Theo tạp chí The National Interest, việc Quốc hội Mỹ quyết định kéo dài thời gian phục vụ của cường kích A-10 Thunderbolt II đã cho thấy quan điểm trái ngược với Lầu Năm Góc.
Bối cảnh một Trung Quốc ngày càng mạnh hơn và một nước Nga ngày càng quyết đoán đã khiến các nhà hoạch định quốc phòng dồn sự chú ý vào dự án F-35.
Tuy nhiên, điều đáng nói là Lầu Năm Góc dường như có ý định dùng phiên bản F-35A dành cho Không quân Mỹ để thay thế cường kích A-10C Thunderbolt II, một trong những máy bay có năng lực nhất trong hoạt động chống nổi dậy.
Dù đã già nua nhưng A-10 vẫn mang lại một giải pháp hiệu quả về chi phí và phù hợp về học thuyết để đối phó với chiến thuật du kích của phiến quân.
Kể từ thời Chiến tranh Việt Nam, Không quân Mỹ lâm vào tình trạng thiếu hụt các máy bay chuyên biệt để chống nổi dây, vì vậy, đây là thời điểm để triển khai A-10 cho những nhiệm vụ như vậy.
Rẻ hơn, bền bỉ hơn F-35A
Chi phí là một điểm mạnh của A-10 trong hoạt động chống nổi dậy. Biến thể hiện đại nhất là A-10C tiêu tốn khoảng 11.500 USD/giờ bay, trong khi đó con số này ở F-35A là 32.000 USD/giờ. Ngoài ra, A-10 cũng tốn ít chi phí sửa chữa hơn.
Và mặc dù có mức giá gấp gần 3 lần nhưng F-35A lại bổ sung rất ít khả năng mới. Lợi thế nó chủ yếu là khả năng tàng hình cùng hệ thống điện tử tinh vi, giúp nó thuận lợi hơn khi đối phó các đối thủ ngang hàng với hệ thống phòng không tầm cao.
Song, nếu không quân Mỹ phải kéo dài tuổi thọ hoạt động của các máy bay khác bằng nhiều gói nâng cấp thì việc duy trì các máy bay A-10C cho hoạt động chống nổi dậy lại rất đơn giản.
Đó là bởi, bước sang thế kỷ 21, các cuộc không kích bằng máy bay giờ đây có thể thực hiện chỉ bằng thao tác nhấp chuột vào máy tính.
Trong khi đó, mặc dù F-35 được trang bị pháo nhưng nó lại mang được ít đạn hơn A-10C.
Chiếc máy bay này không có lớp bọc bảo vệ đủ mạnh trước các mối nguy hiểm ở tầm thấp, còn A-10 đã được thiết kế để vượt qua hệ thống phòng không dày đặc khi tấn công xe tăng Liên Xô.
Bên cạnh đó, A-10 cũng là "vũ khí tâm lý" hiệu quả khi có thể gây hoảng loạn cho phiến quân.
F-35A quá... "tinh vi"
Việc chuyển đổi sang F-35 trong các hoạt động chống nổi dậy cũng đồng thời đi ngược lại với học thuyết đã được chứng minh.
Trong cuốn "Counterinsurgency Warfare: Theory and Practice" của nhà phân tích David Galula năm 1964 đã đề cập tới vấn đề này.
Những mô tả của Galula về một lực lượng chống nổi dậy tối ưu trái ngược hẳn với khái niệm thiết kế của F-35:
“Miễn là các phần tử nổi dậy thất bại trong việc xây dựng quân đội thường trực mạnh mẽ, chống nổi dậy không mấy khi cần tới các loại máy bay hạng nặng, có cấu tạo tinh vi, được thiết kế cho hình thức chiến tranh thông thường”.
Mô tả của ông Galula về lực lượng không quân chống nổi dậy lý tưởng đã được áp dụng trong dự án A-10. Đó là "những máy bay có tốc độ chậm, độ bền cao, hỏa lực mạnh, khả năng bảo vệ trước các loại vũ khí hạng nhẹ từ mặt đất".
Mặc dù ngày nay, các công nghệ máy bay và đạn dược đã có những thay đổi so với thời đại của Galula nhưng những đặc tính mà ông nhấn mạnh vẫn còn đặc trưng trên A-10C.
Có vẻ nhiều cuộc xung đột trong tương lai của Mỹ sẽ liên quan đến việc chống lại các tổ chức phi chính phủ, các lực lượng nổi dậy như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nên một loại máy bay chuyên dụng để chống nổi dậy như A-10 trở nên rất hữu ích.
Nhìn chung, F-35 sẽ chứng minh khả năng của mình trong tác chiến không đối không hay xâm nhập mạng lưới phòng không để ném bom. Còn A-10 với chi phí thấp hơn, bền bỉ hơn và phù hợp với các hiến dịch chống nổi dậy.
Duy trì cả 2 máy bay trong biên chế sẽ mang lại cho Không quân Mỹ 2 phương tiện tấn công mặt đất hiệu quả. F-35A dành cho các nhiệm vụ tác chiến đối xưng và A-10 cho các nhiệm vụ tác chiến phi đối xứng.