Trong lĩnh vực ICBM nhiên liệu rắn, Liên Xô xuất phát sau Mỹ tới hàng thập kỷ, nhưng tới nay, Nga đã vượt mặt Mỹ trong "sân chơi" này. ICBM Yars chính là một điển hình và nó đang là một thành phần chính trong lực lượng răn đe hạt nhân trên bộ của Nga.
Mỹ đi trước, nhưng lại về sau
Khi nhìn vào lịch sử phát triển tên lửa đạn đạo thế giới, bắt đầu từ những năm 1950, Liên Xô tập trung phát triển các dòng tên lửa đạn đạo hạng nặng sử dụng nhiên liệu lỏng. Động cơ nhiên liệu rắn chỉ dùng trong tầng khởi tốc giúp tên lửa rời bệ phóng.
Trong khi đó, các chương trình tên lửa đạn đạo của Mỹ ngay từ đầu đã tập trung vào phát triển động cơ nhiên liệu rắn. Các dòng tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn của Mỹ đã đạt được những thành công đáng kể vượt xa so với Liên Xô ở thời điểm những năm 1960.
Đoàn tàu hạt nhân, một trong những điểm nhấn quan trọng trong chương trình phát triển ICBM nhiên liệu rắn của Nga.
Không chỉ được áp dụng trong quân sự, công nghệ tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn của Mỹ còn được áp dụng trong lĩnh vực dân sự, đặc biệt là thám hiểm vũ trụ và phóng vệ tinh. Mỹ đã sử dụng động cơ nhiên liệu rắn đảm bảo cung cấp 80% lực đẩy trong chương trình phóng tàu con thoi.
Thế mạnh của tên lửa nhiên liệu rắn là sự đơn giản trong chế tạo. Có thể hình dung, động tên lửa tên lửa như một thỏi nhiên liệu hình trụ lớn. Quá trình đốt nhiên liệu được kiểm soát bằng các van tiết lưu và vật liệu hòa trộn trong thỏi nhiên liệu.
Sau khi nhận thấy những mặt ưu thế của động cơ tên lửa nhiên liệu rắn, Nga cũng bắt tay vào phát triển các dòng ICBM sử dụng động cơ nhiên liệu rắn của riêng mình. Chương trình ICBM nhiên liệu rắn của Liên Xô được coi là dấu mốc bắt kịp công nghệ của Mỹ là RT-23UTTX (tên mã NATO: Scalpel) trang bị trên đoàn tàu hạt nhân vào cuối những năm 1980.
Chính những yêu cầu kỹ thuật về sự nhỏ gọn, đơn giản trong sử dụng của ICBM RT-23UTTX trang bị trên tàu hỏa đã tạo ra bước đột phá về kỹ thuật chế tạo ICBM nhiên liệu rắn của Liên Xô. Thậm chí, khi ra mắt, ICBM RT-23UTTX còn có nhiều đặc điểm vượt trội so với các dòng ICBM nhiên liệu rắn của Mỹ.
Những lợi thế của ICBM nhiên liệu rắn
Sau thành công của ICBM RT-23UTTX, số lượng ICBM sử dụng nhiên liệu rắn của Liên Xô và Nga tăng đột biến sau đó. Nếu trong những năm 1980, số lượng ICBM nhiên liệu rắn của Liên Xô chỉ khoảng 100 tên lửa, thì tới đầu những năm 1990, số lượng ICBM loại này đã chiếm 1/3 kho tên lửa chiến lược của Liên Xô và Nga sau này.
Thực tế, ICBM nhiên liệu rắn so với nhiên liệu lỏng cũng có những lợi thế và hạn chế. Tuy nhiên, việc trang bị ICBM nhiên liệu rắn là cần thiết để bổ sung những điểm khuyết ICBM nhiên liệu lỏng không thể khắc phục.
Bù lại khả năng kém cơ động do chỉ có phiên bản giếng phóng, ICBM nhiên liệu lỏng lại có lợi thế ở khả năng mang được các đầu đạn hạt nhân hạng nặng.
ICBM nhiên liệu rắn có lợi thế về sự nhỏ gọn và cơ động phù hợp cho các đòn tấn công phủ đầu.
Cụ thể, ICBM nhiên liệu rắn có thời gian chuẩn bị, chuyển trạng thái chiến đấu và tốc độ bay, độ cao hoạt động tốt hơn so với tên lửa nhiên liệu lỏng. Việc đánh chặn ICBM nhiên liệu rắn sẽ khó khăn hơn do thời gian chuẩn bị và đối phó ngắn hơn. Điều này có thể thấy rõ nếu ICBM muốn xuyên thủng qua lá chắn tên lửa của Mỹ.
