Coi đặc công VN như lực lượng đặc biệt hàng đầu thế giới là hơi chủ quan!

Phạm Viễn Thông - Edwin Lee |

Thật vậy, nên xếp đặc công vào nhóm các lực lượng đặc biệt hàng đầu thì sẽ hợp lý hơn. Về lý do thì có rất nhiều, nhưng tóm lại gồm một vài ý chính sau đây.

LTS: Như đã công bố, 2 bạn Phạm Viễn Thông và Edwin Lee đã xuất sắc giành giải thưởng lớn kỷ lục trong câu hỏi thảo luận "Đặc công Việt Nam có phải là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ hàng đầu thế giới?" với những bình luận xuất sắc.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc 2 bài bình luận này để thêm hiểu và thêm yêu Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung và Bộ đội Đặc công nói riêng - Lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, luôn xứng đáng với truyền thống "Bí mật - Bất ngờ - Luồn sâu - Đánh hiểm".

 

ĐẶC CÔNG VN CÓ THỂ SÁNH NGANG CÙNG CÁC LỰC LƯỢNG TINH NHUỆ NỔI TIẾNG THẾ GIỚI

Nếu như muốn đánh giá vị trí của Lực lượng Đặc công Việt Nam ở đâu trên bản đồ thế giới! Nhất thiết việc tìm hiểu này, phải đi qua từng khía cạnh cụ thể sau.

Thành tích - hiệu suất chiến đấu

Việc xét trên khía cạnh này phải tìm hiểu qua những chiến công mà lực lượng lập được qua các cuộc chiến tranh. Nếu như nhiều người đem so sánh với thành tích mà những lực lượng đặc nhiệm nổi tiếng khác trên thế giới lập được thì có phần hơi khập khiễng.

Ví dụ như lực lượng SEAL của Mỹ, chỉ bằng việc tiêu diệt được trùm khủng bố Osama bin Laden, mà đánh giá cao lực lượng này, liệu có hơi quá?

Nhiều người chưa nhận thức rõ rằng, trong nhiệm vụ tiêu diệt trùm khủng bố khét tiếng này, chiến công lớn nhất phải thuộc về lực lượng tình báo Mỹ, khi đã ròng rã lần theo dấu vết suốt nhiều năm của Bin Laden, rồi chỉ điểm chính xác mục tiêu cho quân đội Mỹ.

Tuy rằng việc đột kích vào biên giới Pakistant là bí mật, nhưng không phải là một áp lực quá lớn khi nước này là đồng minh của Mỹ. Nơi mà trùm khủng bố ở cũng không phải là một căn cứ được vũ trang mạnh, mà chỉ có ít tay súng cận vệ.

Lính biệt kích Mỹ đã được huấn luyện việc tấn công vào nơi ẩn nấp, qua một mô hình giả định tương tự. Dĩ nhiên, việc đột kích vào một dinh thự, mà không vấp phải nhiều sự kháng cự, là một điều không quá ghê ghớm với các lực lượng đặc nhiệm.

Và họ cũng chỉ thu được xác, chứ không thể bắt sống được Bin Laden, khi ông này không hề chống trả.

Nhưng thành tích này cũng không thể xóa đi hết những thất bại cay đắng của lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ.

Chắc không ít người biết đến Vụ Tập kích Sơn Tây, cũng với những thủ đoạn phần nhiều giống với nhiệm vụ ở trên, nhưng biệt kích Mỹ đã chẳng làm được gì ở Việt Nam, mà còn ra tay giết hại những người dân Việt Nam vô tội.

Lực lượng đặc nhiệm Mỹ nói riêng, và các lực lượng tương tự khác trên thế giới, qua con mắt của nhiều người bình thường bị ảnh hưởng bởi các phương tiện tuyên truyền, thì những lực lượng này được tuyển chọn - huấn luyện rất kỹ càng – khắt khe.

Thậm chí có phần rườm rà, và chi phí đào tạo để một lính đặc nhiệm “ra lò” là không hề rẻ. Họ còn được trang bị những thứ vũ khí tối tân và cực kỳ đắt đỏ.

Ngoài ra, để hỗ trợ họ hoàn thành một nhiệm vụ là cả một sự phối hợp rất phức tạp của nhiều lực lượng – cơ quan khác nhau. Nói tóm lại, ở hầu hết các nước, việc đầu tư cho lực lượng này cực kỳ tốn kém, nhưng hiệu quả mang lại thì cũng khó mà nói trước.


Bộ đội đặc công huấn luyện chiến thuật. Ảnh: QĐND.

Bộ đội đặc công huấn luyện chiến thuật. Ảnh: QĐND.

Khi phải đương đầu với những kẻ thù sừng sỏ, Lực lượng Đặc công của chúng ta không được trang bị đầy đủ hay hiện đại như đối phương, kỹ chiến thuật cũng không được huấn luyện quá cầu kỳ mà xây dựng từ kinh nghiệm thực tế chiến đấu.

Tuy nhiên, với những vũ khí đơn giản và lối đánh sáng tạo – hiệu quả, mà Đặc công Việt Nam đã lập được những chiến công vang dội tưởng chừng như không thể, khiến những kẻ thù lớn mạnh hơn gấp nhiều lần phải khiếp sợ.

Trong đó phải kể đến như Vụ đánh chìm tàu chở dầu USS Noxubee trọng tải 15.000 tấn của Mỹ, trong khi nhiều tờ báo quốc tế lớn phải đặt câu hỏi:

“Bằng cách gì mà Việt cộng có thể thâm nhập, cài đặt mìn vào tàu khi mà rađa trên tàu quét 24/24h và thiết bị theo dõi của tàu có thể nhìn thấy từng con cá đang bơi dưới biển, trong điều kiện sóng to gió lớn như vậy?”.

Hay như trận đánh Tổng kho Long Bình, là một kho hậu cần với quy mô rất lớn tầm cỡ châu lục, được bảo vệ nghiêm ngặt tưởng chừng như bất khả xâm phạm, nhưng chỉ với những vũ khí tự tạo, cùng vài chiến sĩ Đặc công, cộng với lối đánh mưu trí – táo bạo – dũng cảm, đã gây ra thiệt hại đáng kể cho địch.

Đặc biệt trong Cuộc Tổng Tiến công Nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, lực lượng Đặc công, trong đó phải kể đến lực lượng Đặc công Biệt Động, phối hợp cùng với các lực lượng khác, đã tiến hành đột kích, đánh chiếm, tấn công nhiều mục tiêu trọng yếu ngay trong lòng địch, khiến cho hàng ngũ địch rơi vào trạng thái hỗn loạn, gây cho chúng nhiều thiệt hại nặng nề về phương tiện và sinh lực.

Trong nhiệm vụ chống gián điệp – biệt kích địch phá hoại ở các vùng rừng núi, Đặc công Việt Nam với lối đánh quyết liệt - không khoan nhượng, và đặc biệt là không bắt tù binh, đã khiến cho biệt kích Mỹ rất ngao ngán khi phải giáp mặt.

Khi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nổ ra, các lực lượng Đặc công của ta đã thực hiện các đòn tiến công hiệu quả và chặn đứng – đẩy lùi các đợt tiến công theo kiểu "lấy thịt đè người" của địch.

Thậm chí có chiến công phá hủy 1 hệ thống radar Cymbeline rất đắt tiền và hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ của đối phương.

Đây được ví như một tác phẩm kinh điển về nghệ thuật tập kích và phải khiến Lãnh đạo cao cấp nhất của đối phương phải thốt lên rằng: “Đặc công Việt Nam ghê gớm vậy sao?”.

Nhưng những chiến công kể trên mới chỉ là một phần nhỏ, trong vô số những chiến công vẻ vang khác mà Đặc công Việt Nam lập được.

Điều này cho thấy, xét về thành tích chiến đấu, lực lượng Đặc công của chúng ta tuy không hề được đầu tư quá nhiều như những lực lượng khác trên thế giới, nhưng cũng không hề thua kém, mà thậm chí có phần nổi trội hơn.

Chất lượng huấn luyện/ trình độ kỹ chiến thuật

Như đã đề cập ở trên, trong giai đoạn chiến tranh, trong điều kiện còn thiếu thốn về nhiều mặt, nhưng với sự mưu trí – sáng tạo – dũng cảm, bộ đội Đặc công của ta đã tự khắc phục được những khó khăn, lấy thực tế chiến trường để bồi đắp kinh nghiệm.

Đồng thời tự học hỏi - xây dựng nên những cách đánh độc đáo - mới lạ - hiệu quả, mà những lực lượng đặc nhiệm khác của địch với kinh nghiệm - trang bị và sự đầu tư kỹ lưỡng gấp nhiều lần vẫn không thể sánh bằng.

Thành tích chiến đấu lẫy lừng là minh chứng rõ ràng và cụ thể nhất cho chất lượng huấn luyện và trình độ kỹ chiến thuật của lực lượng Đặc công Việt Nam.

Trong thực tế, theo vài nguồn tin, thì một số lực lượng đặc nhiệm nổi tiếng thế giới như Alpha của Nga, hay Ó Đen của Cuba đã học tập mô hình huấn luyện của Việt Nam.

Các nước láng giềng như Lào và Campuchia cũng đều đặn cử học viên sang học tập ở Trường Sĩ quan Đặc công, đặc biệt trong nhiều đoạn video trên mạng giới thiệu về quá trình huấn luyện của nhiều lực lượng đặc nhiệm ở châu Phi và Đông Nam Á.

Trong đó có một số cảnh lực lượng đặc nhiệm của các nước này sử dụng những kỹ năng vận động - ngụy trang có một không hai của bộ đội Đặc công, chẳng hạn như Malaysia, Nicaragua v..v

Trong giai đoạn đất nước hòa bình, để Binh chủng thực sự trở nên “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại”, đặc biệt nhấn mạnh xây dựng lực lượng “tinh, gọn, mạnh”, Bộ đội Đặc công đã và đang không ngừng thay đổi về mọi mặt.

Đặc biệt nhấn mạnh việc xây dựng và đổi mới giáo trình huấn luyện sao cho sát với thực tế, bắt kịp với thực tiễn cùng xu thế chung của chiến tranh hiện đại.

Chất lượng huấn luyện được đầu tư không ngừng, xây dựng thao trường, trang bị huấn luyện đặc thù, huấn luyện toàn diện kết hợp với huấn luyện đồng bộ chuyên sâu sát với yêu cầu nhiệm vụ, nhằm sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu có hiệu suất cao.

Để huấn luyện được một chiến sĩ đặc công bộ với khả năng ngụy trang tài tình, hay một chiến sĩ đặc công nước có khả năng bơi lội cực tốt, hoặc một chiến sĩ đặc công biệt động vừa giỏi võ thuật vừa giỏi bắn súng, thì mỗi chiến sĩ sau khi được tuyển chọn qua quá trình sàng lọc kỹ càng – khắt khe về lý lịch – phẩm chất đạo đức – tố chất thể lực, được huấn luyện cực kỳ kỹ lưỡng - bài bản.

Không những được huấn luyện ở đơn vị mà còn được đưa đi huấn luyện thực hành – huấn luyện dã ngoại ở nhiều môi trường tác chiến đa dạng trên khắp cả nước, cùng với huấn luyện diễn tập phố hợp hiệp đồng quân binh chủng.

Ngoài ra, Binh chủng Đặc công còn tích cực học tập mô hình huấn luyện – nghệ thuật tác chiến của nhiều quốc gia khác, trong đó có việc cử nhiều chiến sĩ tham gia các khóa huấn luyện đặc nhiệm quốc tế.

Chính vì những lý do trên, mà xét trên khía cạnh này, thì chất lượng và trình độ tác chiến của lực lượng Đặc công Việt Nam hoàn toàn ngang ngửa, và xét trên một số yếu tố còn có phần nhỉnh hơn so với các lực lượng đặc nhiệm khác trên thế giới.


Đột kích giải cứu con tin. Ảnh QĐND.

Đột kích giải cứu con tin. Ảnh QĐND.

Đầu tư trang bị

Trong phần phân tích về khía cạnh Chất lượng huấn luyện và trình độ kỹ chiến thuật đã nêu, trải qua thời kỳ chiến tranh còn thiếu thốn về trang bị, nhưng với bản lĩnh chiến đấu xuất sắc, bộ đội Đặc công đã tự khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Sau khi hòa bình lập lại, với mục tiêu xây dựng lực lượng và bảo vệ Tổ quốc, Binh chủng đã liên tục cải tiến – chế tạo – mua sắm - thay thế những trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được đặt ra trong tình hình mới.

Xét về khía cạnh này, cần phân tích rõ hơn, vì trong suy nghĩ của nhiều người, lực lượng Đặc công của ta được trang bị khá lạc hậu, kém cạnh so với các lượng khác trên thế giới.

Chắc hẳn nhiều người chỉ nhìn qua những bức ảnh huấn luyện thực hành thường ngày của các chiến sĩ đặc công, với bộ quân phục đơn giản, cùng khẩu AKMS thường thấy, mà có cái nhìn chủ quan và đánh giá phiến diện về trang bị của lực lượng này thì khá sai lầm.

Vẫn biết trang bị truyền thống của Đặc công nhìn chung khá đơn giản, nhưng đối với mỗi yêu cầu nhiệm vụ khác nhau, mà trang bị của họ sẽ có sự thay đổi để phù hợp.

Còn những trang bị trong quá trình huấn luyện thường xuất hiện trên các phương tiện truyền thông chỉ là học cụ, thậm chí ở quân đội một số nước họ còn dùng cả học cụ giả bằng mô hình.

Là một lực lượng đặc biệt, dĩ nhiên cũng tương tự như các lực lượng khác trên thế giới, những trang bị của họ không thể nào được công khai tất cả, để mọi người có thể đánh giá một cách chi tiết và tường tận.

Thể hiện rõ nhất là trong giai đoạn chiến tranh, qua một số tư liệu có thể thấy, lực lượng đặc công được trang bị nhiều loại vũ khí đặc chủng, quân tư trang đặc biệt, phương tiện thiết bị chuyên dụng để thực hiện đột kích bí mật.

Để đánh giá khía cạnh này, thiết nghĩ cần suy rộng hơn để có một cái nhìn tường tận. Yếu tố trang bị tuy không thể xem thường, vì nhờ có nó mà một người lính đặc nhiệm mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nhưng nếu xét về yếu tố con người, thì một người lính đặc nhiệm, nếu không có bản lĩnh và ý chí chiến đấu tốt, cộng với kinh nghiệm tích lũy được trang bị qua quá trình huấn luyện và thực tế chiến đấu, thì yếu tố trang bị kỹ thuật xem như mất đi tính hiệu quả, thậm chí trở nên vô dụng.

Thực tế qua nhiều cuộc chiến cho thấy, lực lượng đặc nhiệm của nhiều nước, được đầu tư trang bị những khí tài – phương tiện đắt tiền, thậm chí được huấn luyện kỹ lưỡng, được yểm trợ - hỗ trợ từ nhiều mặt – nhiều phía, nhưng chỉ cần gặp phải những tình huống tréo ngoe, thậm chí là dở khóc dở cười, mà họ trở nên bị động và lúng túng, dẫn đến kết cục chuốc lấy thất bại thảm hại, mặc dù chiếm ưu thế gấp nhiều lần so với đối phương.

Từ đó cho thấy, không thể nhìn vào trang bị, hay cụ thể hơn là “vẻ bề ngoài” của một lính đặc nhiệm, như nhiều người thường xem trên các phương tiện truyền thông, mà có thể đánh giá được khả năng - trình độ chiến đấu và vị trí của của họ ở đâu trên thế giới.

Và cũng căn cứ trên khía cạnh này cùng những phân tích ở trên có thể khẳng định rằng lực lượng Đặc công của ta không hề lép vế so với bất kỳ lực lượng đặc nhiệm nào khác về mặt trang bị.

Đẳng cấp của đặc công Việt Nam đang ở đâu?

Cuối cùng, để xét về đẳng cấp của một lực lượng đặc nhiệm, yếu tố quan trọng nhất cần phải đánh giá trước tiên là hiệu quả chiến đấu, kế đến mới xét tới yếu tố huấn luyện và cuối cùng là đầu tư trang bị.

Vì vậy có thể khẳng định, Bộ đội Đặc công Việt Nam với bề dày thành tích chiến đấu vẻ vang, cùng kinh nghiệm tích lũy được qua các cuộc chiến tranh giành độc lập – thống nhất – bảo vệ Tổ quốc, cộng với sự đầu tư không ngừng về con người và vật chất, thì Đặc công của ta có thể tự hào để sánh ngang cùng các lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nổi tiếng khác trên khắp thế giới.

Phạm Viễn Thông

 

GỌI ĐẶC CÔNG VIỆT NAM LÀ LỰC LƯỢNG ĐẶC BIỆT HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI LÀ HƠI CHỦ QUAN

Gọi đặc công VN là lực lượng đặc biệt hàng đầu thế giới là hơi chủ quan! Thật vậy, nên xếp đặc công vào nhóm các lực lượng đặc biệt hàng đầu thì sẽ hợp lý hơn. Về lý do thì có rất nhiều, nhưng tóm lại gồm một vài ý chính sau đây. 

1. Trình độ tác chiến cao 
Lực lượng đặc công chuyên thực hiện các trận đánh ngay trong lòng địch, cũng như ở khu vực hậu phương. Điều này đòi hỏi trình độ rất cao của từng chiến đấu viên, vì họ phải hoạt động ngay giữa "sân nhà" của địch.

Những kỹ năng sinh tồn trong thiên nhiên, cũng như khả năng ẩn nấp, chiến đấu và tập kích bất ngờ đều là bắt buộc với các lực lượng đặc nhiệm nổi tiếng như SPETSNAZ GRU (Nga) hay Navy SEAL (Mỹ).

Về mặt này, đặc công Việt Nam có thể tự hào là đủ sức sánh ngang với các cường quốc quân sự. Mỗi chiến đấu viên đều là một sát thủ thực sự, đủ sức hạ gục những tên địch to lớn hơn mình nhiều.

Bên cạnh đó, khả năng tiềm nhập của đặc công Việt Nam cũng trở thành một huyền thoại. Người lính có thể nằm im dưới cát nóng bỏng hay lòng đất bùn lạnh từ vài giờ cho đến cả ngày, điều mà không phải người lính đặc biệt nào cũng làm được.

Chính các chuyên gia của lực lượng Vympel (Nga) cũng phải giật mình khi người lính đặc công có thể bò đến sát bên cạnh mà họ không thể phát hiện ra.

Không được trang bị những trang thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới, người chiến đấu viên đặc công phải tự nâng cao trình độ của bản thân để thích nghi với tình hình hiện nay.

Do đó, nếu so sánh về người lính khi không có công nghệ hỗ trợ, đặc công Việt Nam đủ tự tin để đứng ngang hàng với các cường quốc thế giới.


Bộ đội Đặc công ngụy trang tài tình. Ảnh: QĐND

Bộ đội Đặc công ngụy trang tài tình. Ảnh: QĐND

2. Đặc công là lực lượng có truyền thống lâu đời 

Những lực lượng đặc biệt nổi tiếng thế giới đều ra đời từ rất lâu. Nền móng của các lực lượng đặc biệt Nga (gọi chung là Spetsnaz) đã ra đời từ Thế chiến thứ hai với các đơn vị đặc biệt của NVKD.

Sau đó, Spetsnaz trở thành hiện thực vào năm 1950 với quyết định của Nguyên soái Zhukov. Green Beret, lực lượng đặc biệt của quân đội Mỹ, cũng ra đời vào năm 1952 và vẫn hoạt động cho tới ngày nay.

Lực lượng đặc công của Việt Nam được chính thức thành lập vào ngày 19/3/1967. Nhưng phương thức tác chiến đặc biệt, lấy số ít đánh vào các vị trí phòng thủ mạnh của địch, lợi dụng yếu tố bất ngờ để giành chiến thắng đã ra đời từ kháng chiến chống Pháp.

Khi đó, cách đánh này được gọi là "công đồn đặc biệt", tên gọi Đặc công cũng từ đó mà ra.

Binh chủng đặc công đã trải qua những cuộc chiến rất khốc liệt như chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam.

Đặc công Việt Nam đã làm nên những trận đánh chấn động thế giới như đánh vào Đại sứ quán Mỹ trong chiến dịch Mậu Thân 1968, phá hủy máy bay B-52 ở sân bay Utapao (Thái Lan) hay tiêu diệt bộ radar phản pháo hiện đại của Trung Quốc (1984).

Nhiều kinh nghiệm quý báu trong chiến đấu đã được đúc kết từ cả chiến thắng và thất bại của lực lượng này. Thực tế và kinh nghiệm chiến đấu là yếu tố mà không phải lực lượng đặc biệt nào cũng có được.

Chỉ có những cường quốc như Nga, Mỹ và Anh mới có mức độ thực chiến cao như vậy.

3. Phương thức tác chiến đang được đổi mới

Trong tình hình hiện đại, không thể chỉ áp dụng các hình thức chiến đấu như thời cha ông được. Lực lượng đặc công đang được đổi mới rất nhiều cả về trang bị và hình thức tác chiến.

Hiện nay, đặc công đã mở rộng ra rất nhiều lực lượng khác nhau. Trong đó bao gồm đặc công bộ, đặc công nước, đặc công người nhái, đặc công biệt động, đặc công dù (nền tảng của Lực lượng đổ bộ đường không).

Mọi tình huống và đối phương đều đã có lực lượng chuyên trách đảm nhiệm, bảo đảm không bị "khớp" khi phải chiến đấu trong thực tế. Như vậy, Binh chủng Đặc công có đủ lực lượng và trình độ tác chiến trên mọi địa hình của Việt Nam, dù là rừng núi, hải đảo hay giữa đô thị.

Song song với việc nâng cao trình độ tác chiến và trang bị vũ khí hiện đại, đây sẽ là những điều kiện để tạo nên các mũi tiến công mạnh, nhanh gọn và đầy nguy hiểm với các đối thủ tiềm tàng. Đúng với phương châm "đánh hiểm thắng lớn" của bộ đội đặc công.

Trang bị của người chiến đấu viên cũng được đổi mới rất nhiều. Đặc công không chỉ là những người lính quần đùi cởi trần, cầm theo dao găm và thủ pháo nữa. Họ đã được trang bị áo giáp và mũ chống đạn, súng bắn tỉa với các hệ thống kính nhìn đêm hiện đại.

Đây mới chỉ là những thứ đã được công khai, liệu ai biết được thực sự đặc công sẽ có những trang bị hiện đại như thế nào nữa?

4. Khả năng huấn luyện ở mức cao

Không phải tự nhiên mà đặc công trở thành lực lượng tinh nhuệ. Công tác huấn luyện phải đảm bảo tạo ra được những người lính có kỷ luật và trình độ cao. Những kinh nghiệm chiến đấu cũng được các thế hệ đi trước truyền lại, tạo cơ sở phát triển cho các lớp đặc công kế cận.

Chính công tác huấn luyện của đặc công cũng được nước ngoài đánh giá rất cao. Lực lượng Vympel của Liên Xô từng cử nhiều sỹ quan sang tập huấn cùng đặc công Việt Nam.

Các nước bạn bè như Lào, Campuchia, Cuba và nhiều nước châu Phi cũng học tập trực tiếp tại Việt Nam để xây dựng nên lực lượng đặc biệt cho riêng mình. 

Kết luận 
Rất khó để đánh giá chính xác và so sánh cặn kẽ giữa các lực lượng đặc nhiệm trên thế giới với đặc công Việt Nam.

Nhưng một điều chắc chắn là các nước Nga hay Mỹ đều đánh giá rất cao lực lượng đặc biệt tinh nhuệ này. Điều đó đủ để xếp đặc công vào top các lực lượng đặc biệt hàng đầu thế giới.

Edwin Lee

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại