PV: Có lần bóng đèn huỳnh quang huỳnh quang nhà tôi bị vỡ. . Lên mạng search thử thông tin thì tá hoả khi biết thuỷ ngân đèn trong huỳnh quang vô cùng độc hại nếu không may hít phải. Tôi nghĩ, đèn huỳnh quang rất dễ bị vỡ, nhưng nhiều người không biết phải xử trí ra sao cho đúng. Cái này, ông có thể mách nước người đọc được không?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Đúng là đèn huỳnh quang có dùng thủy ngân, nhưng thường là thủy ngân ở dạng nguyên tố, không kết hợp với thứ nào khác. Nếu lỡ… ăn thủy ngân nguyên tố cũng không có hại lắm vì ruột hấp thu rất ít loại này.
Nhưng thuỷ ngân nguyên tố lại rất dễ bay hơi, và nếu hít thở thường xuyên sẽ rất nguy hiểm.
Thủy ngân là kim loại duy nhất ở dạng lỏng, nó lăn như viên bi, và vỡ nhỏ thành những viên nhỏ lơn…Lượng thủy ngân trong đèn huỳnh quang rất ít, chỉ khoảng 10-20 mg. Nếu đèn có lỡ rơi vỡ cũng không đáng ngại lắm. Nếu kỹ lưỡng, bạn nên mở các cửa cho thoáng phòng, đưa các cháu bé ra ngoài khoảng vài giờ.
Đa số đèn huỳnh quang hiện nay dùng thủy ngân hỗn hống ở dạng rắn, nếu bóng đèn có vỡ, thì thủy ngân hỗn hống cũng ít bị ‘lăn lóc’ hơn, ítbay hơi hơn, nhưng các loại đèn rẻ tiền, hàng trôi nổi sản xuất theo công nghệ cũ thì vẫn còn dùng thủy ngân nguyên tố, nên rủi ro nhiều hơn.
Thủy ngân cũng được dùng trong các nhiệt kế vì đo chính xác hơn, nhưng hiện nay cũng rất ít dùng, thậm chí có nước cấm dùng thủy ngân trong nhiệt kế. Người ta thay thế thủy ngân bằng nước màu, hoặc dùng nhiệt kế điện tử.
Thuỷ ngân nguyên tố lại rất dễ bay hơi, và nếu hít thở thường xuyên sẽ rất nguy hiểm
PV: Nghe nói, thuỷ ngân rất độc. Cụ thể nó gây hại cho con người như thế nào, thưa ông?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Tùy loại thủy ngân, tùy dạng hợp chất thủy ngân, bị nhiễm qua đường hô hấp, tiêu hóa hay tiếp xúc qua da, mà thủy ngân có mức tác hại khác nhau. Nhưng nói chung, hệ thần kinh, tuần hoàn, hô hấp bị ảnh hưởng khá nặng.
Thủy ngân dạng hợp chất vô cơ, hấp thu qua đường tiêu hoá khoảng 10%, chủ yếu gây hại cho thận.
Nhưng methyl thủy ngân mới là dạng độc hại nhất, ruột hấp thu tới 95%. Methyl thủy ngân đi vào não, gan, thận, tóc và da gây ra hội chứng thần kinh, mất cảm giác, run tay, thính giác, thị lực đều có vấn đề.
Tệ hại hơn, nó có thể ngấm qua nhau thai, ảnh hưởng xấu đến phát triển của thai nhi, đặc biệt là não bộ, thậm chí gây quái thai.
Hầu hết thực phẩm ít nhiều đều có thuỷ ngân ở dạng độc hại này, nhiều nhất là từ cá biển.
PV: Nhân tiện ông nói đến methyl thuỷ ngân trong cá tôi mới nhớ ra, tôi có đọc được một nghiên cứu của EWG (Nhóm Công tác môi trường) – Mỹ trong đó có nói những phụ nữ thường xuyên ăn cá có nồng độ thuỷ ngân cao gấp 11 lần phụ nữ ít ăn. Nghiên cứu của Mỹ rất đáng kể về độ tin cậy. Thông tin này khiến tôi lo lắng, vì tôi ăn cá biển thường xuyên.
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Điều này rất có thể, vì đa số dân Mỹ, dân Tây thường ăn cá biển, cắt lát phi lê hơn là ăn cá nước ngọt như ở ta. Hơn 90% thuỷ ngân có trong cơ thể người Mỹ là do ăn hải sản, đặc biệt là cá biển.
Bạn đã từng nghe qua, hay thưởng thức các loại cá kiếm (swordfish), cá mập (shark), cá thu vua (king mackerel), cá ngừ vây xanh (bluefin tuna), cá ngừ trắng (albacore tuna), cá chấm vàng (tilefish),… chưa? Toàn là những tên lạ hoắc.
Những loại cá biển dữ dằn này có dư lượng thuỷ ngân rất cao. Tây lại khoái ăn cá biển, xa bờ nước sâu, cá phải thật to, nạc nhiều khỏi nhằn xương.
PV: Những loại cá thông thường như cá thu, cá nục có nhiều thuỷ ngân lắm không, thưa ông?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Nghiên cứu mới đây của đại học Hawaii và Michigan cho biết, 80% methyl thủy ngân ở tầng nước mặt, nghĩa là tầng trên ấy, bị ánh sáng phá hủy. Do đó cá biển sống ở vùng "trên" này lại ít nhiễm thuỷ ngân.
Cá sống ở biển sâu, cá săn mồi và cá càng lớn, thì tích lũy thủy ngân càng nhiều, do cá nhỏ ăn rong rêu (có thuỷ ngân), cá vừa ăn cá nhỏ, cá lớn lại ăn cá vừa, và cứ thế tích luỹ. Trong khoa học gọi hiện tượng này là tích luỹ sinh học (biomagnification).
Cá thu, cá nục, cá trích, cá mòi ở Việt Nam đa số là loại cá nhỏ, đánh bắt gần bờ, nên ô nhiễm thủy ngân không đáng kể. Nhưng đó là tôi đang nói ở những vùng biển bình thưởng không bị ô nhiễm do xả thải công nghiệp.
PV: Người ta có thể có nguy cơ tiếp xúc với thuỷ ngân từ những nguồn nào, mà ông nói là do xả thải công nghiệp?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Ngoài ô nhiễm thủy ngân tự nhiên do núi lửa phun, thì hoạt động công nghiệp cũng gây ra ô nhiễm thuỷ ngân. Thủy ngân từ các nhà máy nhiệt điện (đốt than), luyện thép có lò luyện than cốc là chiếm nhiều nhất (65%). Kế đó là khai thác vàng (11%), xi măng, pin, đèn huỳnh quang,… thải thủy ngân ra không khí, ao hồ, sông biển…
Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP) rất e ngại ô nhiễm thủy ngân ở môi trường sông biển, tại các quốc gia đang phát triển ở Châu Á, Châu Phi, do công nghiệp khai thác vàng, luyện than, luyện thép xả ra.
Thủy ngân thâm nhập vào môi trường do đốt cháy chất thải độc, từ khói đi vào nguồn nước, hoặc do xả thải trực tiếp vào nguồn nước. Rồi thủy ngân ở đủ mọi dạng bị các vi sinh vật chuyển hoá thành methyl thủy ngân, tích tụ trong rong tảo.
Thế rồi, nghêu sò ốc hến, cua bé, cá bé ăn rong rêu, cá lớn nuốt cá bé, chim chóc ăn cá, cá làm thức ăn gia súc. Đến lượt người ăn cá, ăn thịt,…. Tất cả đều mang theo và tích lũy methyl thủy ngân..
PV: Người ta đặc biệt nhấn mạnh đến sự nguy hiểm cho thai nhi nếu bà bầu không may bị nhiễm độc thuỷ ngân. Cụ thể nguy cơ này ra sao? Bà bầu Việt Nam có cần theo khuyến cáo của Mỹ không nên ăn cá không?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Đúng là thủy ngân rất hại cho sự phát triển não và hệ thần kinh của thai nhi và trẻ em. Điều này khoa học phát hiện ra, khi nhận thấy một số trẻ em bị bệnh bại não (cerebral palsy) ở vùng biển Minamata, nơi cách nay 70 năm bị ô nhiễm thủy ngân nặng nề do xả thải công nghiệp.
Sau này khoa học có nhiều bằng chứng hơn đủ để xác định thủy ngân ngấm qua nhau thai, và ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh của trẻ.
Cơ thể con người không cần thuỷ ngân, nhưng ai cũng ít nhiều bị nhiễm thuỷ ngân. Nhiễm qua đường hô hấp, qua da (xài mỹ phẩm), nhưng chủ yếu là do ăn uống.
90% thủy ngân chúng ta ăn vào được đào thải qua phân với chu kỳ bán hủy sinh học khoảng 65 ngày, và cũng phải mất cả năm mới thải hết thủy ngân trong người, nếu không nhiễm tiếp.
Mấy bà bầu ta cũng nên ăn ít cá biển lại cho chắc ăn
Do đó, mấy bà mưu tính có bầu cũng phải có kế hoạch từ xa, chứ không chỉ đợi có bầu rồi mới hạn chế ăn cá. Mỗi tuần chỉ nên ăn tối đa 2 lần, tổng cộng chừng 170g. Có nước còn khuyên ăn ít cá hơn nữa. Đó là lời khuyên cho các bà bầu Tây, ăn cá biển đánh bắt xa bờ, loại lặn sâu, to xác..
Còn mấy bà bầu Việt Nam ăn cá lóc, cá rô, cá tra, cá hú,… là các loại cá nước ngọt, nhiễm thủy ngân không đáng kể.
Dù cá nục, cá mú, cá thu, cá ngừ,.. của ta là loại cá biển gần bờ, cá nước mặt, nhiễm thủy ngân không nhiều, nhưng vấn đề ô nhiễm kim loại nặng ở Việt Nam đang có chiều hướng không sáng sủa lắm. Năm ngoái, cả hơn chục lô hàng hải sán xuất đi Châu Âu, bị cảnh báo nhiễm thủy ngân cao hơn mức cho phép.
Do đó, mấy bà bầu ta cũng nên ăn ít cá biển lại cho chắc ăn. Còn cá nước ngọt thì không đáng ngại.
PV: Vậy mấy bà bầu có nên kiêng luôn cá biển cho tuyệt đối chắc ăn không?
Chuyên gia Vũ Thế Thành: Cá biển có nhiều omega-3 loại DHA và EPA cần thiết cho phát triển não ở thai nhi và trẻ em, kiêng hẳn thì hơi uổng, nên hạn chế ăn ít cá biển lại thôi.
Mấy bà nhằn xương cá nhà nghề mà, nên bù lại bằng ăn cá lóc, cá hú… Cá tra cũng có omega-3 đấy, nhưng ít hơn cá biển.
PV: Ngoài cá biển bị nhiễm thủy ngân, các loại hải sản khác thế nào? Có bị nhiễm thủy ngân và mấy bà bầu có cần phải kiêng không?
Các loại hải sản khác như tôm, cua, sò, mực, bạch tuộc…, nhiễm thủy ngân không nhiều như cá. Nhưng tôm hùm nhiễm cũng kha khá, nếu được thì mấy bà bầu nên hạn chế luôn tôm hùm.
Video khuyến cáo về hàm lượng thủy ngân trong các loại cá.