Dựa trên những kinh nghiệm thu được từ quá trình dài sử dụng các dòng xe chiến đấu bộ binh (IFV) BMP-1/2 do Liên Xô sản xuất, có thể thấy rằng phương tiện do Nga chế tạo đang chiếm giữ ưu thế lớn trong cuộc đua tới vị trí IFV tương lai dành cho Lục quân Việt Nam.
Trong số những ứng viên tiềm năng, nổi lên 2 cái tên sáng giá nhất chính là BMP-3 và T-15 Armata, vậy loại nào tỏ ra phù hợp với điều kiện của Việt Nam hơn cả?
Xe chiến đấu bộ binh BMP-3
Đầu tiên là BMP-3, mặc dù được coi là hậu duệ trực tiếp của dòng BMP-1/2 nhưng đến phiên bản này xe đã có bước tiến vượt bậc, phải nói chính xác là một cuộc cách mạng.
Tuy rằng vẫn giữ lại kết cấu truyền thống như các dòng IFV cũ nhưng khung thân BMP-3 đã thay đổi rất nhiều, các điểm yếu cũ còn tồn tại đã được khắc phục một cách triệt để, mang lại độ tin cậy rất cao.
Ban đầu được thiết kế như một chiếc xe tăng hạng nhẹ vì vậy hỏa lực của BMP-3 có sự nổi trội so với mọi đối thủ cùng phân khúc, nó được trang bị pháo 2A70 cỡ 100 mm, bắn được các loại đạn trái phá và có thể phóng tên lửa chống tăng 9M117 Bastion qua nòng, đồng trục với pháo chính là pháo tự động 2A72 cỡ 30 mm, ngoài ra còn có 3 súng máy cỡ 7,62 mm.
Độ cơ động là một điểm mạnh khác của chiếc IFV này, nó triển khai được trên các dải địa phức tạp, đặc biệt là khả năng bơi của BMP-3 theo đánh giá là vô cùng xuất sắc. Nhưng dĩ nhiên bù lại thì vỏ giáp của xe tương đối mỏng, chỉ chống được vũ khí bộ binh nhẹ cũng như mảnh pháo.
Xe chiến đấu bộ binh T-15 Armata trong cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ
Trong khi đó xe chiến đấu bộ binh T-15 là một sản phẩm khác phát triển từ khung gầm Armata bên cạnh xe tăng T-14. Trọng lượng chiếc chiến xa bộ binh này lên tới 48 tấn, cho nên có thể nhận ra độ dày của giáp T-15 rất "khủng", ước chừng tương đương 1.200 - 1.400 mm thép đồng nhất (RHA), bảo vệ tốt binh sĩ trong xe trước đòn tấn công của các loại vũ khí diệt tăng hiện đại.
Trái ngược với BMP-3, dĩ nhiên độ cơ động của T-15 chẳng thể linh hoạt bằng kể cả khi tích hợp động cơ diesel công suất 1.500 mã lực, nó còn không có khả năng bơi.
Vũ khí của T-15 cũng không mạnh bằng BMP-3, trên tháp pháo của nó lắp pháo tự động 2A42 cỡ 30 mm, súng máy đồng trục PKT cỡ 7,62 mm, đi kèm 4 tên lửa chống tăng AT-14 Kornet.
Tương lai gần dự kiến T-15 Armata sẽ được tích hợp tháp pháo mới, có thể là loại AU-220M Baikal với pháo tự động cỡ 57 mm hiện đại cùng với các tên lửa chống tăng thế hệ mới, mang lại sức mạnh không hề thua kém BMP-3.
Đồ họa xe chiến đấu bộ binh T-15 Armata phiên bản lắp pháo tự động 57 mm
Qua đánh giá sơ bộ, dễ nhận thấy mỗi dòng xe chiến đấu bộ binh trên có một ưu nhược điểm riêng, nhưng với điều kiện địa hình nhiều đồi núi, sông ngòi chẳng chịt như tại Việt Nam thì chiếc IFV hạng nặng như T-15 Armata tỏ ra không phù hợp bằng BMP-3, nó sẽ khó xoay trở khi phải triển khai tại vùng núi và dễ bị cô lập khi hoạt động tại vùng sông nước.
Tuy nhiên không loại trừ viễn cảnh T-15 Armata vẫn sẽ được lựa chọn để bố trí tại khu vực thích hợp với nó trong vai trò phương tiện đảm trách phòng thủ.
Xe chiến đấu bộ binh BMP-3 trình diễn tính năng