều hơn

Ngọc Minh |

Gan là cơ quan chịu trách nhiệm thải độc cho cơ thể động vật. Do vậy, nhiều người cho rằng ăn gan động vật sẽ không khác gì ăn chất độc. Vậy thông tin này có đúng hay không?

Thực hư thông tin "ăn gan động vật không khác gì ăn chất độc"

Theo bác sĩ Lê Văn Thiệu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương, nhiều người đang hiểu sai và gắn mác oan cho gan động vật. Gan là cơ quan giúp giải độc. Nhưng chất độc không tập trung tích lũy trong gan mà là khi đi qua gan sẽ được gan giữ lại để chuyển thành chất không độc, sau đó được chuyển tiếp ra ngoài gan và ra khỏi cơ thể. Do vậy, không có chuyện ăn gan động vật là ăn chất độc.

Ngược lại gan động vật là cơ quan rất giàu dưỡng chất. Qua phân tích của Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, trong 100g gan lợn có tới 18.8g chất đạm, 3.6g chất béo, 300mg cholesterol, 6.000mcg vitamin A, 12g sắt. Trong khi đó, 100g thịt lợn nửa nạc nửa mỡ lại chứa lượng đạm thấp hơn so với gan lợn với 16.5g, chất béo 21.5g, 10mcg vitamin A, sắt 1.91mg…

1 bộ phận của lợn bị gắn mác oan là

Gan lợn (ảnh minh họa).

Gan lợn cũng được cho biết tới là có hàm lượng chất đạm, sắt cao hơn gan gà, gan vịt. Trong khi đó, lượng cholesterol trong gan lợn thấp hơn so với gan gà và gan vịt, cụ thể như sau:

Trong 100g gan gà có: 18.2g chất đạm, 3.4g chất béo, 440mg cholesterol, 6960mcg vitamin A, 8.2g sắt.

Trong 100g gan vịt có: 17.1g đạm, 4.7 g chất béo, 400mg cholesterol, 2960mcg vitamin A, 4.8g sắt.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, gan có tác dụng cung cấp sắt để chống tình trạng thiếu máu, thiếu sắt. Đây là loại thực phẩm rất tốt cho trẻ em, phụ nữ mang thai cũng như phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ. Gan cũng cung cấp nhiều vitamin A có tác dụng bổ mắt, tăng cường sức đề kháng và tăng trưởng ở trẻ em.

Bác sĩ Thiệu cũng cho biết gan động vật là tạng chứa nhiều chất đạm và sắt nhất. Ăn gan động vật không hề độc mà còn bổ sung sắt rất tốt cho trẻ em bị thiếu máu và suy dinh dưỡng. Như vậy ăn gan động vật vừa phải sẽ tốt cho sức khỏe chứ không gây độc.

Tuy nhiên, trong gan có hàm lượng cholesterol cao, trong 100g gan lợn có 300mg cholesterol do vậy mọi người cần phải lưu ý khi ăn. Đặc biệt, người cao tuổi, người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa như tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh gút, bệnh thận, người thừa cân - béo phì... cần phải hạn chế ăn gan.

1 bộ phận của lợn bị gắn mác oan là

Bác sĩ Lê Văn Thiệu.

Bác sĩ Thiệu cho biết, gan lợn có thể bị nhiễm bệnh, nhiễm ký sinh trùng do vậy cần phải lưu ý khi chọn mua gan. Gan của con lợn khỏe mạnh không bệnh thường có có màu đỏ sẫm tươi, không có nốt sần trên mặt gan.

Khi mua gan về, người dân cần lưu ý nên cắt lát mỏng, rửa sạch bằng nước lạnh rồi lấy giấy ăn thấm khô. Cách làm đơn giản này vừa giúp loại bỏ máu ứ trong gan, vừa giúp giữ lại các tế bào gan giàu chất dinh dưỡng.

Cuối cùng bác sĩ Thiệu lưu ý: "Mọi người chỉ nên ăn gan động vật với lượng vừa phải, mỗi tuần ăn 2 - 3 lần, mỗi lần ăn 50-70g đối với người lớn, còn trẻ em chỉ ăn 30-50g/bữa".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại