Một số chuyên gia quân sự dự đoán rằng Nga sẽ hoạt động hiệu quả hơn trong cuộc chiến trên khi nước này tiến hành cuộc tấn công lớn vào mùa Xuân. Nếu phương Tây không cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu, Kiev sẽ nhanh chóng mất lợi thế trên tiền tuyến.
Máy bay chiến đấu F-16. Ảnh: National Interest
Phát biểu với Express.co.uk, giáo sư Michael Clarke thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh cho rằng, cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine sẽ trở nên "ác liệt và nguy hiểm hơn" vào năm 2023, khi cả Nga và Ukraine được cho là đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn, dự kiến diễn ra trong vài tháng tới. Theo chuyên gia này, cuộc chiến giành ưu thế trên không sẽ trở thành chìa khóa xác định hướng đi của cuộc xung đột trong thời gian tới.
So với Nga, Ukraine đang gặp nhiều khó khăn hơn khi nguồn cung cấp tên lửa phòng không của nước này dần cạn kiệt, còn phương Tây ở một mức độ nào đó thiếu khả năng bổ sung phần lớn kho dự trữ vũ khí có từ thời Liên Xô mà họ đang sử dụng.
Không thể phủ nhận, chiến thuật chống tiếp cận không phận (Air Denial) đã được chứng minh mang lại hiệu quả cho Ukraine trong suốt 11 tháng xung đột. Quân đội nước này đã sử dụng những hệ thống phòng không như S-300, Buk cùng các tên lửa phòng không của của phương Tây để đối phó với máy bay chiến đấu của Nga. Giới chức Ukraine cho biết, họ cũng triển khai các đơn vị cơ động, sử dụng tên lửa vác vai Stinger và tên lửa Starstreak do Anh cung cấp để bắn hạ máy bay không người lái của đối phương.
Tuy vậy việc Nga tiến hành các cuộc tấn công không ngừng nghỉ bằng máy bay không người lái cảm tử được cho là có nguồn gốc từ UAV Shahead-136 đã khiến các hệ thống vũ khí trên mặt đất của Ukraine ngày càng cạn kiệt. Mỹ, Đức, Hà Lan đã cam kết gửi 4 hệ thống phòng không Patriot tối tân tới Ukraine nhưng số lượng vũ khí ít ỏi như vậy nhiều khả năng không thể đáp ứng được nhu cầu của Kiev. Chiến lược kéo dài hàng thập kỷ của phương Tây là tập trung đẩy mạnh ưu thế trên không, đặc biệt, tăng cường phát triển máy bay chiến đấu thay vì các hệ thống phòng thủ trên mặt đất. Điều này đã để lại lỗ hổng lớn trong việc cung cấp hệ thống phòng thủ mặt đất cho Ukraine.
Nhận thức được thực tế trên, Nga được cho là đã sử dụng tên lửa X-55, thay thế đầu đạn hạt nhân bằng đầu đạn thông thường để làm kiệt quệ hệ thống phòng không của Ukraine, một báo cáo tình báo của Anh lưu ý.
Đến thời điểm hiện tại, Nga vẫn chưa thể giành quyền kiểm soát toàn bộ không phận Ukraine, nhưng Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute - RUSI), cảnh báo rằng, nếu các hệ thống đất đối không của Ukraine hết đạn dược thì điều này có thể khiến Nga chớp lấy thời cơ, triển khai các máy bay ném bom hạng nặng hoạt động ở độ cao trung bình thực hiện các cuộc tấn công, gây tổn thất nghiêm trọng đối với Ukraine.
Trong một bài bình luận trên Defense News, Đại tá Maximilian Bremer, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Các chiến dịch Đặc biệt của Không quân Mỹ cho rằng, chiến thuật tấn công trên không mới này sẽ nâng cao cơ hội chiến thắng của Nga khi Moscow phát động cuộc tấn công tiềm tàng vào mùa Xuân. Mối lo ngại này là lý do khiến Ukraine hối thúc phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất, chỉ vài giờ sau khi Mỹ và Đức cam kết chuyển giao hàng chục xe tăng chiến đấu chủ lực cho Kiev.
Ông Yuriy Sak, Cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nói rằng: "Chúng tôi không thấy có bất cứ lý do hay lời giải thích phù hợp nào cho nhận định Ukraine không nên tiếp nhận chiến đấu cơ F-16 hoặc bất cứ máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư khác".
Chuyên gia Michael Clarke đã khẳng định vai trò quan trọng của việc chiếm ưu thế trên không trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột. "Đợt giao tranh tiếp theo sẽ khốc liệt hơn nhiều. Tôi cho rằng với kinh nghiệm và năng lực quân sự của cả hai bên, ưu thế trên không sẽ là chìa khóa. Lý do khiến tình hình trên thực địa rơi vào bế tắc như hiện nay là do Nga chưa thiết lập được ưu thế trên không. Nếu họ thành công, Ukraine sẽ thực sự bất lợi".
Theo ông Michael Clarke, Nga có thể tác chiến trên không hiệu quả hơn nhiều nếu họ thực hiện cuộc tấn công vào mùa Xuân. "Các lực lượng Ukraine không thể chỉ dựa vào những hệ thống phòng thủ trên mặt đất hoặc những máy bay chiến đấu MiG-29 có từ thời Liên Xô bởi vì số lượng của chúng ngày càng sụt giảm, vì thế họ sẽ cần những chiếc F-16".
Đánh giá về cuộc xung đột Nga-Ukraine năm 2023, ông Michael Clarke cho rằng: "Giai đoạn 2023, cuộc xung đột có thể leo thang lên một nấc mới, nguy hiểm hơn nhiều so với năm 2022. Chiến sự sẽ trở nên khốc liệt hơn và các bên nhiều khả năng sẽ bước qua những lằn ranh mới". Song vẫn chưa rõ phương Tây có sẵn sàng bước qua các rào cản để cung cấp máy bay chiến đấu hiện đại cho Ukraine hay không.
Tờ Tagesspiegel của Đức cuối tuần qua đưa tin, Berlin sẽ không chuyển giao máy bay chiến đấu hiện đại cho Ukraine để tránh "gia tăng nguy cơ rủi ro". Tờ báo này cũng cho biết, Đức không muốn xảy ra một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga./.