Nhờ có cơ cấu đơn giản, không có các đường ống dẫn nhiên liệu với các tiêu chuẩn ngặt nghèo như trên ICBM nhiên liệu lỏng, ICBM nhiên liệu rắn có độ tin cậy về mặt kỹ thuật cao hơn. Để đạt được lực đẩy tên lửa tối đa, ICBM nhiên liệu rắn không phải điều chỉnh hàng trăm thông số kỹ thuật như trên tên lửa nhiên liệu lỏng. Công việc đơn giản chỉ là chọn đúng tỷ lệ trộn nhiên liệu và thay đổi hình dạng vòi phun.
Một điểm quan trọng khác là ICBM nhiên liệu rắn có kích thước và khối lượng nhỏ gọn hơn nhiều so với tên lửa nhiên liệu lỏng, khoảng dưới 100 tấn. Nhờ yếu tố này, việc vận chuyển và ngụy trang dễ dàng hơn nhiều so với tên lửa nhiên liệu lỏng.
Ngoài ra, thiết kế tin cậy, khả năng chống chịu với các biến đổi đột ngột của môi trường cũng giúp ICBM nhiên liệu rắn có khả năng sống sót cao hơn trước các đòn tấn công phủ đầu để sau đó tung đòn đánh trả.
Những yếu tố trên cũng giúp giải thích tại sao các đơn vị ICBM cơ động của Nga như Topol, Yars của Nga đều sử dụng đạn tên lửa nhiên liệu rắn.
Ngoài những lợi thế trên, ICBM nhiên liệu rắn cũng có nhược điểm là không thể mang những đầu đạn lớn, nặng như tên lửa nhiên liệu lỏng.
Vai trò của ICBM Yars trong lực lượng răn đe hạt nhân Nga
Hiện tại, lực lượng Tên lửa chiến lược Nga được trang bị 5 dòng ICBM chính: RS-20M Voevoda, RS-18A, RS-12M Topol, RS-12M2 Topol-M và RS-24 Yars. Theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự quốc tế, RS-24 Yars cùng với dòng ICBM tương lai RS-28 Sarmat được coi những vũ khí nguy hiểm nhất của Nga hiện nay.
Công nghệ đầu đạn tự cơ động quỹ đạo MIRV đang là thế mạnh của Nga hiện nay.
Xét về mặt chiến lược, RS-24 Yars được sử dụng để tung các đòn tấn công phủ đầu nhờ lợi thế của ICBM nhiên liệu rắn, còn các đòn tấn công chủ lực sẽ do ICBM nhiên liệu lỏng như RS-20M Voevoda và RS-28 Sarmat đảm nhận.
Một điểm mạnh nữa của ICBM Yars là việc được trang bị đầu đạn có thể tự cơ động quỹ đạo – MIRV. Đầu đạn MIRV sau khi rời tên lửa mẹ có thể tự thay đổi quỹ đạo bay của mình để tăng khả năng xuyên thủng lá chăn tên lửa của đối phương.
Đánh giá về ICBM Yars, chuyên gia Vladimir Dvorkin thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế và Quan hệ quốc tế chiến lược Nga, cho biết, các tổ hợp ICBM trang bị MIRV, trong đó có Yars là con bài chiến lược của Nga đối phó với chiến lược "che giấu tiềm năng" của Mỹ.
Bằng cách lách luật theo quy định của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START), Mỹ đang chuyển các đơn vị ICBM và đầu đạn hạt nhân của mình sang chế độ niêm cất, thay vì phải hủy bỏ chúng.
SLBM Trident-T5, một trong những dòng tên lửa mang nhiều đầu đạn hạt nhân nhất của Mỹ.
"Dù Nga có thể trang bị cho tên lửa Yars tới 6 đầu đạn, tăng số lượng đầu đạn trên tên lửa phóng từ tàu ngầm Sineva hoặc sản xuất thêm ICBM, nhưng điều đó không là gì so với kho vũ khí hạt nhân Mỹ đang niêm cất’, chuyên gia V. Dvorkin đánh giá.
Theo đó, mỗi tên lửa Minuteman-3 của Mỹ có thay vì mang một đầu đạn như quy định của START, có thể mang tới 3 đầu đạn trong trường hợp cần thiết, còn tên lửa Trident-T5 thay vì 4 đầu đạn như quy định, có thể lắp tới 8 đầu đạn hạt nhân hạng nặng hoặc 12 đầu đạn hạng nhẹ. Như vậy, năng lực răn đe hạt nhân của Mỹ có thể "bất ngờ" tăng nhiều lần sau chỉ một đêm.