Dưới đây là những mẫu phi cơ bị lãng quên mà Mỹ từng chế tạo vì những lý do khác nhau.
Bell P-59 Airacomet
Bell P-59 Airacomet.
Bell P-59 Airacomet là nỗ lực chế tạo máy bay chiến đấu phản lực đầu tiên của Mỹ. Tuy nhiên, so với các máy bay cùng chủng loại như Gloster Meteor của Anh hay Messerschmitt Me-262, P-59 là một sản phẩm thất bại.
Trong các cuộc thử nghiệm cùng với các máy bay Lockheed P-38 Lightning, Republic P-47 Thunderbolt và một máy bay Zero của Nhật Bản, F-59 không hề vượt trội so với các loại tiêm kích động cơ cánh quạt vào thời điểm đó.
Thậm chí các máy bay bình thường đôi khi còn nhanh hơn F-59. Tốc độ tối đa của P-59 chỉ là 660 km/giờ, ngang bằng với máy bay P-38. Cuối cùng P-59 chỉ được sử dụng với mục đích thử nghiệm, nhưng nó đã đặt nền móng cho những loại máy bay thành công hơn sau này.
Vought F7U Cutlass
Vought F7U Cutlass.
Ban đầu Hải quân Mỹ đã gặp nhiều khó khăn để có những chiếc máy bay hoạt động trên tàu sân bay. Một trong những mẫu máy bay đầu tiên mà họ có là Vought F7U Cutlass.
Hai động cơ Westinghouse J46-WE-8B của máy bay tỏ ra rất yếu kém, không những vậy hệ thống thủy lực của máy bay cũng gặp nhiều vấn đề kỹ thuật.
Theo Đô đốc Hải quân Mỹ nổi tiếng Edward Lewis Feightner, máy bay Cutlass tệ đến mức ông đã từng đệ đơn từ chức ngay khi cấp trên thông báo cho ông rằng phi đội của ông sẽ sử dụng máy bay này.
Grumman F-11 Tiger
Máy bay Grumman F-11 Tiger.
Hãng Grumman nổi tiếng với những loại máy bay tốt nhất được Hải quân Mỹ sử dụng, nhưng F-11 Tiger lại là một sản phẩm đáng quên của hãng.
Thực tế, F-11 là một trong số ít máy bay trong lịch sử bị bắn rơi bởi chính vũ khí của mình. Trong một lần bay thử, máy bay đã va vào luồng đạn súng máy mà nó đã bắn đi từ trước đó.
Vấn đề của F-11 chủ yếu không nằm ở thiết kế. Động cơ Wright J65-W-14 có độ tin cậy thấp và tiêu tốn nhiều nhiên liệu. Do đó, Hải quân Mỹ tỏ ra không hài lòng với chiếc Tiger.
Các máy bay hoạt động trên biển cần phải có tầm hoạt động xa và có động cơ chống chịu với điều kiện thời tiết biển khắc nghiệt. Cuối cùng, máy bay Tiger chỉ hoạt động 13 năm trong quân đội.
Convair F-102 Delta Dagger
Máy bay Convair F-102 Delta Dagger.
Convair F-102 Delta Dagger ban đầu được thiết kế để có thể đạt vận tốc lớn cũng như bay lên độ cao vượt trội nhằm tiêu diệt các oanh tạc cơ của Liên Xô trong trường hợp Chiến tranh Lạnh chuyển biến xấu.
Máy bay được trang bị động cơ Pratt & Whitney J57-P-25, cùng hệ thống khai hỏa hiện đại và một khoang chứa vũ khí bên trong thân máy bay. Các nhà thiết kế tin rằng máy bay sẽ trở thành một mẫu phi cơ rất đáng chú ý.
Nhưng đến khi bay thử, máy bay không thể vượt qua vận tốc Mach 1,0. Nguyên nhân là bởi thiết kế sai lầm khiến máy bay gặp phải sức cản không khí lớn và tốc độ bị kìm hãm.
Sau đó, phiên bản cải tiến F-102 có thể đạt đến tốc độ Mach 1,22; nhưng máy bay không được như mong đợi của các nhà thiết kế. Nó được thiết kế lại nhiều lần sau đó và trở thành hình mẫu để phát triển máy bay F-106 Delta Dart.
Máy bay tiêm kích F-35
Máy bay chiến đấu Lockheed Martin F-35 không phải là loại máy bay tồi, tuy nhiên thời gian chế tạo của nó dài hơn, tốn nhiều ngân sách hơn so với kế hoạch ban đầu và nhiều khả năng nó sẽ không có những tính năng mà các nhà thiết kế từng đề cập đến.
F-35 là một loại máy bay được thiết kế nhằm thay thế tất cả các loại máy bay chuyên dụng đã cũ của Mỹ, và kết quả là máy bay này có thể sẽ không có những điểm nổi trội.
Hơn nữa, những yêu cầu đối với F-35 được đặt ra vào thời điểm hiểm họa mà Mỹ phải đương đấu vẫn chưa xác định rõ. Lúc đó, chính phủ Mỹ tin rằng máy bay sẽ hoạt động trong những cuộc chiến nhỏ như ở Syria hay Iraq, bởi lúc này Liên Xô đã tan rã.
Tuy nhiên họ không ngờ đến sự phát triển của quân đội Trung Quốc cũng như các hoạt động thiết lập vùng phòng không của nước này.
Giờ đây, nhiều chuyên gia lo ngại rằng máy bay sẽ không thể đáp ứng những nhu cầu của các nước ở phía Tây Thái Bình Dương nhằm chống lại các hoạt động của Trung Quốc.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.