Thực hư việc Mỹ tạo ra đội quân bí mật hàng chục nghìn người. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ)
Theo tạp chí Newsweek, Lầu Năm Góc trong 10 năm qua đã tạo ra một “đội quân bí mật” lớn nhất thế giới, với số lượng gần 60 nghìn người.
Dựa trên kết quả điều tra của tạp chí Mỹ cho biết, không rõ số lượng chính xác của đội quân này, nhưng theo các nguồn tin, nó lớn hơn gấp 10 lần so với các đơn vị bí mật của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Newsweek cho rằng, những người lính của quân đội làm việc cả bên trong nước Mỹ và ở nước ngoài, họ là một những quân nhân và dân thường, một số là “lấy bình phong” trong các công ty tư vấn.
Theo tạp chí này, tổng cộng có khoảng 130 công ty tư nhân tham gia vào chương trình, hàng năm dành gần 1 tỉ USD cho các hoạt động bí mật. Số tiền này được sử dụng để làm tài liệu giả, thanh toán hóa đơn cho các điệp viên nằm vùng cũng như tạo ra các thiết bị quay phim và nghe lén ở những vùng xa xôi nhất của Trung Đông và châu Phi.
“Hơn một nửa trong đội quân này là những người lính đặc nhiệm. Họ truy tìm những kẻ khủng bố ở Pakistan, Tây Phi và hoạt động nhiều hơn ở Triều Tiên và Iran”, Newsweek cho biết.
Theo Newsweek, đội quân bí mật cũng bao gồm các chuyên gia tình báo và phản gián, cũng như các nhà ngôn ngữ học. Được biết, một nhóm mới phát triển là các “chiến binh mạng” và thu thập thông tin tình báo - họ hoạt động trực tuyến dưới tên giả, xác định các mục tiêu quan trọng và tiến hành các chiến dịch thao túng mạng xã hội.
“Mục tiêu của chương trình không chỉ là chống khủng bố mà còn nhằm đưa Lầu Năm Góc sang một mối quan hệ đối địch nặng nề hơn với Nga và Trung Quốc”, Newsweek nhận định.
Bình luận về những thông tin trên của Newsweek đăng tải, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban của Hội đồng Liên bang Nga về các vấn đề quốc tế, ông Vladimir Dzhabarov cho biết Quốc hội Mỹ nên yêu cầu cung cấp tất cả các thông tin cần thiết từ Bộ Quốc phòng. “Ngay cả khi những chương trình có tính chất bí mật”, ông Dzhabarov chia sẻ với RIA.
Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban của Hội đồng Liên bang Nga cho rằng, “ông không thực sự tin tưởng vào thông tin về đội quân bí mật của Mỹ”.
Đồng thời, ông Dzhabarov cũng không loại trừ việc một số người trong các cơ quan đặc nhiệm của Mỹ quan tâm đến việc tổ chức các cuộc khiêu khích dưới chiêu bài “các cuộc tấn công của hacker Nga”.
Trong khi đó, Đại tá Konstantin Sivkov, Tiến sĩ Khoa học Quân sự, Viện sĩ Viện Hàn lâm Tên lửa và Pháo binh Nga nhận định, “đội quân bí mật” của Lầu Năm Góc, mà các phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin thực chất là một mạng lưới phát triển của các công ty quân sự tư nhân.
“Cái được gọi là ‘quân đội bí mật’ thực ra không hơn gì một hệ thống các công ty quân sự tư nhân giải quyết các vấn đề khác nhau, hoạt động độc lập, và không thay mặt cho Mỹ”, ông Sivkov nói.
Theo Tiến sĩ Khoa học Quân sự người Nga, các công ty tư nhân có thể cùng với lực lượng hoạt động đặc biệt tham gia vào việc thực hiện chiến dịch nội gián.