Sự sụp đổ của các hiệp ước kiểm soát vũ khí
Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Moscow đã đình chỉ Hiệp ước New START - một trong những hiệp ước kiểm soát vũ khí cuối cùng còn hiệu lực. Hiệp ước này hạn chế số lượng vũ khí hạt nhân chiến lược do Mỹ và Nga phát triển.
Thông báo của ông được đưa ra sau khi Moscow nhiều lần cảnh báo sẵn sàng sử dụng mọi phương tiện sẵn có, bao gồm cả vũ khí hạt nhân nếu sự tồn tại của nhà nước và người dân bị đe dọa.
Một số chuyên gia nói rằng việc Nga sử dụng tên lửa có khả năng hạt nhân [nhưng chỉ mang đầu đạn theo quy ước – ND] ở Ukraine đã làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí tương lai, trong khi mối quan hệ lạnh nhạt giữa Washington và Moscow làm lu mờ hy vọng Nga và Mỹ có thể đàm phán để thay thế Hiệp ước New START khi nó hết hạn vào tháng 2/2026.
Những mối lo ngại về khó khăn trong việc giải trừ vũ khí đang gia tăng trên toàn cầu với việc Iran gần đây sản xuất uranium có độ làm giàu cao trong khi những cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng về hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên chững lại.
Hàn Quốc và các đồng minh khác của Mỹ đã bắt đầu thảo luận về việc cần phải xem xét lại chính sách vũ khí phi hạt nhân trong thời đại biến động hiện nay.
Trong khi đó, các cuộc thảo luận bắt đầu nóng lên ở Mỹ về những lợi ích của việc tìm kiếm những thỏa thuận vũ khí tương lai trong thế giới mà kho hạt nhân ngày càng gia tăng của Trung Quốc không bị kiềm chế bởi bất kỳ hiệp ước nào và Bắc Kinh không có ý định đàm phán về các biện pháp kiểm soát chúng.
Thậm chí cả khi điện Kremlin không "khai tử" Hiệp ước New START vào năm 2026 thì khả năng Quốc hội Mỹ nhất trí một thỏa thuận thay thế không bao gồm Trung Quốc "về cơ bản là bằng 0".
Tương lai của việc kiểm soát vũ khí có vẻ khá ảm đạm", Matthew Kroening, Giám đốc Trung tâm An ninh và Chiến lược Scowcroft của Hội đồng Đại Tây Dương cho hay.
Việc kiểm soát vũ khí đã đứng trước sức ép từ trước khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra. Năm 2002, Mỹ rút khỏi Hiệp ước Chống Tên lửa đạn đạo, cho rằng nó không còn cần thiết. Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) cũng sụp đổ vào năm 2019 sau nhiều năm Washington và Moscow cáo buộc nhau vi phạm các điều khoản.
Thông báo của Tổng thống Putin về việc đình chỉ Hiệp ước New START không hoàn toàn khai tử nó mà theo đó, Nga sẽ không cho phép các cuộc kiểm tra diễn ra. Dù vậy, Moscow vẫn tuân thủ giới hạn không triển khai quá 1.550 đầu đạn hạt nhân theo điều khoản trong Hiệp ước.
Ngoài ra, New START cũng giới hạn số lượng tên lửa chiến lược và máy bay ném bom mà hai bên có thể sở hữu. Chính quyền cựu Tổng thống Trump đã không thành công trong việc đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật - về lý thuyết có thể triển khai trên chiến trường - vào thỏa thuận. Ước tính, Nga có khoảng 2.000 vũ khí chiến thuật so với con số 230 trong kho vũ khí của Mỹ.
Phương Tây hiện lo ngại nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân và đạt được mục tiêu, điều đó sẽ tạo ra "tiền lệ nguy hiểm".
Hình ảnh được Bộ Quốc phòng Nga công bố vào mùa thu năm ngoái cho thấy một cuộc phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa. Ảnh: AP
Nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân
Những lo ngại trên đã làm dấy lên cuộc tranh luận ở Washington về chiến lược hạt nhân tương lai của Mỹ. Trong khi một số người coi việc Nga tạm dừng Hiệp ước New START là một cơ hội để Mỹ mở rộng kho hạt nhân thì nhiều chuyên gia tin rằng Mỹ nên tiếp tục duy trì Hiệp ước chừng nào Moscow vẫn tuân thủ mức trần về số lượng đầu đạn.
Ngoài ra cũng có những quan điểm khác nhau về việc chiến lược hạt nhân Mỹ nên phát triển như thế nào khi Trung Quốc mở rộng chương trình hạt nhân, có thể tạo nên tình thế Washington phải đối phó với 2 đối thủ cùng lúc.
Tháng trước, đánh giá về mối đe dọa thường niên của cơ quan tình báo Mỹ cho biết: “Bắc Kinh không quan tâm đến các thỏa thuận giới hạn kế hoạch của mình và sẽ không nhất trí tham gia các cuộc đàm phán bị mắc kẹt trong các lợi ích của Mỹ hoặc Nga”.
Các quan chức Mỹ ước tính, Trung Quốc có khoảng 400 đầu đạn hạt nhân và con số này có thể lên đến 1.500 vào năm 2035.
Theo ông Kroening, khi kho vũ khí của Nga và Trung Quốc gia tăng, Mỹ vừa gắn với chính sách hạt nhân truyền thống, vừa gia tăng số lượng đầu đạn sẵn sàng triển khai để có thể gây ra rủi ro cho các căn cứ quân sự, trung tâm chỉ huy, kiểm soát cũng như các hầm chứa tên lửa của Trung Quốc và Nga.
Điều đó tức là bất kỳ thỏa thuận nào sau New START hạn chế số lượng đầu đạn hạt nhân sẵn sàng triển khai đều khó có khả năng thực hiện.
Daryl Kimball – Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí thì cho rằng: “Vấn đề thực sự là Mỹ, cũng như bất kỳ quốc gia nào khác có bao nhiêu vũ khí hạt nhân cần thiết để ngăn chặn đối phương tấn công”.
Một số chuyên gia cho rằng, hướng tiếp cận này có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ khí tốn kém, nguy hiểm và không phục vụ lợi ích của bất kỳ ai.