Sức mạnh của hải quân Mỹ và cách đối phó của người Nga
Với khả năng mang nhiều chục máy bay chiến đấu, trinh sát và tác chiến điện tử, tàu sân bay được ví như căn cứ không quân trên biển có khả năng tấn công mạnh mẽ. Ngoài ra, nó còn được hộ tống bởi các tàu tuần dương và khu trục trang bị hệ thống "Aegis" có khả năng chống tên lửa.
Các tàu này hiệp đồng tác chiến tạo nên một biên đội bảo vệ hàng không mẫu hạm khỏi hầu hết các đòn đánh của đối phương, đồng thời mở rộng tầm tấn công nhờ các máy bay chiến đấu hải quân đa nhiệm.
Tuy nhiên, bản thân các hàng không mẫu hạm mà phương Tây đang sở hữu lại trang bị ít hệ thống phòng không tầm gần, phải dựa hoàn toàn vào máy bay và tàu hộ tống để phòng thủ từ xa.
Để đối phó với hình thức tác chiến trên, Liên Xô (trước đây) đã đi tiên phong trong việc sử dụng các tên lửa chống tàu hạng nặng, có tầm bay xa hàng trăm ki-lô-mét, trang bị đầu đạn lớn để đánh chìm hoặc làm hư hỏng nặng hàng không mẫu hạm chỉ bằng một lần phóng và quan trọng nhất là có tốc độ siêu nhanh để vượt qua các biện pháp phòng thủ của đối phương.
Năm 1962, Liên Xô đưa vào trang bị tên lửa đối hạm Kh-22 phóng từ máy bay ném bom tầm xa Tu-22, tấn công mục tiêu với vận tốc Mach 4.6 (1565m/s), mang theo đầu đạn có khối lượng 1 tấn. Sự xuất hiện của Kh-22 buộc người Mỹ phải phát triển hệ thống "Aegis" chống tên lửa.
Tàu chiến và tàu ngầm Liên Xô (Nga sau này) cũng được trang bị các tên lửa siêu âm hạng nặng như P-500 "Bazalt", P-700 "Granit" hoặc P-1000 "Vulkan". Lực lượng bảo vệ bờ biển được trang bị tên lửa P-800 "Onyx" trong hệ thống "Bastion-P". Các loại tên lửa trên có tầm xa từ 300-700km, vận tốc tối đa đạt đến Mach 2.5 (850m/s).
Mô hình tên lửa Zircon.
Cho đến nay, Mỹ và đồng minh vẫn chưa có biện pháp hiệu quả nào để chống lại đòn tấn công bằng nhiều tên lửa đối hạm.
Tạp chí National Interest dẫn lời Tổng biên tập kiêm nhà phân tích quân sự Ha-ri Ka-di-a-nít (Harry J.Kazianis) rằng, tàu sân bay mới nhất của Hải quân Mỹ USS Gerald R.Ford có chi phí chế tạo 15 tỷ USD cũng có thể bị biến thành "nấm mồ nhiều tỷ USD cho hàng nghìn thủy thủ Hoa Kỳ" bởi có thể bị tấn công với số lượng lớn tên lửa đối hạm siêu âm từ khoảng cách xa.
Bước nhảy vọt về tốc độ
Mức độ tiếp theo của siêu "vượt âm" đạt được khi vật thể bay đạt tốc độ vượt quá Mach 5, tức 5 lần vận tốc âm thanh (1.700m/s).
Với tốc độ càng cao, khả năng vượt qua các hệ thống phòng thủ của đối phương sẽ càng lớn do thời gian phản ứng bị giảm xuống đáng kể. Các nước có nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến đều đang nghiên cứu các loại tên lửa hành trình có tốc độ vượt quá Mach 5.
Tại Nga, việc phát triển tên lửa trên được chú trọng đặc biệt và đã có những bước tiến dài. Tên lửa 3M22 "Zircon" được trông đợi sẽ có vận tốc gấp 5 đến 6 lần vận tốc âm thanh và tầm bay tối đa 1.000km.
Ngày 15-4-2017, hãng tin TASS dẫn lời một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga cho biết, tên lửa Zircon đã cán mốc Mach 8 (2.722m/s) trong một thử nghiệm.
Một nguồn tin khác trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết thêm rằng, tên lửa sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt trong năm 2018. Tên lửa mới sẽ được đặt trong hệ thống phóng đa dụng 3S14, vốn được dùng để phóng tên lửa P-800 "Onyx" và "Kalibr".
Các nguồn tin mở cho biết, tên lửa Zircon hiện tại có tầm bắn khoảng 400km. Trang mạng Sputnik dẫn lời Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Đi-mi-tri Bun-ga-kốp (Dimitry Bulgakov) cho biết, tên lửa siêu vượt âm có thể sử dụng một loại nhiên liệu mới định danh "Decylin-M" giúp tăng tầm bắn thêm 250-300km.
Phó thủ tướng Nga Đi-mi-tri Rô-gô-zin (Dimitri Rogozin) trả lời RIA Novosti rằng, tên lửa Zircon "thuộc về một thế hệ vũ khí hoàn toàn mới" và nó "bảo đảm có thể vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa".
Sự bất lực của mọi loại lá chắn tên lửa
Sự xuất hiện của tên lửa Zircon là lời cảnh báo nghiêm túc các quốc gia đang sở hữu hàng không mẫu hạm. Tờ Daily Mail nhận định, tốc độ của tên lửa Zircon nhanh gấp đôi tốc độ tối đa mà tên lửa Sea Ceptor, được trang bị trên tàu sân bay mới nhất HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh, có thể đánh chặn.
Trang mạng globalresearch.ca dẫn lời nhà phân tích quân sự Va-len-tin Va-xi-le-cu (Valentin Vasilescu) rằng, những tên lửa mới của Nga sẽ "đập tan những lời đồn về sự vô địch của Hải quân Mỹ".
Tờ Daily Mirror cho rằng, tầm bắn và tốc độ rất cao của tên lửa sẽ buộc tàu sân bay phải lùi ra ngoài khơi hàng trăm ki-lô-mét, khiến các máy bay trên nó phải di chuyển một khoảng cách xa hơn nhiều để thực hiện nhiệm vụ và có thể khiến chúng không đủ nhiên liệu để quay về.
Chuyên gia phân tích quân sự và chủ biên về các vấn đề quốc phòng cho Tạp chí Jane’s Defence Weekly, Tim Ríp-ly (Tim Ripley) trả lời báo Deutsche Welle rằng, tên lửa Zircon có khả năng bay 155 dặm (250km) trong 2,5 phút, khiến nó gần như không thể bị đánh chặn bởi các biện pháp thông thường.
Gần đây, việc quân đội Nga phóng thành công các tên lửa P-800 "Onyx" và "Kalibr" tấn công mục tiêu mặt đất ở Xi-ry cộng với khả năng trang bị Zircon trong cùng một hệ thống phóng 3S14 với tên lửa "Onyx" và "Kalibr" cho thấy khả năng tên lửa Zircon trở thành phương án nâng cấp cho các tàu mặt nước, tàu ngầm và các hệ thống tên lửa bảo vệ bờ biển của Nga.
Theo AFP, tướng Giôn Hai-ten (John Hyten), Chỉ huy trưởng Cục Tác chiến Chiến lược của quân đội Mỹ, trong một phiên điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ đã nói rằng: "Chúng ta không có biện pháp phòng thủ trước chúng (các tên lửa hành trình siêu vượt âm), nhất là khi bảo vệ các đồng minh châu Âu".
Các chuyên gia quân sự cũng đưa ra một số đề xuất nhằm tăng cường khả năng sống sót của hàng không mẫu hạm trước sự xuất hiện của tên lửa Zircon, như sử dụng các máy bay không người lái có tầm hoạt động xa hơn để tàu sân bay vẫn có thể hoạt động ngoài tầm với của các hệ thống tên lửa, hay phát triển các hệ thống đối kháng điện tử không cần sự can thiệp của con người.