Tên lửa S-400 khiến NATO rúng động: Thổ Nhĩ Kỳ có dám liều lĩnh chọc giận cả "Gấu Nga"?

Anh Tú |

Một hệ thống tên lửa có thể khống chế không phận đối phương như S-400 chắc chắn là một vũ khí mạnh và có thể đảo ngược cán cân chiến lược giữa các đối thủ.

Tên lửa S-400 Nga khiến NATO rúng động

Năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, bất chấp sự phản đối gay gắt từ phía Mỹ.

Đầu tháng 10/2020, các đơn vị S-400 đã được Ankara đưa đến khu vực Biển Đen, gần thành phố Sinop ở miền bắc Thổ Nhĩ Kỳ, để thực hiện một đợt thử nghiệm nữa có nguy cơ làm gia tăng mối quan ngại giữa các đồng minh NATO và cả các quốc gia láng giềng.

S-400 là một trong những hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất trên thế giới. Các radar của nó có thể phát hiện, theo dõi máy bay tấn công của đối phương và dẫn đường cho tên lửa tiêu diệt mục tiêu từ khoảng cách lên tới 400km. Hệ thống có thể tấn công cả các mục tiêu bay thấp và bay cao, gồm cả tên lửa đang di chuyển với tốc độ cao.

Nhờ khả năng uy lực như vậy nên S-400 được rất nhiều nước săn đón. Tên lửa của tổ hợp này có độ cơ động cao, đạt vận tốc lên tới Mach 14 (tức gấp 14 lần tốc độ âm thanh) và có thể chuyển hướng tấn công tiêu diệt mục tiêu.

Là một thành viên chủ chốt của NATO và đồng minh quan trọng của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ được coi là một phần không thể thiếu trong chương trình phát triển máy bay chiến đấu tàng hình F-35 và cũng là một trong những quốc gia đầu tiên được quyền tiếp nhận loại máy bay chiến đấu tiên tiến này.

Tên lửa S-400 khiến NATO rúng động: Thổ Nhĩ Kỳ có dám liều lĩnh chọc giận cả Gấu Nga? - Ảnh 1.

Các bộ phận của hệ thống tên lửa S-400 được Nga chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ tại sân bay quân sự Murted ở Ankara ngày 12/7/2019. Ảnh: AP

Tuy nhiên, việc Washington chần chừ bán hệ thống phòng không Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc Ankara phải chuyển hướng tìm giải pháp thay thế.

Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận mua S-400 của Nga vào năm 2017 và đã nhận chuyển giao 4 tổ hợp tên lửa đầu tiên trị giá 2,5 tỷ USD vào tháng 7/2019.

Trước quyết định này của Ankara, Mỹ đã chính thức loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35 vào tháng 7 năm ngoái.

Washington lo ngại rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào chương trình chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ sẽ không tương thích với việc sở hữu và vận hành hệ thống vũ khí từ đối thủ tiềm ẩn, vốn được thiết kế để bắn hạ máy bay do Mỹ sản xuất.

Liệu S-400 có được tích hợp vào mạng lưới liên lạc của NATO hay không? Liệu nó có thể trích xuất dữ liệu có giá trị cao về các máy bay tàng hình của Mỹ như F-35 rồi gửi về Nga hay không?

Chính vì những lý do này mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này tiếp tục sử dụng S-400.

Nôn nóng giải quyết cuộc khủng hoảng, các thượng nghị sĩ Mỹ thậm chí còn đưa ra phương án mua lại S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, Mỹ sẽ trả tiền mua S-400 cho Ankara như một khoản bồi thường nhưng yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ không bao giờ được sử dụng. Đề xuất đã bị Ankara bác bỏ.

Quyết liệt hơn, tháng 11/2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành cuộc thử nghiệm hoạt động đầu tiên của hệ thống radar trang bị cho S-400 với mục tiêu là các máy bay phản lực F-16 và F-4 của chính nước này.

Đến tháng 8/2020, một chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Hy Lạp đã bị radar S-400 nhắm vào khi đang trên đường trở về căn cứ từ cuộc tập trận quân sự đa quốc gia. Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã bị chỉ trích gay gắt vì hành động chống lại một đồng minh NATO.

Đầu tháng 10 năm nay, các đơn vị S-400 đã được Ankara vận chuyển tới khu vực Biển Đen, gần Sinop để chuẩn bị cho một cuộc thử nghiệm radar nữa và có thể là cả bắn đạn thật. Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi đi Điện văn thông báo hàng không (Notice to Airmen - NOTAM) yêu cầu tất cả các máy bay tránh xa khu vực ở độ cao 61.000m.

Tên lửa S-400 khiến NATO rúng động: Thổ Nhĩ Kỳ có dám liều lĩnh chọc giận cả Gấu Nga? - Ảnh 2.

Mỹ và các nước thành viên NATO lo ngại Nga có thể thu thập các bí mật của máy bay chiến đấu NATO qua thương vụ bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: DW

Thổ Nhĩ Kỳ có dám dùng S-400 uy hiếp máy bay Nga?

Không giống như Patriot, S-400 có thể tấn công nhiều máy bay cùng lúc ở tầm bắn 400km.

Điều này có nghĩa là nó có thể bao phủ hầu hết lãnh thổ Syria. Với một tổ hợp đặt tại biên giới gần địa bàn Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tấn công các máy bay ở khoảng cách xa như Damascus hay Beirut và chắc chắn có thể vươn tới bất kỳ máy bay nào của Nga đang cất cánh hoặc hạ cánh tại căn cứ Không quân Khmeimim gần Latakia, Syria.

Một hệ thống tên lửa có thể khống chế không phận đối phương chắc chắn là một vũ khí mạnh và có thể đảo ngược cán cân chiến lược.

Dù S-400 có được sử dụng như thế nào thì nó cũng sẽ khiến các nước láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ phải lo lắng. Hy Lạp, nước đang vận hành phiên bản S-300 cũ hơn đã đặc biệt quan ngại khi máy bay chiến đấu của họ bị S-400 “ngắm bắn”, làm gia tăng căng thẳng giữa hai thành viên NATO.

S-400 sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ bao quát toàn bộ biển Aegean và phía Đông Địa Trung Hải. Đây cũng chính là những gì mà Thổ Nhĩ Kỳ phản đối khi Cyprus mua S-300 vào cuối những năm 1990.

Hiện vẫn chưa rõ Nga sẽ phản ứng như thế nào nếu S-400 được triển khai để chống lại chính máy bay Nga, một kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai gần khi hai nước đang ủng hộ các phe đối lập khác nhau ở Syria và Libya.

Dù ở miền bắc Syria hay miền trung Libya thì S-400 sẽ đều có khả năng bắn hạ mục tiêu kẻ thù một cách dễ dàng, và tất nhiên nó cũng sẽ trở thành mục tiêu hàng đầu của bất kỳ đối thủ nào.

Video ghi lại cảnh Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm hệ thống radar của S-400

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại