"Từ chối bò, tậu ễnh ương": Quyết định kỳ lạ của Ấn Độ với tiêm kích Su-30MKI

Tuấn Sơn |

Ấn Độ quyết định từ chối đề xuất của Nga lắp động cơ AL-41F1S tiên tiến của Su-35 cho các máy bay tiêm kích Su-30MKI của mình khi "nhắm mắt" chọn động cơ Kaveri nội địa.

Quyết định lạ của Ấn Độ đối với tương lai Su-30MKI

Theo tin từ "Indian Defense Update" nhiều khả năng Ấn Độ sẽ thực hiện kế hoạch tái phát triển dòng động cơ Kaveri mới để sử dụng lắp cho tiêm kích Su-30MKI của họ. Hiện Ấn Độ dã yêu cầu các đối tác từ Pháp nghiên cứu khả năng tăng công suất lực đẩy của dòng động cơ này để trang bị cho các tiêm kích Su-30MKI.

Trước đó, dự án động cơ Kaveri đã bị đóng băng từ năm 2014 vì lý do không đáp ứng được sức mạnh theo yêu cầu của Không quân Ấn Độ. Nhưng nay, nó sẽ được tái khởi động với sự giúp sức của các công ty Pháp, và trước mắt Ấn Độ dự định sẽ lắp cho các máy bay tiêm kích hạng nhẹ (LCA) và UAV nội địa, sau đó là Su-30MKI.

Cộng việc phối hợp với các công ty Pháp được tiến hành theo thỏa thuận trách nhiệm ghi trong hợp đồng đặt mua tiêm kích Dassault Rafale của Không quân Ấn Độ. Nhà chế tạo và sản xuất động cơ Safran (Pháp) có trách nhiệm đầu tư khoảng 1 tỷ USD vào công nghiệp quốc phòng Ấn Độ theo điều khoản thương vụ cung cấp tiêm kích Rafale.

Phía Ấn Độ hiện đang yêu cầu lực đẩy của động cơ Kaveri phải tăng lên mức 125 kN, đủ để lắp lên các tiêm kích Su-30MKI. Hiện Không quân Ấn Độ có kế hoạch phát triển tới 300 tiêm kích Su-30MKI và sẽ đến lúc chúng cần phải được nâng cấp.

Từ chối bò, tậu ễnh ương: Quyết định kỳ lạ của Ấn Độ với tiêm kích Su-30MKI - Ảnh 1.

Tiêm kích Su-30MKI của Không quân Ấn Độ.

"Từ chối bò, tậu ễnh ương"?

Ý tưởng chế tạo một loại động cơ mạnh hơn để dùng trên dòng tiêm kích "Super Sukhoi" nằm trong chương trình "Make in India" dài hơi do Thủ tướng Ấn Độ phát động nhằm tăng cường năng lực chế tạo các sản phẩm công nghiệp quốc phòng nội địa.

Cơ quan nghiên cứu động cơ Gas turbine (GTRE) cùng Safran (Pháp) đã bắt tay cùng nhau để phối hợp giải quyết các vấn đề kỹ thuật đối với động cơ Kaveri. Đối tác Pháp đã bắt đầu triển khai các giải pháp nhằm giải quyết tất cả các khó khăn về công nghệ và chuẩn bị để đưa động cơ trên vào sản xuất hàng loạt kể từ cuối năm 2018.

Một số nguồn tin cho rằng nhiều khả năng động cơ Kaveri hiện đại hóa để lắp lên các máy bay tiêm kích Su-30MKI, bất chấp việc có thể sẽ vấp phải sự phản đối từ phía Nga - với tư cách là nhà phát triển dòng máy bay này.

Theo chương trình "Super 30", phía Nga đã đề xuất với Ấn Độ về việc sẽ lắp đặt cho tiêm kích Su-30MKI dòng động cơ cực mạnh AL-41F1S (117S) tiên tiến nhất với lực đẩy lên tới 142 kN, loại vốn đang được dùng trên các tiêm kích Su-35, như là một phương án hoàn hảo nhằm thay thế động cơ AL-31F có sức mạnh kém hơn.

Từ chối bò, tậu ễnh ương: Quyết định kỳ lạ của Ấn Độ với tiêm kích Su-30MKI - Ảnh 2.

Động cơ AL-41F1S (117S) đang được sử dụng trên các máy bay tiêm kích Su-35.

Tuy nhiên, không hiểu sao phía Ấn Độ lại đưa ra một quyết định hết sức kỳ lạ khi từ chối thẳng thừng đề xuất rất hấp dẫn của Nga mà lại chọn phiên bản cải tiến của động cơ Kaveri với lực đẩy chỉ đạt 123 kN, nhất là trong bối cảnh động cơ này còn đang trong quá trình phát triển, chưa thể hoàn thiện ngay trong một sớm một chiều.

Ngoài dự định lắp Kaveri cho Su-30MKI, Ấn Độ dường như còn có kế hoạch sử dụng dòng động cơ này để lắp lên các máy bay chiến đấu thế hệ 5 AMCA, với yêu cầu lực đẩy chỉ là 110 kN.

Từ chối bò, tậu ễnh ương: Quyết định kỳ lạ của Ấn Độ với tiêm kích Su-30MKI - Ảnh 3.

Động cơ Kaveri được Ấn Độ kỳ vọng sẽ là những cố máy động lực mới dành cho tiêm kích Su-30MKI.

Lý giải quyết định này của Ấn Độ, nhiều chuyên gia hàng không quốc tế cho rằng:

Thứ nhất, Ấn Độ muốn tự chủ hoàn toàn về việc sản xuất động cơ cho các máy bay tiêm kích, kể cả loại thế hệ 5 còn chưa ra đời. Do vậy, cái họ cần là được chuyển giao công nghệ chế tạo chứ không phải mua động cơ nguyên chiếc, và tất nhiên Nga sẽ không đời nào chuyển giao công nghệ AL-41F1S cho Ấn Độ vì đây là loại hàng mới, đang được coi là "quốc bảo" của Nga.

Dĩ nhiên, đơn giá bán động cơ AL-41F1S nguyên chiếc của Nga sẽ rất đắt, cao hơn nhiều so với dòng AL-31F hiện đang dùng trên Su-30MKI.

Thứ hai, Ấn Độ không muốn quá phụ thuộc vào bất cứ một đối tác cung cấp vũ khí nào cho dù đó là Nga, Pháp hay Mỹ. Họ có nhiều lựa chọn, và các nhà thầu vũ khí hàng đầu thế giới luôn sẵn lòng hợp tác với Ấn Độ vì đây là một thị trường cực kỳ hứa hẹn.

Cái giá mà Ấn Độ phải trả sẽ rất đắt, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy họ chùn bước, quyết tâm làm cho ra trò những vũ khí trang bị hiện đại một cách tự thân, theo đúng định hướng của chương trình "Make in India".

Chưa biết rồi đây liệu Kaveri có đáp ứng hoàn toàn yêu cầu của Ấn Độ hay không nhưng rõ ràng nó đã một lần thất bại, bị đóng băng và nhẽ ra đã bị khai tử.

Liệu có phải Ấn Độ đã "từ chối bò để tậu ễnh ương", từ bỏ một đề nghị hấp dẫn từ Nga để phiêu lưu với động cơ mới mà chưa biết bao giờ sẽ được hoàn thiện?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại