Sau giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, các bệnh viện tại TPHCM đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có việc phát triển công nghệ thông tin (CNTT). Bệnh viện Trưng Vương là một trong những cơ sở y tế đi tiên phong trong triển khai ứng dụng CNTT từ năm 2004. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, đến nay hầu hết máy móc, thiết bị đã xuống cấp, lỗi thời, hư hỏng không còn phù hợp với giai đoạn chuyển mình của công nghệ số.
BS Huỳnh Ngọc Hớn, Phó Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương cho biết, các máy chủ và thiết bị lưu trữ tại bệnh viện đã hết khấu hao, nhiều máy hư hỏng phải sửa chữa hoặc thay mới. Trang thiết bị mới và cũ không đồng bộ khiến hệ thống phân mảnh, không phát huy hết tài nguyên từng thiết bị. 10 nhân sự CNTT của bệnh viện hiện nay chỉ loay hoay sửa chữa, không có nhiều thời gian cho việc xây dựng và phát triển các phần mềm ứng dụng.
Bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu TPHCM hội chẩn từ xa qua công nghệ thông tin ảnh: Vân Sơn
Bệnh viện Hùng Vương là đơn vị có nền tảng CNTT được đánh giá cao trong hệ thống y tế tại TPHCM nhưng cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Theo PGS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, ngoài hệ thống phần mềm và các trang thiết bị y tế cũ không tương thích, tình hình tài chính khó khăn nên bệnh viện không thể đầu tư đồng bộ. Trong khi đó, nhân sự chuyên trách lĩnh vực CNTT trình độ cao hiện nay rất khó tuyển dụng vì mức thu nhập của bệnh viện quá thấp so với thị trường.
Những thách thức
Trước thực tế đang diễn ra, ngày 15/11, Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TPHCM làm việc với Sở Y tế cùng các sở, ban ngành liên quan giám sát việc triển khai Đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Báo cáo với đoàn giám sát, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, mục tiêu của Đề án Y tế thông minh hướng tới xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành y tế, đóng góp vào kho dữ liệu lớn của thành phố. Các cơ sở y tế sẽ triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và các ứng dụng công nghệ thông tin CNTT để tăng thêm tiện ích cho người bệnh. Ứng dụng CNTT còn góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải cách hành chính và quản lý ngành. Trong những năm tới, CNTT sẽ trở thành giải pháp đắc lực trong quản lý sức khỏe của người dân và phòng chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, trên thực tế ngành y tế TPHCM đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Theo TS.BS Nguyễn Anh Dũng, hạ tầng công nghệ không tương thích với phạm vi và quy mô triển khai ứng dụng là thách thức lớn nhất các bệnh viện đang gặp phải khi triển khai ứng dụng CNTT trong thời gian qua và việc thiếu tính chuyên nghiệp trong tư vấn cho các dự án phát triển hạ tầng công nghệ của bệnh viện là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên.
Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết thách thức lớn hơn khi muốn đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại các bệnh viện chính là nguồn nhân lực chuyên trách. Hầu hết dự án tại bệnh viện là do các công ty phần mềm thực hiện nhưng không phải tất cả chuyên gia của các công ty đều am hiểu những quy trình hoạt động chuyên môn đặc thù của ngành y tế. Thực tế, khá nhiều bệnh viện không hài lòng với sản phẩm phần mềm thông tin bệnh viện (HIS).
Hệ thống thiết bị CNTT tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trưng Vương đã lỗi thời ảnh: Vân Sơn
Ngoài những hạn chế về sự thiếu đồng bộ về hạ tầng, đến nay các bệnh viện ở TPHCM vẫn chưa thống nhất “ngôn ngữ dùng chung” khi xây dựng các phần mềm ứng dụng.
Đưa CNTT vào cơ cấu giá viện phí
Trước những khó khăn của ngành Y tế, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TPHCM Võ Thị Trung Trinh cho rằng, việc đầu tư hạ tầng cần phối hợp nhiều giải pháp. Ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách, quỹ phát triển sự nghiệp tại các bệnh viện cần chủ động chi cho đầu tư hệ thống hạ tầng CNTT. “Phương án thuê dịch vụ CNTT tại các bệnh viện sẽ giải quyết được các khó khăn trước mắt về tư vấn, nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin cho ngành y tế”, bà Trinh gợi ý.
Theo TS.BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế Công cộng TPHCM (thành viên đoàn giám sát), nếu mỗi bệnh viện phải chi hàng chục tỷ đồng xây dựng hạ tầng và lưu trữ dữ liệu trong giai đoạn còn nhiều khó khăn như hiện nay thì đi thuê là giải pháp cần tính đến. Phương án này vừa tiết kiệm chi phí vừa tránh được tình trạng nhanh chóng lạc hậu của các thiết bị công nghệ, đồng thời các công ty cung cấp dịch vụ có trách nhiệm đảm bảo nhân sự vận hành, bảo mật, an ninh, an toàn của dữ liệu và toàn bộ hệ thống lưu trữ.
Theo Sở Y tế và một số chuyên gia, phương án lâu dài để phát triển bền vững CNTT trong bệnh viện là cần đưa chi phí CNTT vào cơ cấu giá thành của viện phí. Đây là yếu tố cốt lõi để có kinh phí đầu tư hạ tầng, đào tạo nhân lực và chi trả cho mọi hoạt động trong quá trình vận hành của hệ thống y tế thông minh.