Máy bay không người lái Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP.
Vai trò ngày càng lớn của UAV
Vào những ngày đầu của cuộc chiến Nga-Ukraine năm 2022, máy bay không người lái (UAV) vũ trang Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Giai đoạn đó, UAV này khá làm mưa làm gió trên chiến trường, bắn phá các mục tiêu là xe tăng, xe thiết giáp của quân đội Nga.
Những gì mà UAV Bayraktar TB2 thể hiện đã đóng vai trò như màn quảng cáo cho sản phẩm này. Quân đội nhiều nước sau đó đổ xô đặt hàng loại UAV này của hãng Baykar.
Tuy nhiên UAV Bayraktar TB2 chỉ tỏ ra hiệu quả chủ yếu trong vài tuần đầu của cuộc xung đột quân sự Ukraine. Khi Nga tổ chức lại hoạt động hệ thống phòng không của mình thì hiệu quả của Bayraktar TB2 giảm đáng kể.
Dẫu vậy, UAV (còn gọi là drone) vẫn đóng vai trò lớn trong tác chiến hiện đại, trở thành xu hướng của chiến tranh ngày nay. Các bên tham chiến tại Ukraine đang thực hiện nhiều sáng tạo, đổi mới trong sử dụng UAV, kể cả loại đắt tiền do phương Tây cung cấp lẫn loại dân dụng rẻ tiền được chỉnh sửa cho mục đích quân sự. Các thông tin mới đây cho thấy, chính Nga cũng đang xem xét mua UAV của Iran để đáp ứng nhu cầu của họ trên chiến trường.
UAV phục vụ nhiều mục đích trong xung đột quân sự
Ở giai đoạn hiện nay của cuộc chiến Ukraine, UAV ít hiệu quả trong tiến hành tấn công. Công dụng chủ yếu của UAV ở cả hai phía là trinh sát vị trí đối phương và nhận diện mục tiêu cho pháo tấn công.
Thách thức đối với UAV Ukraine lúc này là các tín hiệu định vị GPS của chúng dễ bị gây nhiễu bởi hệ thống tác chiến điện tử của Nga. Do vậy, đôi lúc Ukraine phải lập trình trước cho UAV tự động bay đi và bay về thay vì trực tiếp điều khiển nó theo giờ thực. Làm như vậy thì vẫn ổn trong tấn công kho đạn, đầu mối đường sắt hay các chuyển động quy mô lớn.
Nhưng theo Justin Bronk, chuyên viên nghiên cứu tại Viện Liên quân chủng Hoàng gia, việc không điều khiển được theo giờ thực đã ảnh hưởng đáng kể đến tính hiệu quả của pháo binh Ukraine trong khoảng tháng qua.
Phía Nga cũng đang sử dụng UAV cho việc trinh sát và chỉ thị mục tiêu cho pháo binh.
UAV được sử dụng không chỉ để theo dõi đối phương mà còn để thực hiện nghi binh, đánh lạc hướng đối phương.
Một số nguồn tin phía Ukraine cho biết, UAV TB2 đã được sử dụng làm mồi nhử để đánh đắm chiến hạm Moskva thuộc hạm đội Biển Đen của Nga. Theo các nguồn tin này, UAV TB2 đã thu hút hệ thống phòng không của chiến hạm Moskva để tạo điều kiện cho tên lửa hành trình Neptune đánh trúng tàu.
Ngoài ra có vẻ như một số loại UAV cảm tử cũng đã được dùng để tấn công một số mục tiêu trên đất Nga, như vụ tấn công nhà máy lọc dầu ở thị trấn Novoshakhtinsk vào tháng 6/2022. Vụ này đã được chính các công nhân ngành dầu quay video.
UAV Mỹ
Mỹ đã gửi cho Ukraine hàng trăm UAV Switchblade được thiết kế để bay lơ lửng trên mục tiêu rồi lao thẳng xuống đó. Ngoài ra còn có các phiên bản chỉnh sửa tên là Phoenix Ghost dùng để đáp ứng nhu cầu của Ukraine ở khu vực Donbass.
Nhà Trắng được cho là đã ngừng việc bán theo đề xuất cho Ukraine loại UAV MQ-1C Gray Eagle – một trong các UAV chiến đấu tiên tiến nhất của Mỹ do quan ngại các UAV như thế này có thể rơi vào tay Nga.
Tại một cuộc họp báo ở Washington vào tháng trước, các phi công Ukraine hoài nghi khả năng một hệ thống đắt tiền như vậy sẽ hữu ích ở Donbass. Một chiếc UAV Gray Eagle có giá hơn 20 triệu USD so với chỉ khoảng 1 triệu USD của một chiếc TB2.
Một phi công mang biệt danh Moonfish nói: “Sử dụng UAV đắt tiền như thế là rất nguy hiểm. Với trình độ của phòng không Nga hiện nay và tầm bắn của tên lửa do UAV Gray Eagles mang, tôi chắc tới 90% rằng nó sẽ bị bắn hạ”.
UAV quân sự tự chế
DJI Mavic 3 – một loại UAV của Trung Quốc với 4 động cơ ở 4 góc, có thể mua với giá chỉ khoảng 2.000 USD trên Amazon. Do dễ tiếp cận về mặt thương mại và có số lượng lớn, UAV loại này tỏ ra quan trọng không kém các phiên bản quân sự nâng cao.
Kể từ hồi 2014, các tình nguyện viên dân sự Ukraine trong nhóm Aerorozvidka đã nỗ lực cải biến các UAV thương mại thành UAV dạng quân sự.
Năm nay (2022) số lượng thành viên nhóm Aerorozvidka đã tăng đột biến, trong đó cả các quân nhân chia sẻ kinh nghiệm chiến đấu của họ.
Các cải tiến gồm mở rộng tầm bay, lắp thêm hệ thống nhiệt ảnh và các chỉnh sửa được in bằng công nghệ 3D để giúp các UAV này thả lựu đạn lên xe tăng đối phương với độ chính xác không nhỏ.
Faine Greenwood – một nhà nghiên cứu UAV dân sự, đã xây dựng một cơ sở dữ liệu gồm hơn 600 trường hợp UAV thương mại đang được sử dụng trong chiến sự giữa Ukraine và Nga.
Quân đội Nga không ủng hộ binh sĩ của mình sử dụng UAV thương mại thay cho UAV quân sự. Nhưng trên mạng xã hội vẫn có những bức ảnh cho thấy quân Nga có sử dụng và chỉnh sửa các UAV thương mại cho phù hợp với nhiệm vụ cụ thể.
UAV ngoài nhiệm vụ tấn công, trinh sát, đánh lạc hướng, còn ghi hình để phục vụ công tác tuyên truyền phô trương thanh thế hoặc tố cáo lẫn nhau ở cả hai phe.
UAV đang ngày trở nên phổ biến
Trước đây người ta thường gắn liền UAV với cuộc chiến của Mỹ chống khủng bố ở khu vực Trung Đông. Lực lượng quân sự của siêu cường này có thể ngồi ở một nơi an toàn cách xa mục tiêu hàng ngàn dặm, điều khiển UAV tiêu diệt mục tiêu với rủi ro tối thiểu cho họ. Lúc đó ít có quốc gia nào có được khả năng ấy như họ.
Nhưng bây giờ bức tranh đã thay đổi. Mỹ và các cường quốc khác không độc tôn sở hữu lợi thế áp đảo về công nghệ UAV.
Chính một viên chỉ huy quân sự Mỹ mới đây đã thừa nhận rằng các UAV nhỏ, bao gồm phiên bản thương mại, có thể dễ dàng chuyển đổi để phục vụ mục đích quân sự. Các UAV kiểu này giúp các nước nhỏ hơn và các nhóm nổi dậy “san phẳng sân chơi” theo hướng bình đẳng hơn.
Ít nhất 30 nước, như Iran, Iraq, Nigeria và Pakistan… đã có UAV vũ trang trong kho vũ khí của họ.
UAV đã đóng vai trò quan trọng trên chiến trường trong các cuộc xung đột gần đây giữa chính phủ Ethiopia và quân nổi dậy Tigrayan, giữa Armenia và Azerbaijan, và giữa Ukraine và Nga.
Cuộc chiến ở Ukraine đang cho thế giới thấy các khả năng cũng như giới hạn của công nghệ UAV trong một cuộc chiến tranh hiện đại./.