Cụ thể, khi được hỏi về việc liệu có yêu cầu nào từ phía Hải quân Nga nhằm tăng số lượng các bệ phóng tên lửa trên tàu lớp Buyan-M (đề án 21631) hay không? Ông Renat Mistakhov đã cho biết:
"Một nghiên cứu như vậy đang được tiến hành, việc tăng số lượng vũ khí mang theo sẽ dẫn đến việc tăng lượng giãn nước của con tàu, chúng tôi đã đề xuất việc tăng lượng giãn nước cho đề án 21631 (lớp Buyan-M) và 11661 (lớp Gepard).
Ví dụ với các tàu lớp Buyan-M, chúng tôi đề xuất nâng số lượng ống phóng tên lửa từ 8 lên 16. Và trên tàu lớp Gepard, số lượng ống phóng tên lửa sẽ được nâng lên con số 24.
Đặc biệt với đề án 1166, chúng tôi đề xuất lắp đặt 2 cụm bệ phóng thẳng đứng đa năng UKSK (mỗi cụm có 8 ống phóng) ở phía sau khối thượng tầng của buồng lái, nằm ngay chính giữa thân tàu và 1 cụm bệ phóng UKSK khác ở phía mũi tàu. Phía Hải quân Nga rất hào hứng với đề xuất này".
Ông Renat Mistakhov, Tổng Giám đốc Tập đoàn Ak Bars, Nga.
Cũng theo ông Renat Mistakhov thì nếu với các tàu tên lửa thuộc đề án 21631 thì việc tăng gấp đôi số ống phóng tên lửa sẽ tăng lượng giãn nước của lớp tàu này từ 900 tấn lên khoảng 1.300-1.500 tấn.
Còn với đề án 11661, việc lắp 3 cụm bệ phóng UKSK (với tổng số 24 ống phóng) có thể phù hợp với thiết kế hiện tại của con tàu.
Như vậy, với những thông tin được ông Renat Mistakhov cung cấp, chúng ta có thể hình dung về việc họ sẽ tăng số lượng ống phóng tên lửa như sau:
- 2 cụm bệ phóng lắp ở giữa thân tàu sẽ tương tự như biến thể tàu Gepard được Nga giới thiệu ở Triển lãm DSE Vietnam 2019 cũng như trên thiết kế của đề án 11664.
Mẫu thiết kế tàu Gepard với 2 cụm bệ phóng thẳng đứng đa năng UKSK (với 16 ống phóng thẳng đứng) từng được Nga giới thiệu tại triển lãm DSE Vietnam 2019.
- 1 cụm bệ phóng lắp phía trước sẽ nằm ngay sau pháo chính và phía trước thượng tầng. Kiểu lắp này tương tự như trên tàu tên lửa Dagestan đề án 11661K của Hải quân Nga.
Việc đặt cụm ống phóng UKSK tại vị trí này thì bắt buộc phải loại bỏ hệ thống phòng thủ tầm cực gần phía trước.
Tàu tên lửa Dagestan (đề án 11661K) của Hải quân Nga phóng tên lửa Kalibr.
Với việc nâng số lượng ống phóng tên lửa thẳng đứng trên các tàu thuộc đề án 21631 và 11661 sẽ giúp các mẫu tàu chiến này có sức mạnh rất đáng nể.
Việc tàu Dagestan cũng như các tàu lớp Buyan-M từng tham chiến, phóng tên lửa Kalibr vào các mục tiêu của tổ chức khủng bố IS ở Syria đã cho thấy khi số lượng tên lửa mang theo được nhiều hơn, các tàu này sẽ còn có thể nâng cao thêm sức mạnh đến nhường nào.
Chúng hoàn toàn xứng tầm làm soái hạm mini cho các nước có tiềm lực kinh tế hạn chế, chưa có điều kiện để mua sắm những tàu có lượng choán nước lớn hơn.