Yếu tố cản bước Ukraine trong chiến dịch phản công mùa xuân

Quế Mai |

Khi Nga và Ukraine chuẩn bị bước vào đợt tấn công mùa xuân mới có thể làm thay đổi cục diện cuộc xung đột, Kiev vẫn đang chờ phương Tây chuyển giao những vũ khí hiện đại để có thể giành ưu thế trên chiến trường.

Phương Tây chậm gửi vũ khí, liệu Ukraine có mất cơ hội phản công?

Trong bối cảnh Ukraine sắp tiến hành phản công vào mùa xuân nhằm đẩy lùi lực lượng Nga, Mỹ và các đối tác đang tăng cường hỗ trợ quân sự cho quân đội Kiev.

Gần đây, Lầu Năm Góc đã đẩy nhanh việc cung cấp xe tăng chiến đấu Abrams cho Ukraine. Ba Lan và Slovakia trở thành 2 quốc gia NATO đầu tiên quyết định cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine.

Yếu tố cản bước Ukraine trong chiến dịch phản công mùa xuân - Ảnh 1.

Binh sĩ Ukraine thử nghiệm xe tăng T-64 trên một cánh đồng ở vùng Donetsk. Ảnh: Washington Post

Trong khi Tổng thống Joe Biden cam kết sẽ sát cánh với Ukraine "đến chừng nào cần thiết", giới chức Kiev, các nhà ngoại giao và nhà phân tích phương Tây cảnh báo rằng sự hỗ trợ của Washington "mất quá nhiều thời gian".

Khi cả Nga và Ukraine đang chuẩn bị cho đợt tấn công mới vào mùa xuân có thể làm thay đổi cục diện cuộc xung đột, Ukraine vẫn thiếu hụt lực lượng và vũ khí để đẩy lùi lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ hiện do Moscow kiểm soát.

Việc Ba Lan và Slovakia gửi tiêm kích cho Ukraine là một "tin vui" đối với Kiev, nhưng các máy bay thời Liên Xô được sử dụng hạn chế do tính chất của cuộc xung đột. Xe tăng Abrams của Mỹ sẽ bổ sung sức mạnh cho lực lượng bọc thép chủ lực nhưng chỉ có thể có mặt trên chiến trường vào mùa thu, khoảng 6 tháng sau cuộc phản công mùa xuân tiềm tàng của Ukraine.

"Điều rõ ràng là thời gian đang đứng về phía Nga, nghĩa là nước này có đủ binh lính và trang thiết bị để tiến hành trận chiến lâu dài trên một mặt trận rộng lớn. Trong khi Ukraine không có lợi thế đó. Nếu vũ khí không được chuyển giao nhanh chóng, Ukraine sẽ vô cùng khó khăn trong việc đẩy lùi quân đội Nga", Rachel Rizzo, nhà phân tích trong chương trình châu Âu của Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết.

Sự chậm trễ trong việc chuyển giao vũ khí từ phương Tây không phải là thách thức duy nhất đối với Ukraine. Bất chấp sự hỗ trợ của phương Tây, các yêu cầu quan trọng khác trong danh sách mong muốn vũ khí của Ukraine vẫn chưa được thực hiện. Kiev muốn có được vũ khí hiện đại như máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ và pháo phản lực tầm xa, đạn dược cho xe tăng và pháo thời Liên Xô.

"Bên nào được cung cấp nhiều nguồn lực nhanh hơn sẽ chiếm ưu thế trên chiến trường. Đạn pháo là ưu tiên cao nhất. Chúng tôi càng có nhiều đạn trong thời gian sớm nhất, các hoạt động phòng thủ và phản công của Ukraine càng hiệu quả. Như vậy, Ukraine có thể sớm kết thúc cuộc xung đột và khôi phục hòa bình", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho hay.

Những nguồn cung vũ khí đã được cam kết từ phương Tây có nguy cơ bị chuyển giao chậm trễ hơn nữa nếu các tuyến cung ứng và trung tâm vận chuyển bị quá tải. Điều này sẽ giúp Nga giành được lợi thế trên chiến trường.

Vũ khí phương Tây có phù hợp với Ukraine?

Một nhà ngoại giao châu Âu bày tỏ hy vọng rằng sau quyết định gửi tiêm kích MiG-29 cho Ukraine của Ba Lan và Slovakia, những quốc gia khác cũng sẽ có động thái tương tự.

"Ba Lan gửi máy bay chiến đấu cho Ukraine đã phá vỡ những rào cản, cho thấy việc cung cấp tiêm kích không phải là điều cấm kỵ và sẽ không dẫn đến Thế chiến III", nhà ngoại giao nói.

Trong khi đó, tại một phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ vào tháng 2, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ về Chính sách Colin Kahl đã bác bỏ ý kiến cho rằng Ukraine sẽ chiếm ưu thế trên chiến trường nếu Washington chấp nhận yêu cầu cung cấp F-16. Ông Kahl nói rằng, việc sản xuất và giao máy bay mới sẽ mất nhiều năm, thậm chí việc vận chuyển máy bay hiện có sẽ mất ít nhất 18 tháng. Ngoài ra, việc đào tạo binh sĩ Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu cũng sẽ mất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với The Washington Post vào tháng 2, Đại tá Oleksandr Syrsky, chỉ huy lực lượng bộ binh Ukraine, cho biết giá trị chính của các máy bay chiến đấu hiện đại như F-16 là khả năng tấn công tầm xa của chúng.

Bên cạnh đó, Ukraine từ lâu đã mong muốn có được những chiếc xe tăng chiến đấu hiện đại, giúp họ giành lợi thế trước quân đội Nga và được bảo vệ tốt hơn nếu bị tấn công.

Hiện tại, Ukraine đang sử dụng các xe tăng từ thời Liên Xô như T-64 và các xe tăng chế tạo theo mẫu này với phiên bản nâng cấp lớp giáp và thiết bị điện tử tốt hơn. Tuy nhiên, các binh sĩ Ukraine cho biết những nâng cấp đó cũng không thể cạnh tranh với xe tăng phương Tây như Abrams.

Đối với Ukraine, một lợi thế khi sử dụng các xe tăng cũ như T-64 và T-72 so với các hệ thống của phương Tây là kíp lái và thợ máy biết cách sử dụng và bảo trì chúng.

Đầu tuần này, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo dự tính đẩy nhanh chuyển giao xe tăng M1 Abrams cho Ukraine, sớm nhất là vào mùa thu năm nay.

"Có lẽ họ đang chọn không cung cấp cho chúng tôi những vũ khí tốt nhất của họ ngay lập tức mà làm điều đó từng bước một", một quan chức quân sự Ukraine nói.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cho biết, xe tăng Abrams đi kèm với gánh nặng hậu cần, bày tỏ lo ngại Ukraine sẽ gặp khó khăn với việc hỗ trợ và bảo trì. "Xe tăng Abrams là một thiết bị rất phức tạp và đắt tiền. Nó ngốn một lượng lớn nhiên liệu, khoảng 3 dặm/gallon. Đây không phải là hệ thống dễ bảo trì", ông Kahl nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại