Xung đột Armenia-Azerbaijan bị quốc tế hóa: Đốm lửa nhỏ thành đám cháy to?

Kiều Anh |

Việc có thêm các quốc gia can thiệp vào cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan khiến những căng thẳng vốn âm ỉ có nguy cơ bùng lên thành một cuộc chiến với hậu quả thảm khốc.

Lệnh ngừng bắn sụp đổ, sự thù địch dâng cao

Giữa bối cảnh thế giới vẫn đang tìm cách đối phó với đại dịch Covid-19, cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia tại khu vực Nagorno - Karabakh có nguy cơ biến thành một cuộc chiến có ảnh hưởng rộng lớn ở cả châu Âu và châu Á.

Lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian hòa giải hôm 10/10 đã bị phá vỡ trong khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thừa nhận hôm 12/10 rằng sự thù địch giữa các bên vẫn tiếp tục leo thang.

Cuộc xung đột nổ ra cách đây 2 tuần đã khiến hơn 300 người thiệt mạng. Theo Chủ tịch Ủy ban Quốc tế của Hội Chữ Thập đỏ (ICRC) Peter Maurer, những cuộc giao tranh ác liệt đến nỗi các nhân viên làm việc gần khu vực đường liên lạc phải thường xuyên tìm chỗ trú ẩn.

Cả Armenia và Azerbaijan đều cáo buộc nhau vi phạm các điều khoản ngừng bắn tại khu vực Nagorno-Karabakh. Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của NATO đã bác bỏ thỏa thuận ngừng bắn giữa 2 nước trên, đồng thời công khai ủng hộ Azerbaijan.

Hôm 10/10, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định lệnh ngừng bắn này "không phải vật thay thế cho một giải pháp bền vững" và rằng Ankara sẽ tiếp tục đứng về phía chính phủ Azerbaijan tại Baku.

Hiện vẫn chưa rõ liệu điều gì đã khiến xung đột 2 bên nổ ra khi mà cả Armenia và Azerbaijan đều cáo buộc nhau tấn công trước. Tuy nhiên, rõ ràng đằng sau các cuộc giao tranh trên hàm ý những tính toán sâu xa hơn.

Khu vực Nam Kavkaz này là một điểm trung chuyển dầu, khí đốt và hàng hóa quan trọng tới nỗi nếu bị gián đoạn, việc đó có thể tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt khi Liên minh châu Âu sẽ sớm tiếp nhận lượng khí đốt từ Azerbaijan.

Nam Kavkaz trở thành một khu vực chiến lược sau khi Liên Xô sụp đổ và Azerbaijan đã tìm cách xuất khẩu dầu cùng với khí đốt mà không cần phụ thuộc vào hệ thống đường ống của Nga bằng cách tự xây dựng đường ống của riêng mình.

Một đường ống dẫn khí của Azerbaijan đã được hoàn thành vào năm ngoái, chạy gần khu vực xảy ra xung đột và đi qua Thổ Nhĩ Kỳ với mục đích hỗ trợ châu Âu giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu khí đốt từ Nga.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng các lực lượng của Armenia sẽ không nhắm đến hệ thống đường ống của Azerbaijan bởi những tác động đáng kể từ việc này có thể hủy hoại sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế dành cho Armenia.

Đốm lửa nhỏ có thể thành đám cháy to?

Ước tính 70.000 - 75.000 người, tương đương với một nửa dân số khu vực Karabakh đã phải rời bỏ nhà cửa. Cuộc xung đột Armenia - Azerbaijan cần phải được giải quyết một cách thận trọng, nhất là khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn ủng hộ 2 bên đối lập nhau trong các cuộc chiến ở Syria và Libya, cũng liên quan đến những giao tranh này.

Duy trì quan hệ thân thiết với cả Armenia và Azerbaijan, Nga muốn hạ nhiệt căng thẳng giữa 2 quốc gia này nhưng việc Thổ Nhĩ Kỳ công khai ủng hộ Azerbaijan khiến những nỗ lực làm trung gian hòa giải của Nga trở nên khó khăn hơn.

Các nhà phân tích cho rằng, nếu Nga không can thiệp, nước này sẽ bị coi là yếu đuối và rằng Moscow đã mất đi quyền kiểm soát phạm vi ảnh hưởng truyền thống của mình. Tuy nhiên, nếu can thiệp và mạo hiểm từ bỏ vai trò trung gian hòa giải, Nga có thể đẩy Azerbaijan đến gần hơn "vòng tay" của Thổ Nhĩ Kỳ.

Azerbaijan khẳng định sẽ không dừng lại cho tới khi giành được vùng lãnh thổ đang tranh chấp trên. Điều đó đã gây sức ép cho Nga khi ủng hộ Armenia, nơi đặt 1 căn cứ quân sự của Nga và là quốc gia nằm trong Hiệp ước Phòng thủ Tập thể do Nga dẫn đầu.

Gần đây, Tổng thống Putin đã khẳng định Moscow không có nghĩa vụ phải bảo vệ Armenia như một phần trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể bởi cuộc giao tranh chỉ giới hạn trong gần như toàn bộ khu vực Nagorno – Karabakh.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, vốn có mối quan hệ kinh tế và văn hóa chặt chẽ với Azerbaijan, đồng thời có những khúc mắc trong lịch sử với Armenia, được cho là đã đưa lính đánh thuê từ Syria tới đường liên lạc bao quanh hơn 4.400 km2 khu vực Nagorno - Karabakh mặc dù phía Ankara đã phủ nhận việc này.

Hiện Iran cũng thể hiện sẵn sàng can thiệp vào cuộc xung đột. Trong khi Tổng thống Hassan Rouhani cho biết ông hy vọng sẽ "khôi phục lại sự ổn định" của khu vực thì chỉ huy lực lượng Bảo vệ Biên giới Iran cho biết, các lực lượng nước này đã được bố trí "theo đội hình cần thiết" sau khi khẳng định một vài quả đạn pháo và tên lửa đã rơi trên lãnh thổ Iran.

"Những gì chúng ta đang chứng kiến đã phản ánh bối cảnh của thế giới, đó là sự quốc tế hóa cuộc xung đột, vượt ngoài sự tham gia của các bên liên quan.

Điều này dẫn đến những tính toán nguy hiểm. Bề ngoài, dường như mọi thứ diễn ra vẫn khá chậm nhưng sâu xa bên trong, sự ổn định đã vô cùng mong manh", ông Maurer của IRGC nhận định.

Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng tình hình khi mà việc giới hạn đi lại khiến các bên khó tiến hành các hoạt động ngoại giao trực tiếp.

Theo ông Maurer, việc thích nghi với một cuộc sống bình thường mới vẫn là công việc đang được thực hiện: "Đại dịch Covid-19 đã ngăn cản các cuộc tiếp xúc trực tiếp và chắc chắn việc này ngăn cản các hoạt động ngoại giao không chính thức. Ngoại giao trực tuyến vẫn có thể tạo nên tiến triển nhưng đây không phải là cách để có thể tạo nên những cuộc đàm phán đáng tin và bí mật".

Tất cả những nguyên nhân trên đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm về cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan giữa đại dịch Covid-19.

Đám lửa âm ỉ, giống như cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh, có nguy cơ bùng lên thành đám cháy lớn, ngăn cản mọi giải pháp hay cũng giống như virus SARS-CoV-2 đang lây lan toàn cầu, căng thẳng giữa các bên có thể nhanh chóng tác động ngược trở lại thế giới và tạo nên những kết quả vô cùng thảm khốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại