Trung Quốc chào bán tàu ngầm mini "dùng cho các nhiệm vụ bí mật"

Nam Đồng |

Tại Triển lãm Quốc phòng và An ninh Bangkok 2017, Trung Quốc đã giới thiệu một mẫu tàu ngầm mini có tính năng kỹ chiến thuật khá ấn tượng.

Trung Quốc mang tới trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng và An ninh Bangkok 2017 tổng cộng 4 mẫu tàu ngầm các loại, có lượng giãn nước dao động trong khoảng từ 2.550 tấn cho tới chỉ vỏn vẹn 200 tấn.

Đầu tiên là lớp tàu ngầm S-26T mà nước này đang thi công đóng mới cho Hải quân Hoàng gia Thái Lan (RTN) theo hợp đồng ký kết vào năm ngoái, đơn giá mỗi chiếc là 385 triệu USD.

Chiếc S-26T được thiết kế dựa trên nguyên mẫu tàu ngầm diesel-điện trang bị hệ thống đẩy không phụ thuộc vào không khí (AIP) lớp Nguyên (Type 041) đang phục vụ trong Hải quân Trung Quốc.

S-26T có kích thước nhỏ hơn Type 041 với chiều dài 66 m; chiều rộng 8 m; mớn nước khi nổi 8,2 m; lượng giãn nước 1.850 tấn khi chạy nổi, 2.300 tấn khi di chuyển ngầm; thủy thủ đoàn 38 người.

Tàu có vận tốc tối đa 18 hải lý/h, lặn sâu 300 m, tầm hoạt động 8.000 hải lý khi chạy ở tốc độ kinh tế 16 hải lý/h, thời gian bám biển 65 ngày, đặc biệt thời gian lặn liên tục lên tới 21 ngày (gấp 3 - 4 lần tàu ngầm không có AIP).

Thân tàu chia làm 6 khoang riêng biệt nhằm đảm bảo hoạt động bình thường khi một trong số chúng bị thủng, phía trên tháp chỉ huy tích hợp nhiều cảm biến, radar và thiết bị trinh sát quang điện tử hiện đại, vũ khí trang bị cho S-26T gồm ngư lôi và cả tên lửa hành trình chống hạm phóng từ dưới nước.

Dự kiến chiếc S-26T đầu tiên của Thái Lan phải sau năm 2020 (có thể tới 2023) mới đi vào phục vụ, họ sẽ nhận tổng cộng 3 tàu ngầm loại này, mặc dù năng lực đóng tàu của Trung Quốc đủ sức đẩy nhanh tiến độ nhưng ngân sách của RTN chỉ cho phép đặt hàng từng chiếc một.

Trung Quốc chào bán tàu ngầm mini dùng cho các nhiệm vụ bí mật - Ảnh 1.

Mô hình tàu ngầm S-26T Trung Quốc đang đóng mới cho Hải quân Hoàng gia Thái Lan

Tiếp theo là mẫu tàu ngầm cỡ nhỏ lượng giãn nước đầy tải 1.100 tấn chưa rõ định danh. Con tàu sở hữu các thông số kỹ thuật cụ thể bao gồm chiều dài 60 m; chiều rộng 5,6 m và chiều cao 6,8 m; tốc độ tối đa 15 hải lý/h; tầm hoạt động 800 hải lý khi chỉ sử dụng động cơ AIP hoặc lên tới 3.000 hải lý nếu kết hợp giữa các hệ thống động lực với nhau.

Độ sâu lặn tối đa của tàu ngầm trên lên tới 200 m, được điều khiển bởi thủy thủ đoàn 18 người, thời gian hoạt động liên tục 30 ngày, vũ khí gồm 10 ngư lôi.

Chưa dừng lại đó, Trung Quốc tiếp tục trưng bày mô hình của tàu ngầm nhỏ hơn có lượng giãn nước chỉ 600 tấn, chiều dài 50 m; chiều rộng 4,5 m và chiều cao 5,6 m. Con tàu có tốc độ lớn nhất 15 hải lý/h, lặn được 400 hải lý nếu chỉ sử dụng động cơ AIP hoặc 2.000 hải lý khi kết hợp động cơ AIP với diesel. Thủy thủ đoàn 15 người và làm việc liên tục được 20 ngày dưới biển.

Cuối cùng là tàu ngầm mini MS 200 có lượng giãn nước 200 tấn; chiều dài 30 m; chiều rộng 3,6 m; chiều cao 4,4 m dùng cho các nhiệm vụ bí mật. Chiếc tàu ngầm này chỉ cần 6 người điều khiển và có thể mang thêm 8 lính đặc nhiệm. Tàu có tốc độ tối đa 8 hải lý/h, lặn liên tục 15 ngày, được trang bị 2 ống phóng ngư lôi.

Trung Quốc chào bán tàu ngầm mini dùng cho các nhiệm vụ bí mật - Ảnh 2.

Mô hinh tàu ngầm mini MS200 của Trung Quốc được trưng bày tại triển lãm

Ngoài Thái Lan, nhiều quốc gia khác ở châu Á cũng đang bày tỏ sự quan tâm sâu sắc tới tàu ngầm do Trung Quốc chế tạo. Bên cạnh các khách hàng tiềm năng nhất là Bangladesh và Pakistan thì còn có thêm Algeria, Cuba, Ai Cập, Venezuela, Myanmar, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Giới thiệu tới 4 mẫu tàu ngầm với đa dạng kích cỡ cho thấy phía Trung Quốc rất nghiêm túc trong việc nghiên cứu nhu cầu của từng đối tác riêng biệt nhằm xuất khẩu công nghệ vũ khí dưới nước của mình.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại