Hoạt động khai thác khí đốt trên mỏ Tamar. Ảnh: ToI
Tàu chiến của Hải quân Israel đã phóng nhiều tên lửa Spike nhằm vào các mục tiêu ở Gaza. Đây là loại tên lửa dẫn đường chính xác, thuộc dòng tên lửa chống tăng Spike NLOS phiên bản dùng cho hải quân, có tầm bắn trên 32 km.
Spike NLOS có thể diệt mục tiêu theo chế độ "bắn và quên" hoặc được trắc thủ điều khiển trực tiếp sau khi phóng thông qua camera hồng ngoại, vì thế có độ chính xác rất cao.
Thông tin từ phía Israel cho thấy, trong một tuần mở chiến dịch không kích vào Gaza, hải quân Israel đã thực hiện khoảng 100 đợt tấn công nhằm vào các mục tiêu Hamas, sử dụng tàu hộ vệ tên lửa và nhiều tàu chiến khác.
"Điều quan trọng nhất đối với Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) chính là hủy diệt tiềm lực đối phương, thiết lập một lớp phòng thủ mạnh. Vì thế, chúng tôi đã tấn công căn cứ, tàu thuyền, kho vũ khí, cơ sở hạ tầng và mạng lưới của đối phương. Chúng tôi hành động để làm suy yếu vũ trang hải quân của Hamas và các nhóm Hồi giáo Palestine", Tư lệnh hải quân Israel Eli Sharvit phát biểu trước báo giới.
Ngoài nhiệm vụ tấn công các mục tiêu của Hamas tại Gaza, hải quân Israel còn đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho mỏ dầu khí Tamar, nằm cách thành phố cảng Haifa khoảng 80km, cách bờ biển tỉnh Ashkelon – địa điểm hứng chịu nhiều rocket nhất của Hamas, hơn 20km. Đây là mỏ dầu khí lớn nhất ở bồn địa Levant thuộc đông Địa Trung Hải, được phát hiện vào năm 2009.
Một phần không nhỏ nguồn điện năng cung ứng cho người dân Israel là từ mỏ khí Tamar, vì thế hải quân Israel đã triển khai nhiều tàu tên lửa lớp Sa’ar 6 tới bảo vệ cơ sở này. Dấu hiệu đe dọa với mỏ dầu khí ở đông Địa Trung Hải này xuất hiện vào tuần trước, khi tập đoàn dầu khí Chevron (Mỹ) đình chỉ hoạt động tại giàn khoan Tamar.
Quyết định được Chevron – đơn vị nắm 40% cổ phần tại mỏ Tamar, đưa ra sau khi Lữ đoàn Al Qassam - cánh vũ trang chủ chốt của Hamas, tuyên bố đã nhắm mục tiêu vào "một giàn khoan" ngoài khơi Gaza.
Hệ thống Vòm Sắt được lắp đặt trên các tàu hộ vệ tên lửa của Israel. Ảnh: TheDrive
Sau khi Chervon tạm đóng cửa mỏ khí Tamar, tờ Thời báo Israel (Times of Israel) cho biết phái Hamas đã phóng hàng chục rocket về phía các giàn khoan tại mỏ Tamar. Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy đòn tấn công của Hamas gây thiệt hại cho cơ sở dầu khí này.
Cũng chưa xuất hiện thông tin kiểm chứng về tỉ lệ đánh chặn thành công của các hệ thống Vòm Sắt (Iron Dome) được trang bị trên các tàu tên lửa lớp Sa’ar 6 đối với rocket của Hamas. Nhưng truyền thông Israel khẳng định chưa có bất kỳ một quả rocket nào bay được sát tới giàn khoan Tamar.
Một vũ khí tiềm tàng khác có thể được Hamas sử dụng để tấn công các mục tiêu trên biển của Israel là thiết bị bay không người lái tự sát, mang đầu đạn gây nổ, có khả năng dẫn đường nhất định. Đây chính là các thiết bị bay được phiến quân Houthi ở Yemen sử dụng rộng rãi.
Việc kết hợp Vòm Sắt trên các tàu tên lửa dường như là chiến thuật hợp lý của Isrel, bởi ngoài đánh chặn rocket, hệ thống phòng thủ này còn có khả năng diệt mục tiêu là thiết bị bay không người lái, tên lửa hành trình.
Tuần trước, một tiêm kích F-16 của không quân Israel hoạt động ở đông Ấn Độ Dương đã bắn hạ một thiết bị bay tự sát do Hamas phóng lên.
Cũng có thông tin cho thấy, Israel đã triển khai ít nhất một tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn Barak-1 gần địa điểm giàn khoan, tạo thêm một lớp bảo vệ tăng cường, nhờ khả năng đánh chặn máy bay, tên lửa diệt hạm và thiết bị bay không người lái của Barak-1.
Cuối cùng là tàu lặn không người lái, loại vũ khí mà Hamas sở hữu và có khả năng tấn công cơ sở dầu khí ngoài khơi. Đây là loại thiết bị lặn được điều khiển từ xa, có gắn thiết bị gây nổ, có khả năng mang đầu đạn nặng 30 kg.
Truyền thông Israel ngày 17/5 đã cho đăng tải đoạn video ghi lại cảnh IDF tiêu diệt một tàu lặn không người lái ở gần bờ biển phía bắc Dải Gaza.